Niềm vui và nước mắt

DIỄM LỆ 08/10/2014 09:06

Hơn 20 năm, những người lao động bị tạm dừng chế độ giai đoạn 1991 - 1994 mới được giải quyết. Một sự chờ đợi khá dài.

Năm 1991, theo chủ trương chung, có hơn 40 đơn vị, công ty trong toàn tỉnh thuộc diện cổ phần hóa, sắp xếp lại lao động. Người lao động sẵn sàng chấp nhận nghỉ việc và nhận trợ cấp một lần. Một số người đã nhận tiền trợ cấp, thì các đơn vị, doanh nghiệp ra quyết định thu hồi tiền trợ cấp, yêu cầu làm sổ hưu trí, mất sức. Việc làm trên sai với quy định nên Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu dừng thực hiện, thu hồi sổ hưởng hưu trí, mất sức, cùng với tiền đã cấp; yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị phải trả lại tiền trợ cấp một lần cho người lao động. Đến lúc này thì các doanh nghiệp, đơn vị trên đã giải thể, người lao động không được trả tiền trợ cấp. Cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) không làm tròn chức trách, để vụ việc kéo dài, khiến người lao động bất bình. Sau ngày tách tỉnh 1997, vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Một số người bắt đầu gửi đơn khiếu nại, yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết từ năm 2009. Sở LĐ-TB&XH vào cuộc, xác minh, yêu cầu đối tượng cung cấp hồ sơ. Đến nay, trong số 391 hồ sơ được gửi đến Sở LĐ-TB&XH, có 145 hồ sơ đủ điều kiện hưởng trợ cấp 1 lần, và 31 hồ sơ đủ điều kiện cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Những người lao động đang dò tìm tên mình trong danh sách niêm yết công khai tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh.Ảnh: D.L
Những người lao động đang dò tìm tên mình trong danh sách niêm yết công khai tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh.Ảnh: D.L

Nhíu đôi mắt đã mờ dưới lớp kính cận, bà Trần Thị Huyền (SN 1955, TP.Tam Kỳ) dò tìm tên từng người trong danh sách lao động được niêm yết công khai tại Sở LĐ-TB&XH. Dò đến tên mình, bà Huyền cẩn thận đọc từng thông tin về hệ số lương lúc nghỉ việc, hệ số lương quy đổi cho đến thời điểm này, số năm công tác và số thời gian được tính chi trả chế độ trợ cấp một lần. Bà Huyền nguyên là nhân viên thuộc Công ty Ăn uống dịch vụ Tam Kỳ cũ. Bà Huyền đã công tác ở đó được 17 năm 6 tháng nên được tính chi trả 18 tháng lương theo cách tính hệ số lương quy đổi cao nhất x số tháng chi trả chế độ (theo năm công tác, mỗi năm mỗi tháng) x 1.150.000 đồng (mức lương cơ bản chung). Tính ra, bà Huyền được chi trả hơn 91 triệu đồng trợ cấp. Bà Huyền nói: “Sự việc kéo dài đã quá lâu, tôi không còn thắc mắc nào cả, cách tính của cơ quan chức năng theo hướng có lợi hơn cho người lao động, dựa trên ý kiến của người lao động là một sự công bằng và tôn trọng đối với chúng tôi. Tôi không quan tâm nhiều ít nữa, tôi chỉ mong sớm được giải quyết chế độ theo đúng danh sách niêm yết, để tuổi già tôi được an lòng”. Tiếp lời bà Huyền, bà Đặng Thị Thế (SN 1944, nguyên là công nhân Xí nghiệp Gỗ Cẩm Hà) nói trong nước mắt: “Tôi được tính hơn 40 triệu đồng, nhận số tiền này mà cay con mắt. So với 20 năm chờ đợi thì số tiền này có là bao, tôi thực sự chưa thỏa mãn lắm, nhưng đó là sự cố gắng của những người đời sau giải quyết sai lầm của người đời trước, nên chúng tôi nhận. Tôi và những người được giải quyết lần này thuộc diện may mắn hơn vì còn đủ giấy tờ, còn hơn 200 người còn lại vẫn chưa được giải quyết nữa. Và đau hơn, có những người đã về với đất vì bệnh tật, ốm đau, tuổi già mà chế độ chưa được giải quyết. Bây giờ, nếu con cháu nộp đủ giấy tờ cho cha mẹ, ông bà đã chết vẫn được giải quyết chế độ, âu đó cũng là niềm an ủi”.

Trong số 145 người được giải quyết chế độ đợt 1, có bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1957, Xí nghiệp Lâm nghiệp huyện Hiên cũ) không hài lòng và quyết không nhận chế độ. Bà Xuân nói: “Thực tế thời gian công tác của tôi là 18 năm, nhưng huyện Đông Giang chỉ xác nhận cho tôi có 7 năm 8 tháng thì làm sao tôi nhận cho được. Tôi cần được tính cho đúng, bao nhiêu năm công tác trên đó, ai cũng biết tôi làm đến 18 năm, mà sao giờ tính cho tôi tròn 8 năm?” Về thắc mắc của bà Xuân, ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, giải thích: “Dựa trên hồ sơ gốc do chính bà Xuân gửi đến thanh tra Sở LĐ-TB&XH xem xét, quyết định của huyện Hiên cũ chỉ thể hiện được thời gian công tác của bà Xuân là 7 năm 8 tháng, làm tròn thành 8 năm nên bà Xuân được nhận chế độ mỗi năm 1 tháng lương sau khi đã quy đổi. Nếu bà Xuân cho rằng mình công tác 18 năm, bà cần bổ sung giấy tờ chứng minh điều đó, và bà cũng có thể làm đơn kiến nghị gửi đến thanh tra Sở LĐ-TB&XH để được xem xét lại”. Bà Xuân là trường hợp duy nhất trong đợt 1 không nhận chế độ, còn lại 144 người đều đồng loạt đồng ý, mong muốn sớm được giải quyết chế độ theo như cách tính của Sở LĐ-TB&XH. Và những người được nhận chế độ lần này chỉ còn “Mong sao Nhà nước tính cách giải quyết thế nào đó, để cho hơn 200 người còn lại đều được giải quyết chế độ như chúng tôi đã được giải quyết. Bởi theo thời gian, người cũng chết huống chi giấy tờ không thất lạc”, như ông Phan Đình Dũng (TP.Tam Kỳ) tâm sự. Sở LĐ-TB&XH sẽ cùng phối hợp với các ngành, tham mưu cho UBND tỉnh cách giải quyết hợp tình hợp lý nhất đối với 246 người lao động còn lại, nhằm đảm bảo tính công bằng trong giải quyết chế độ, quyền lợi cho người lao động.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm vui và nước mắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO