(QNO) - Khi tặng sách cho ai đó, tôi nghĩ đến câu “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm” (ngạn ngữ Bungari).
1. Nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21.4) năm nay, một người bạn của tôi công tác tại một bệnh viện trong tỉnh, đi công tác xa không về kịp, nhờ tôi gửi tặng bộ sách “Hạt giống tâm hồn” đến 2 trường học ở địa phương.
Không chỉ tặng sách nhân dịp này, bạn tôi thỉnh thoảng tìm mua những bộ sách hay, phù hợp với lứa tuổi học trò và nhờ tôi gửi tặng các trường học trong tỉnh. Còn tôi, mỗi khi tặng sách hoặc làm điều gì tốt đẹp, lại nhớ câu ngạn ngữ: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Sách đã trao đi rồi, mà yêu thương còn đọng mãi và tri thức thì lan tỏa.
Khi mang sách đến trường học, tôi rất vui vì thầy cô giáo nhận sách và đọc ngay, trước khi chuyển sách đến thư viện và tủ sách lớp học. Cũng thật tình cờ, vừa tặng sách xong thì tôi nhận được sách từ một người bạn ở Đà Nẵng gửi tặng qua bưu điện. Niềm vui từ sách giản dị và bé nhỏ vậy.
Tôi cũng thường tặng sách cho người thương, bạn bè hoặc các cháu nhỏ. Tiền lì xì tết của con tôi, ngoài để dành, còn nhất định phải dùng vào hai việc: một là mua ít nhất một quyển sách mà con yêu thích, hai là một mua ít nhất một cây xanh để trồng.
Thỉnh thoảng tôi sắp xếp lại các tủ sách của gia đình. Lật mở hàng trăm quyển sách, tôi luôn cảm thấy bồi hồi vì quyển nào cũng gắn với kỷ niệm từ những lời đề tặng hoặc ghi lý do mua sách, có thể là “nhân chuyến công tác xa”, có thể là “nhân dịp con đi thi…” hoặc nhiều khi chẳng "nhân dịp" gì cả.
Nhìn tủ sách gia đình tôi vơi đi (khi tôi mang tặng lại ai đó), rồi lại đầy (khi tôi mua thêm hoặc được tặng), tôi luôn cảm thấy vui. Bởi vì, nếu chỉ để trang trí, thì sách cũng chỉ là giấy thôi.
2. Ngày Sách và văn hóa đọc năm nay rất nhiều hoạt động liên quan đến sách được tổ chức. Điểm nhấn có lẽ là các trường mầm non tổ chức ngày hội đọc sách của bé. Các cháu được nghe cô giáo kể chuyện cổ tích, được làm quen với sách, lật giở từng trang sách…
Bà Nguyễn Thị Thu Giang - chuyên viên Phòng GD-ĐT Tam Kỳ chia sẻ, khi cha mẹ hoặc cô giáo chọn kể những cuốn sách phù hợp với độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ như chuyện cổ tích hay truyện tranh, sẽ hỗ trợ trẻ khơi gợi trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, hoàn thiện các kỹ năng quan trọng đầu đời, giúp trẻ nuôi dưỡng trí tuệ, cảm xúc.
“Quan trọng hơn cả, việc đọc sách cho trẻ nghe và cùng trẻ lật từng trang sách còn xây dựng mối quan hệ tình cảm gắn bó, thấu hiểu giữa cha mẹ, cô giáo và trẻ, cũng như mang lại vô vàn cơ hội học tập và khám phá thế giới xung quanh. Vì lẽ đó, nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm nay, cấp học mầm non ở Tam Kỳ phát động phong trào trưng bày sách cho cô và trẻ ở các trường mầm non, mẫu giáo nhằm giáo dục trẻ làm quen với văn hoá đọc, làm quen với cách lật từng sách, từ đó dần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ" - bà Thu Giang nói.
Cô Phạm Nguyễn Hồng Nhung – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Ánh Dương (Tam Kỳ) chia sẻ cách trường mầm non làm để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho trẻ: “Bằng những cách đơn giản và gần gũi nhất, như tận dụng mọi không gian thân thiện nhất trong các lớp, trong trường, các cô tạo cho trẻ có những hoạt động vui vẻ, thoải mái, khám phá phù hợp, để trẻ dần hình thành thói quen xem sách, xem tranh truyện và cùng cô phiêu lưu vào thế giới đầy màu sắc và lý thú trong mỗi cuốn sách…".3. Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, Thư viện tỉnh đã đem những “bữa tiệc” sách đến học sinh các trường bằng thư viện lưu động cũng như phục vụ học sinh tại Thư viện tỉnh.
Sáng nay 21.4, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Tam Kỳ) được tặng thẻ đọc sách miễn phí, được giao lưu và đọc sách tại xe thư viện lưu động. Ông La Đình Nghĩa – Giám đốc Thư viện tỉnh nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách trong nâng cao kiến thức, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách. Ông Nghĩa chia sẻ, niềm vui của những người làm công tác thư viện là có thêm nhiều bạn đọc đến với Thư viện tỉnh, tiếp cận những quyển sách hay và đặc biệt đơn vị rất vui mừng chào đón ngày càng nhiều hơn bạn đọc trẻ tuổi đến với thư viện.
Còn học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi thì tỏ ra rất thích thú và háo hức với phần giao lưu với cán bộ thư viện, trả lời các câu hỏi, câu đố vui xoay quanh chủ đề về sách cũng như thỏa thích đọc nhiều loại sách.
Ngày hội đọc sách rồi cũng sẽ khép lại. Nhưng sẽ rất vui nếu đọc sách không chỉ là phong trào, mà mọi trẻ em được nuôi dưỡng tình yêu với sách từ nhỏ và được duy trì thường xuyên, từ mỗi gia đình, trường học, cộng đồng.