Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong 5 tháng đầu năm 2014 lên đến 182,221 tỷ đồng khiến quyền lợi của hàng nghìn lao động bị tổn hại.
Nỗi khổ trên vai người lao động
Một ngày cuối tháng 5, xưởng làm việc của Công ty TNHH May Minh Hoàng II (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) vẫn nhộn nhịp với 1.295 lao động đang làm việc miệt mài. Đồng lương hằng tháng của những lao động này vẫn trích đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Nhưng mọi chế độ của họ không thể giải quyết vì lãnh đạo công ty này không nộp số tiền nợ BHXH hơn 10,8 tỷ đồng. Người lao động (NLĐ) rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đi không được, ở cũng chẳng xong. Nếu bỏ việc, chắc gì họ có thể tìm được một việc làm mới trong thời buổi còn khó khăn? Và họ cũng sẽ trắng tay bởi mọi chế độ liên quan đều không thể giải quyết được khi sổ BHXH của NLĐ không được chốt. Chị N.T.H, một công nhân của công ty này thất vọng: “Biết làm sao giờ, thôi thì ráng bu bám kiếm đồng lương, ráng hy vọng công ty sẽ trả nợ thì chế độ của những công nhân như tôi được giải quyết. Làm công nhân thu nhập có bao nhiêu, nhiều chị em trong công ty có thai, hy vọng khi nghỉ sinh sẽ nhận được trợ cấp thai sản để có thêm tiền nuôi con, nhưng chế độ thai sản cũng không giải quyết được. Cuối cùng thì thiệt thòi cũng chỉ NLĐ tụi tôi gánh”.
Nợ BHXH, chỉ có người lao động là thiệt thòi. Ảnh: D.L |
Tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi, làm ăn liên tục thua lỗ là lý do mà Công ty CP Sành sứ xây dựng Thăng Bình đưa ra để giải thích cho số tiền nợ BHXH hơn 1 tỷ đồng của công ty. Kể từ tháng 10.2013, DN này đã tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện tại chỉ còn 13 NLĐ làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tại công ty. Chỉ vì lý do nợ BHXH, mà có 10 NLĐ đã đến tuổi nghỉ hưu và 13 NLĐ thôi việc hưởng chế độ 1 lần của DN này không thể giải quyết được chế độ, kể cả những NLĐ khác cũng không được giải quyết bất cứ một chế độ gì, khi họ bị tạm ngưng việc chưa biết đến bao giờ mới được đi làm lại. Hướng giải quyết được ông Vương Thế Vũ - Giám đốc Công ty CP Sành sứ xây dựng Thăng Bình đưa ra là sẽ bán thanh lý một phần tài sản của công ty để trả nợ. NLĐ của công ty này, mà trước tiên là 23 người thôi việc và nghỉ hưu chỉ còn trông chờ vào ngày công ty thanh lý tài sản, nợ được trả thì họ mới có cơ hội được giải quyết chế độ.
Không lối thoát
Nhiều DN không tìm ra hướng giải quyết khó khăn nên nợ chồng nợ, dây dưa từ năm này qua năm khác và đội lên đến con số quá sức của DN. Như Công ty TNHH May Minh Hoàng II, vào thời điểm tháng 10.2013, công ty nợ BHXH số tiền hơn 5,9 tỷ đồng, nhưng đến nay đã hơn 10,8 tỷ đồng. Công ty lấy lý do làm ăn khó khăn nên không thể trả nợ, xin giãn nợ để trả dần, nhưng lại không đưa ra mốc thời gian cụ thể có thể trả nợ. Hoặc có những trường hợp cơ quan BHXH đã khởi kiện, nhưng kiện cũng chẳng để làm gì, chỉ vì DN không có tài sản để thi hành án. Đây là câu chuyện của Công ty CP Xây dựng giao thông 502 (nợ hơn 2,8 tỷ đồng hơn 6 năm), hay Công ty CP Đồng Xanh (nợ hơn 3,3 tỷ đồng đã 3 năm). Cơ quan BHXH đã khởi kiện, nhưng vì DN không có tài sản để thi hành án nên bản án cuối cùng cũng chỉ trên giấy, nợ BHXH thì DN vẫn không thể trả, quyền lợi của NLĐ vẫn “treo” lơ lửng không biết đến bao giờ mới giải quyết được.
Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: “Động thái khởi kiện DN nợ đọng lớn, kéo dài là con đường cùng, chứ chẳng ai muốn kéo nhau ra tòa, vất vả cả đôi bên. Động thái này một phần vẫn mang lại hiệu quả, khi năm 2013 kiện 41 DN nợ 15,651 tỷ đồng, thu hồi tiền nợ qua thi hành án được 4,402 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2014, cơ quan BHXH tỉnh và các huyện đã khởi kiện 4 DN, thu hồi gần 1,5 tỷ đồng tiền nợ”. Trong những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nợ BHXH kéo dài, kiện ra tòa được xem là giải pháp mạnh nhất và hữu hiệu hơn cả, nhưng với chức năng của mình, cơ quan BHXH gặp khá nhiều khó khăn trong việc xác minh tài sản thi hành án của DN. Một giải pháp ngăn chặn nợ ngay từ đầu được BHXH tỉnh đề xuất thực hiện là trừ vào tài khoản của DN gửi tại ngân hàng. Nhưng với ngân hàng, khách hàng là thượng đế, ngân hàng không dám trừ tài khoản của khách hàng là những DN, sợ khách hàng bỏ đi sang ngân hàng khác. Vì thế, giải pháp này xem ra khó thực hiện. Trong khi đó, tiền lãi chậm đóng BHXH thấp hơn lãi suất ngân hàng, và việc xử phạt cũng chưa có tính răn đe, vì thế mà DN sẵn sàng chiếm dụng số tiền này, khiến cho quyền lợi của hàng nghìn NLĐ bị ảnh hưởng mà không có cách nào giải quyết được, nếu nợ không được trả.
DIỄM LỆ