(QNO) - Nợ đọng bảo hiểm xã hội còn cao và kéo dài ở nhóm doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; có tới hơn 10.400 lao động bị ảnh hưởng từ nợ các loại bảo hiểm của doanh nghiệp là thực trạng tồn tại được chỉ ra tại kỳ họp HĐND lần thứ 6, khóa IX.
Theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, tại thời điểm giám sát của Ban Văn hóa - xã hội vào tháng 7.2017, có 1.895/4.600 doanh nghiệp đăng ký tham gia các loại hình bảo hiểm bắt buộc cho người lao động, đạt tỷ lệ 41,2%. Tại các doanh nghiệp này, nhờ xác định đúng vai trò, vị trí của người lao động nên từng bước thực hiện tốt nhiều chính sách, nhất là chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, thực hiện nâng lương, phụ cấp, thưởng, cải thiện chất lượng bữa ăn, bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Các cơ quan chức năng cũng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chính sách đối với người lao động; kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, thực hiện việc thu nợ, xử lý một số doanh nghiệp cố ý để nợ đọng các loại bảo hiểm của người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Song, vẫn còn một số doanh nghiệp có số nợ bảo hiểm xã hội lớn, kéo dài buộc phải xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không thu hồi được nợ. Năm 2016, qua kiểm tra liên ngành tại 30 đơn vị sử dụng lao động, thu hồi được 3,14/16,7 tỷ đồng, đạt 18,92%. Năm 2017, thu hồi 8,32/23,8 tỷ đồng, đạt 34,6%. Qua thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội tại 18 doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, thu hồi được 3,24/11,9 tỷ đồng, đạt 27,22%. Trong năm 2016, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng khởi kiện một doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Sau quá trình làm việc, doanh nghiệp đã thực hiện tương đối nghiêm túc việc trả nợ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Cũng theo bà Thu, nhóm doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn cao, kéo dài, nhiều doanh nghiệp không trả nợ theo cam kết. Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, tại thời điểm Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh giám sát (30.8.2017), có 956 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn từ 3 tháng trở lên với số tiền 93,26 tỷ đồng. Số lao động bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc nợ đọng này hơn 11.000 người. Ngoài ra, còn có 126 doanh nghiệp bị phá sản còn tồn đọng khoản nợ bảo hiểm với số tiền 20,8 tỷ đồng. Riêng số nợ của 6 doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV May Minh Phương, Công ty TNHH May Minh Hoàng II, Công ty CP Khoáng sản Đất Quảng Chu Lai, Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam, Công ty CP Xây dựng thủy lợi - thủy điện Quảng Nam, Công ty CP Nhà Việt Nam Vinahouse) mà Ban Văn hóa - xã hội trực tiếp khảo sát là 15,781 tỷ đồng. Đến 31.10.2017, có 868 doanh nghiệp (giảm 88 doanh nghiệp so với thời điểm giám sát) nợ 3 loại bảo hiểm nói trên từ 3 tháng trở lên với số tiền là 75,646 tỷ đồng (giảm 17,62 tỷ đồng so với thời điểm giám sát). Số lao động bị ảnh hưởng trực tiếp từ nợ đọng bảo hiểm là 10.402 người. Riêng nợ đọng bảo hiểm tại 6 doanh nghiệp ban trực tiếp giám sát là 18,4 tỷ đồng (tăng 2,63 tỷ đồng so với thời điểm giám sát).
HOÀNG LIÊN