Niềm vui người giữ rừng

TRẦN HỮU 15/10/2013 15:11

Thời gian qua, từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP, người dân sống ở lưu vực lòng hồ các thủy điện thuộc huyện Đông Giang, Phước Sơn được nhận giao khoán bảo vệ rừng. Nguồn kinh phí này đã góp phần làm tăng hiệu quả giữ rừng của người dân địa phương.

Niềm vui của nhóm hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng ở xã Ma Cooih, huyện Đông Giang. Ảnh: T.H
Niềm vui của nhóm hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng ở xã Ma Cooih, huyện Đông Giang. Ảnh: T.H

Cải thiện thu nhập

Ông Hồ Văn Nghĩa (xã Phước Công, huyện Phước Sơn) đại diện cho 12 hộ nhận khoán bảo vệ gần 210ha rừng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Ngày được giao diện tích giữ rừng, nhóm hộ ông Nghĩa phấn khởi lắm. Một buổi lễ ăn mừng nhỏ cũng diễn ra tại làng, nội dung xoay quanh là bàn thảo các phương án, cách thức tuần tra, canh giữ rừng hiệu quả. Mỗi người một nhiệm vụ, họ tự phân công nhau lịch trực. Ông Nghĩa cho biết: “Từ ngày Nhà nước giao rừng, đồng bào mình vui lắm. Đầu tiên nhóm hộ chúng tôi khoanh phạm vi ranh giới, diện tích do mình quản lý, bảo vệ. Rừng trải dài mênh mông, nhưng chúng tôi tự cắt ra từng khu vực cho cá nhân tự giữ. Mỗi người sẽ chịu trách nhiệm trong lúc trực của mình. Tuy nhiên, nếu phát hiện lâm tặc phá rừng, nhóm hộ có trách nhiệm đồng loạt kéo đến xử lý ngay”. Theo thống kê của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (chủ rừng), đến nay đã giao khoán cho 497 hộ chăm sóc, bảo vệ 8.055ha rừng, mỗi nhóm hộ đông nhất với 12 hộ, ít nhất 6 hộ dân. Trong khi đó, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi (Phước Sơn), đến nay đã giao rừng cho 13 nhóm hộ gồm 143 hộ với diện tích hơn 4.188ha.

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng, đến nay có 761 nhóm hộ gồm 14.881 hộ thuộc 9 huyện trên địa bàn tỉnh được nhận giao khoán 181.172ha. Đơn giá chi trả bình quân là 182 nghìn đồng/ha/năm, hiện đã triển khai tại 8 đơn vị chủ rừng và 3 đơn vị quản lý rừng là các hạt kiểm lâm.

Để đi đến thống nhất giao khoán cho nhóm hộ, trước đó Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng (đơn vị ủy thác nhận tiền từ các đối tượng chi trả DVMTR) phối hợp với chính quyền, các bộ phận liên quan khảo sát, rà soát lưu vực và lập danh sách đối tượng được hưởng lợi. Chủ rừng xác định vị trí và chụp ảnh cột mốc cùng chủ hộ nhận khoán, rồi hai bên tiến hành đếm từng gốc, hiện trạng rừng ghi vào biên bản giao nhận khoán. Tại xã Ma Cooih (huyện Đông Giang) bình quân mỗi hộ nhận bảo vệ 20ha rừng. Mỗi hộ nhận hơn 5,4 triệu đồng/năm tiền công giữ rừng. Hằng tháng, bà con tuần tra, canh giữ ít nhất 3 lần để ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng trái phép. Nhiều người dân bảo, trong diện tích được giao bảo vệ, thường ngày họ còn vào rừng khai thác lâm sản phụ như lấy mật ong, các loại nấm, khai thác măng, cây mây… Có thêm tiền Nhà nước chi trả nhưng sinh kế vẫn không bị ảnh hưởng. Ông A Lăng Trách - Bí thư Đảng ủy xã Ma Cooih nói: “Quyền lợi của người dân được đảm bảo, những điều khoản trong hợp đồng chặt chẽ, vì thế họ rất sợ phá rừng lấy đất sản xuất. Theo nguyện vọng của bà con, Nhà nước cần hỗ trợ cho họ trồng thêm các loại cây dược liệu dưới tán rừng giao khoán để cải thiện thu nhập, làm giàu hệ sinh thái rừng...”.

Nhiều đơn vị nợ tiền

Đến nay, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng đã ký kết hợp đồng ủy thác với 16 nhà máy thủy điện và 3 đơn vị sản xuất nước sạch với số tiền hơn 53 tỷ đồng. Đáng nói, đơn vị này đã tham mưu cho UBND tỉnh mời tư vấn có năng lực xây dựng các đề án chi trả DVMTR để có cơ sở thực hiện giao khoán rừng và chi trả tiền đến người giữ rừng. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng, khó khăn nhất hiện nay là vẫn còn một số doanh nghiệp cố tình phớt lờ nghĩa vụ chi trả DVMTR dẫn đến bị động về nguồn thu.

Tính đến hết tháng 9.2013, một số nhà máy thủy điện, nước sạch còn nợ hơn 4 tỷ đồng tiền phí DVMTR của năm 2011, 2012 và quý 1 và 2 năm 2013. Trong đó, Công ty CP Sông Ba (Nhà máy thủy điện Khe Diên) nợ quý 1 và 2 năm 2013 hơn 170 triệu đồng, Công ty CP Thủy điện GERUCO Sông Kôn (Nhà máy thủy điện Sông Kôn 2) nợ quý 1 và 2 năm 2013 gần 2 tỷ đồng, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (Nhà máy thủy điện Sông Bung 5) nợ bản kê khai nộp tiền và chưa thanh toán tiền DVMTR quý 1 và 2 năm 2013, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam nợ tiền DVMTR năm 2012 và quý 2 năm 2013 hơn 239 triệu đồng, Công ty CP Hoàng Anh Quảng Nam nợ các năm 2011, 2012 và quý 1 và 2 năm 2013 hơn 75 triệu đồng…

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm vui người giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO