Liên hoan Nghệ thuật tuồng và dân ca huyện Quế Sơn lần thứ VII vừa khép lại vào ngày cuối cùng của năm 2013 nhưng âm hưởng vẫn còn lắng đọng trong lòng người xem.
Liên hoan Nghệ thuật tuồng, dân ca lần thứ VII năm 2013 huyện Quế Sơn diễn ra trong 2 ngày 30 và 31.12.2013 gồm 15 tiểu phẩm kịch dân ca, 7 tiết mục biểu diễn nghệ thuật tuồng, với sự tham gia của hơn 150 diễn viên không chuyên đến từ 13 xã, thị trấn trên địa bàn. Nếu các lần liên hoan trước chỉ có một trong hai nội dung là biểu diễn nghệ thuật tuồng hoặc hát dân ca thì liên hoan lần này kết hợp cả 2 loại hình nghệ thuật truyền thống.
Trích đoạn tuồng cổ “Trưng Vương đề cờ”, tiết mục tham gia liên hoan của đội tuồng xã Quế Long.Ảnh: HOÀI PHI |
Tiểu phẩm dân ca “Bước ngoặt cuộc đời” của đơn vị thị trấn Đông Phú ngay từ phút đầu tiên đã lôi cuốn khán giả đến với những cung bậc cảm xúc về hạnh phúc, tình yêu gia đình, con cái qua những làn điệu dân ca khu 5. Đồng thời lên án mạnh mẽ vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay là tệ nạn ma túy. Ông Hà Tất Phương - Chủ tịch UBND thị trấn Đông Phú nói: “Ngay từ khi nhận được công văn về liên hoan, chúng tôi đã lên kế hoạch sắp xếp công việc, dành thời gian tập luyện. Tôi cảm thấy rất hài lòng và tin tưởng vào việc duy trì nghệ thuật tuồng, dân ca tại cơ sở”. Còn đội tuồng xã Quế Long gồm những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nhưng khi lên sân khấu, họ hoàn toàn lột xác, giọng hát và điệu bộ thể hiện được sự độc đáo của nghệ thuật tuồng đã thực sự chinh phục khán giả. Trích đoạn tuồng cổ “Trưng Vương đề cờ” của đội tuồng xã Quế Long như đưa người xem trở về với quá khứ anh hùng, hồi tưởng lại việc Trưng Trắc, Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh quân Nam Hán. Qua đó, ca ngợi tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, ý chí quật khởi của Hai Bà Trưng. Bà Phạm Thị Huyền Tạo - người đảm nhận vai diễn Trưng Trắc chia sẻ: “Dù năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng tôi vẫn muốn tham gia, bởi đây không chỉ là niềm đam mê của bản thân mà tôi còn mong muốn mình sẽ truyền được nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ biết yêu và giữ gìn loại hình nghệ thuật đặc sắc này”.
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Phạm Thị Huyền Tạo (xã Quế Long) vẫn tích cực tham gia liên hoan. |
Tương tự, các đơn vị tham gia liên hoan lần này khai thác rất nhiều đề tài mới lạ, dàn dựng kịch bản công phu như trích đoạn tuồng cổ “Ngũ hổ bình Liêu”, tiểu phẩm dân ca “Cơn mưa đầu mùa”, “Mảnh đời ngạo mạn”, “Chỉ một con đường”... để lại trong lòng người dự khán những ấn tượng sâu sắc. Ông Cao Đức Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Quế Sơn cho biết, tính tuyên truyền trong mỗi tiểu phẩm dân ca được đề cao đáng kể, nhất là xoáy sâu vào những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay và vận động cả hệ thống chính trị cùng chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. “Các nghệ sĩ không chuyên nhưng vẫn hát truyền cảm, sâu sắc, điêu luyện, kết hợp được tính hiện đại trong truyền thống, tạo nên sắc thái phong phú, mới lạ cho liên hoan” - ông Hùng nói.
Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải A toàn đoàn cho 2 đơn vị: thị trấn Đông Phú và xã Quế Phú. Các xã Quế Long, Quế An, Quế Châu cùng đoạt giải B toàn đoàn. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải A, B, C cho các tiểu phẩm hay và diễn viên xuất sắc. |
Theo Ban tổ chức, điều đáng lưu ý trong liên hoan lần này là sự xuất hiện của những diễn viên rất trẻ, có người chỉ mới tham gia lần đầu nhưng diễn xuất rất đạt, là “hạt mầm” trong tương lai. Chị Võ Thị Hoài Thương - đơn vị thị trấn Đông Phú bày tỏ: “Những làn điệu dân ca có sự cuốn hút kỳ lạ, tôi vô cùng thích thú. Nhìn những cô chú dày dạn kinh nghiệm diễn xuất, tôi học hỏi được rất nhiều điều. Tôi tin rằng sau liên hoan này sẽ có nhiều bạn trẻ tìm đến với nghệ thuật tuồng và dân ca”. Bí thư Huyện ủy Quế Sơn - Hà Phước Trinh cho biết, địa phương hiện có 6 câu lạc bộ tuồng, 2 câu lạc bộ dân ca. Song, số lượng thành viên tham gia các câu lạc bộ rất ít, có nguy cơ ngưng hoạt động, trong khi đó việc đào tạo thế hệ trẻ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Trong xu thế hội nhập hiện nay, nếu không có giải pháp đào tạo thế hệ diễn viên mới, nghệ thuật tuồng, dân ca sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu, trong hội làng, chương trình sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Ông Trinh nói: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để họ hiểu được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng, dân ca, khơi gợi niềm đam mê của công chúng. Đồng thời thường xuyên tổ chức những cuộc thi sáng tác lời mới cho các làn điệu dân ca và hội thảo chuyên đề về bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật này. Đặc biệt, sẽ tiến hành khảo sát thống kê lại số lượng người hiểu biết về tuồng và dân ca để vận động tham gia các câu lạc bộ, truyền dạy cho thế hệ trẻ”.
MAI NHI - HOÀI PHI