Niềm vui trên cây cầu mơ ước

HOÀNG LIÊN 24/03/2017 16:15

  • Video: Cầu Giao Thủy - 40 năm nối nhịp bờ vui

(QNO) - Hòa trong không khí trọng đại 42 năm giải phóng Quảng Nam và 20 năm sau ngày chia tách tỉnh, hôm nay 24.3, đại công trình cầu Giao Thủy được khánh thành trong niềm vui vỡ òa của người dân vùng tây đất Quảng.

Qua 2 năm thi công với tiến độ khẩn thiết, dự án trải qua không ít nhọc nhằn, vướng mắc, song cuối cùng, cây cầu Giao Thủy cũng hoàn thành trong niềm vui, thỏa chờ mong của nhân dân hai vùng cách trở. Ngày mới về trên đại công trình Giao Thủy với cảnh xe cộ bắt đầu rộn rịp ngược xuôi từ khi cây cầu hợp long. Rong ruổi trên cầu mới bắc qua sông Thu nghe gió thổi lồng lộng, mát rượi chợt dâng lên niềm tự hào quê hương được đổi mới, thay da đổi thịt. Có cầu, không còn cảnh đò giang cách trở, các vùng kinh tế trọng điểm sẽ được kết nối, tạo động lực phát triển.

Ngày mới đã về trên đất Đại Lộc - Duy Xuyên. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Ngày mới đã về trên đất Đại Lộc - Duy Xuyên. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Đã hơn 40 năm rồi, người dân hai bên bờ Thu Bồn vùng Giao Thủy - Kiểm Lâm từng chịu thiệt thòi khi cây cầu Giao Thủy từng tồn tại trong lịch sử bị tàn phá trong chiến tranh. Mấy chục năm, người dân hai vùng phải qua lại trên những chuyến đò ngang chòng chành, ẩn họa nhiều nguy hiểm rình rập khi những chiếc đò ngang luôn ở trong tình trạng quá tải, lòng sông Thu Bồn không ngừng bị mở rộng và xói lở… Bao nhiêu chờ đợi, mong mỏi một cây cầu nối nhịp bờ vui rồi cũng đến ngày có quả ngọt khi cuối năm 2014, dự án cầu Giao Thủy nối hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc được Chính phủ phê duyệt. Ngày nay, cây cầu sừng sững mọc lên nối hai bờ cách trở có tổng chiều dài hơn 1km, rộng 12m, được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực tạo sự kết nối giao thông giữa quốc lộ 14B, ĐT 609B (Đại Lộc) - ĐT 610 (Duy Xuyên - Nông Sơn).

Lưu thông qua lại trên cây cầu mới mọc lên, chị Nguyễn Thị Bé, người dân thôn Giao Thủy (xã Đại Hòa, Đại Lộc) phấn khởi nói: “Có cầu, bà con đi lại đỡ vất vả, lại an toàn. Mấy chục năm nay, sợ nhất là đêm hôm có việc cần phải qua lại bằng đò, hay như mỗi mùa mưa bão tới, giao thông bị cô lập hoàn toàn”. Chạy xe máy rong ruổi trên cây cầu vừa thi công chờ ngày khánh thành, ông Nguyễn Văn Thành (quê Duy Hòa, Duy Xuyên) mừng rơn: “Thường, để qua bên này Ái Nghĩa, tôi phải chạy xe qua bãi cát dài, mỗi lần qua lại là leo lên hai lần đò, tốn kém, mệt mỏi. Nay thì đã khác rồi. Không chỉ phục vụ đi lại, ai cũng vui khi nghe cây cầu này sẽ tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, phát triển du lịch giữa các vùng Đại Lộc - Duy Xuyên - Nông Sơn”.

Ông Lê Sáng (87 tuổi), người dân Quảng Huế (Đại Lộc) tâm sự: "Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, nay được tận mắt thấy cây cầu sừng sững bắt qua sông Thu tôi vui lắm, thế là quê hương được đổi mới rồi. Không còn cảnh qua sông luỵ đò, hàng hóa lưu thông thuận tiện rồi, đời sống người dân chắc sẽ khấm khá lên nhiều". Từ khi cây cầu hợp long tới nay, dù chưa tới ngày khánh thành nhưng nhiều người dân cũng tranh thủ chạy qua cây cầu để thấy lòng mình vui lâng lâng, để ngắm mây trời, sông nước.

Ông Huỳnh Sáu - Chủ tịch HĐND xã Đại An (Đại Lộc) cho hay, cầu Giao Thủy khánh thành sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương đồng thời kéo theo sự phát triển của thương mai và du lịch. Vùng ngã tư Quảng Huế nằm giữa hai xã Đại An và Đại Hòa sẽ có điều kiện mở rộng, phát triển, việc buôn bán của người dân sẽ dễ dàng hơn. Vùng sản xuất rau quả chuyên canh Bàu Tròn cũng sẽ dễ dàng cung ứng cho các địa phương lân cận, tạo sản phẩm phục vụ tham quan, du lịch. Động lực phát triển kinh tế thương mại - dịch vụ - du lịch đã được khơi thông.

Trên bến Giao Thủy, những con đò cuối cùng cũng kết thúc sứ mệnh chở khách suốt mấy chục năm ròng rã. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Trên bến Giao Thủy, những con đò cuối cùng cũng kết thúc sứ mệnh chở khách suốt mấy chục năm ròng rã. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Trên bến Giao Thủy, khúc sông mẹ Thu Bồn, những chuyến phà cuối cùng cũng đã kết thúc sứ mệnh sau mấy chục năm… chở nặng những ân tình. Trên cây cầu mới, bắt đầu rộn rịp xe cộ ngược xuôi thì dưới bến sông Giao Thủy từng nhộn nhịp một thời nay trở nên yên ắng, những chiếc phà, con đò nằm gối bãi.

Ông Lê Văn Đắc (xã Duy Hòa, Duy Xuyên), người mấy chục năm lái đò sông Thu nhìn xa xăm, thoáng buồn vì đây là nghề “cha truyền con nối”. Trên bến sông này, với ông là biết bao kỷ niệm và ở đó là cả ký ức của tuổi trẻ, ở đó là miếng cơm, manh áo của cả gia đình. Nghề đưa đò đã giúp ông và bao người ở đây vượt qua thời đói cơm thiếu áo. Bởi mỗi ngày, có cả trăm lượt khách sang sông, mỗi người lái đò kiếm vài trăm nghìn đồng, ngày cuối tuần khá hơn. Kể từ nay, con đò mấy bận rẽ sóng nước Thu đưa bao đợt lữ khách sang sông này sẽ “thất nghiệp”. Không ít người lái đò, chủ đò, chủ bến sẽ lên bờ, tìm kế mưu sinh khác. “Mấy chục năm gắn bó với sông nước rồi, giờ lên bờ không biết làm gì vì ruộng vườn không có. Nhưng dẫu sao, tôi cũng thấy vui vì có cầu, đời sống của người dân hai bên sẽ thuận lợi hơn, đỡ vất vả vào tiết mưa lũ” - ông Đắc nói.

Ông Đắc là một trong 10 người lái đò ở bến sông này sẽ thất nghiệp, còn chủ bến như bà Trương Thị Hỉ (60 tuổi), Phạm Thị Thuận, Lê Thị Nhung (quê Đại Lộc) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Trò chuyện về những ngày tháng tới khi rời sông nước, gương mặt họ thoáng nét buồn: “Xa bến, xa đò, xa bao khách thân quen, buồn lắm chứ. Nhưng nếu không có cầu thì biết bao thế hệ con cháu chúng tôi sẽ không thể khá lên được. Thay vì buồn thì mình phải vui mừng vì quê hương thay da đổi thịt chứ” - bà Hỉ tâm sự. Còn ông Lê Trung (xã Đại Hòa, Đại Lộc), người đã có 10 năm gắn bó với nghề đưa đò cho rằng, mai đây, khi không còn theo nghề sông nước nữa, ông dự tính sẽ mở quán nước ven đường đón khách du lịch từ tuyến Đà Nẵng - Mỹ Sơn - Nông Sơn để cải thiện kinh tế.

Ngày mới đã về trên bến Giao Thủy, xóa đi bao cách trở, chờ mong. Cây cầu vắt qua lòng sông rộng, thênh thang đường lớn đã mở. Giấc mơ chuyển mình nơi vùng tây xứ Quảng đã trở thành sự thật…

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm vui trên cây cầu mơ ước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO