Ngày cận tết, trên những cánh đồng kiệu (thôn Tất Viên xã Bình Phục, Thăng Bình), bà con nông dân đang hối hả thu hoạch trong niềm vui “được mùa, được giá”.
Chỉ mới 7 giờ sáng, vợ chồng chị Trương Thị Quyết (ở tổ 4) đã có chuyến thứ 2 quay trở lại ruộng để nhổ kiệu bán tết.
Cầm trên tay bụi kiệu vừa nhổ lên với hơn chục tép to, chị Quyết kể: “Ra ruộng nhổ từ 4 giờ sáng, hai vợ chồng vừa chở lên nhập cho thương lái hơn 1 tạ kiệu. Về nhà lo cơm nước, cho con đến trường xong, vợ chồng tranh thủ quay trở lại tiếp tục công việc. Vụ kiệu năm nay gia đình chị trồng 4 sào. Kiệu được mùa, được giá nên chúng tôi rất phấn khởi”.
Ở đám ruộng kế bên, vừa cầm trên tay hơn 2 triệu đồng tiền nhập kiệu, ông Trương Văn Ái (ở tổ 3) vui vẻ nói, vụ này ông trồng 4 sào kiệu, mỗi sào trừ chi phí giống, phân bón, bỏ công làm lời, gia đình ông thu về gần 20 triệu đồng.
Năm nay do lo ngại dịch bệnh Covid-19 phải hạn chế lưu thông, sức mua của người tiêu dùng giảm, nông dân ở các địa phương được xem là “cái nôi” về kiệu như Quảng Ngãi, Bình Định giảm diện tích trồng, nên mùa kiệu năm nay của người dân Thăng Bình được “lên ngôi”.
Anh Trương Văn Vinh (ở thôn Tất Viên) cho biết: “Tranh thủ kiệu thu vào đang được giá, gần một tuần nay, gia đình huy động bình quân mỗi ngày 4 lao động ra đồng nhổ kiệu.
Không như nhiều gia đình khác chọn giải pháp bán sỉ cả đám ruộng cho thương lái, gia đình tôi chọn cách tự nhổ tự bán. Việc làm này sẽ giúp chủ động hơn trong canh tác. Sau mùa kiệu, tận dụng đất đang còn nhiều chất dinh dưỡng, gia đình tôi sẽ bắt tay vào gieo trồng cây đậu đen”.
Không biết tự bao giờ, thiên nhiên đã ban tặng cho cát trắng xã Bình Phục (huyện Thăng Bình) kết duyên với loài cây kiệu. Một sản phẩm đặc trưng làm nên hương vị ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Từ củ kiệu, đã cho ra đời những hủ dưa món đậm đà đầy màu sắc, kiệu muối chua ngọt thơm giòn,… ăn kèm bánh chưng, bánh tét. Hương sắc đặc trưng hầu như nhà nào cũng có mỗi khi tết đến xuân về.
Hơn 80 tuổi, trong lớp áo nâu bạc màu, lão nông Phan Ngọc (ở tổ 4) vẫn khỏe khoắn mang từng rổ kiệu vừa cắt xong đổ dồn vào một điểm chờ thương lái tới cân.
Ông Ngọc chia sẻ: “Hàng năm cứ đến cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch, người dân thôn Tất Viên cùng nhau ra đồng làm đất trồng kiệu, miệt mài nhổ cỏ, bắt sâu, chờ ngày thu hoạch phục vụ bà con gần xa dịp tết.
Nhìn chung mùa trồng kiệu năm nay khá thuận lợi, ít sâu bệnh. Trước đây trồng hành nhưng không ăn thua, đất này chỉ thích hợp trồng kiệu, đất càng trắng kiệu càng tốt, cho củ to. Năm nay thời tiết thuận lợi, sản lượng kiệu rất đạt”.
Những ngày đầu vụ, các thương lái như chị Lê Thị Chính, Võ Thị Xuân đến tận ruộng hỏi mua kiệu mang về phân loại, bán ra chợ hoặc gửi mối đi các nơi phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Qua tháng chạp, khi mùa thu hoạch rộ, các chị phải mượn sân của những gia đình gần cánh đồng kiệu, dựng lều bạt ngồi chờ bà con nhổ đem về nhập. Do sức mua của các nơi như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn,… năm nay tăng mạnh, nên việc thu mua diễn ra rất nhanh, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Giá mua kiệu thường xuyên dao động tăng lên hàng ngày, tùy theo loại có giá 34 - 38 nghìn đồng/kg.
Năm nay, toàn huyện Thăng Bình có khoảng 200ha đất trồng kiệu, tập trung ở các xã Bình Phục, Bình Giang, Bình sa… So với mọi năm, diện tích trồng kiệu năm nay thấp hơn, chỉ đạt 70 - 80% diện tích sẵn có.
Tuy nhiên, năm nay kiệu được giá nên người trồng kiệu rất phấn khởi. Niềm vui “mùa kiệu” lan tỏa trên khắp những cánh đồng, len lỏi trong từng nếp nhà của người nông dân Thăng Bình trong những ngày bà con sắp đón Tết Nhâm Dần 2022.