Cuộc sống thường ngày

Níu giữ hồn quê...

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 04/06/2024 08:32

Phát huy nét đẹp đường làng, ngõ xóm cổ xưa, những năm gần đây không ít hộ gia đình ở thôn An Sơn (nay là thôn 6, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) đã đầu tư xây dựng mới bờ rào cổng đá, góp phần tích cực vào việc “níu giữ hồn quê”.

Du khách tham quan check - in tại cổng đá nhà ông Lê Văn Hào Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Du khách tham quan, check-in tại cổng đá nhà ông Lê Văn Hào. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Xã Tiên Cảnh hiện có hàng chục ngôi nhà và tường rào, cổng ngõ cổ. Riêng thôn An Sơn có 14 ngôi nhà và 3 cổng ngõ cổ. Nhà ông Lê Văn Hào được xây dựng từ năm 1930 trên lưng chừng một ngọn đồi. Đây là một trong những tuyệt tác được các đôi tay tài hoa của những người thợ đến từ làng mộc Văn Hà làm liên tục trong 3 năm, 6 tháng, 14 ngày.

Trải qua gần một thế kỷ với biết bao biến cố nhưng các thế hệ con cháu trong gia đình đã bảo tồn và giữ gìn tài sản vô giá của cha ông để lại. Đến nay ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn với lối kiến trúc 3 gian, 2 chái, phần chống đỡ ngôi nhà là 16 cột cái to và 20 cột con bao bọc xung quanh. Kèo, xuyên, trính được chạm khắc tinh xảo với các loài chim muông độc đáo, cùng tùng lộc, mai điểu...

Ngõ đá nhà ông Phạm Văn Thái Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Ngõ đá nhà ông Phạm Văn Thái. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Tất cả đều có sự thanh thoát và kỳ công trong từng nét chạm trổ cũng như lối trang trí, sắp đặt bên trong. Ngoài ra, nhà ông Lê Văn Hào còn đầu tư xây dựng hoàn thành công trình bờ rào cổng ngõ vào năm 1940.

Ông Phạm Văn Thái (tức Hồng) thừa kế ngôi nhà 3 gian, 2 chái, được người cha xây dựng từ thập niên 1940. Hầu hết nguyên liệu được làm hoàn toàn bằng gỗ mít do cha ông Thái khai thác trong vườn hoặc mua lại từ các hộ trong vùng.

Số gỗ mít này được những người thợ làng mộc Văn Hà tỉ mẩn xẻ, đục thành rường cột và kỳ công trong việc chạm trổ những bộ cửa đi, cửa sổ, những tấm hoành phi, câu đối, trang trí bàn thờ ông bà, tổ tiên... trang trọng, quý phái.

Năm 1972, mặc dù quê hương đang chìm trong khói lửa chiến tranh nhưng cha ông Thái cũng đã đầu tư xây dựng sân vườn, bờ đá bao quanh tạo nên tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo để lại cho muôn đời sau khối tài sản lớn không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị văn hóa.

Hai hàng chè tàu và đường dẫn vào nhà ông Đoàn Văn Kính Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Hai hàng chè tàu và đường dẫn vào nhà ông Đoàn Văn Kính. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của người cha, năm 2013, ông Phạm Văn Thái đầu tư xây dựng trụ cổng và bờ đá dẫn vào nhà với tổng kinh phí hơn 20 triệu đồng.

Công trình hoàn thành tạo nên không gian thoáng mát, đan xen giữa văn hóa xưa và nay thu hút khá đông du khách đến tham quan, góp phần cùng địa phương bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể.

Thuộc thế hệ “sinh sau đẻ muộn” nhưng ông Đoàn Văn Kính nhận thức được sự hy sinh của các thế hệ cha ông nên đã cất công gìn giữ nét đẹp văn hóa từ kiến trúc xây dựng đường làng ngõ xóm.

Cách đây khoảng 20 năm, nhân cơ hội xây dựng nhà ở, ông Kính tranh thủ “công thừa, công xắp” đầu tư xây dựng 80m đường bê tông từ đường làng vào nhà, hai bên đường trồng chè tàu được cắt tỉa tỉ mẩn, bắt mắt.

Ông cho biết, lập gia đình từ năm 1985 nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cơm không đủ no, áo quần không đủ mặc, nhà ở làm bằng phên tre, vách đất. Qua nhiều năm tích cóp đến nay đã làm được nhà xây, mái ngói, nền lát gạch men.

Bờ đá dẫn vào nhà cổ Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Bờ đá dẫn vào nhà cổ. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Tuy chưa dư dả nhưng với trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ông Kính mạnh dạn đầu tư xây dựng bậc tam cấp, đường bê tông và trồng chè tàu uốn lượn quanh co hai bên đường dẫn vào nhà với tổng kinh phí hàng chục triệu đồng.

Việc làm đầy ý nghĩa này được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ủng hộ. Xét thấy hiệu quả, năm 2022 Nhà nước hỗ trợ gần 28 triệu đồng tạo điều kiện để hộ ông Kính tiếp tục đầu tư làm mới công trình bờ rào, cổng đá góp phần cùng địa phương phát triển du lịch cộng đồng.

Nhà ở được xây dựng cạnh nhau và ngày càng đông đúc hơn nhưng bờ rào, cổng ngõ nhà nào cũng được xếp thành trụ cửa ngõ, tạo nên “logo” riêng biệt của làng quê ở vùng bán sơn địa Tiên Phước. Đây là cả một quá trình đầu tư xây dựng của các thế hệ con em, cần được bảo tồn và phát huy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Níu giữ hồn quê...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO