Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) khiến hàng chục nghìn người lao động (NLĐ) lao đao nhưng vẫn chưa thể xử phạt theo luật định.
Đổ lỗi khó khăn
Nghỉ việc tại Công ty CP Nhà Việt Nam Vinahouse (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) từ ngày 1.10.2015, đến nay ông Nguyễn Chí Min vẫn chưa nhận được sổ BHXH. Đây là một bất lợi bởi khi xin được việc mới, ông Min không thể tiếp tục tham gia BHXH khi sổ BHXH chưa được chốt. Muốn tham gia lại, ông Min phải bỏ khoảng thời gian tham gia trước đó, nếu không phải chờ công ty trả nợ BHXH. Chưa kể, ông Min không được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp vì công ty nợ BHXH. Tương tự, ông Phan Minh Vương nghỉ việc từ tháng 4.2016 nhưng chế độ bảo hiểm thất nghiệp không được giải quyết, sổ BHXH không được chốt. Riêng tại Vinahouse, từ tháng 5.2015 đến nay có 12 người nghỉ việc nhưng không được giải quyết chế độ liên quan và đến nay đã quá hạn giải quyết, không được chốt sổ BHXH để có thể tiếp tục tham gia ở nơi làm việc khác.
Công ty May Vĩnh Phú 1 nợ bảo hiểm xã hội nên phải bỏ tiền túi ra để giải quyết chế độ cho người lao động.Ảnh: D.L |
Nguyên do Vinahouse nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 578 triệu đồng, dù công ty đã làm cam kết trả dứt điểm nợ đến tháng 4.2016 (lúc làm cam kết số tiền nợ hơn 383 triệu đồng). Vinahouse không những không thực hiện đúng cam kết mà còn để nợ phát sinh cùng với lãi chậm đóng. Ông Võ Văn Chức - Phó Tổng giám đốc Vinahouse nói: “Thời gian này công ty làm ăn không được thuận lợi, công nợ của khách hàng ngày càng tăng mà không thu hồi được. Dù vậy, công ty vẫn trả lương cho NLĐ đảm bảo, riêng nợ BHXH chỉ có thể trả theo lộ trình”. Khi được hỏi về việc lùi thời gian thực hiện cam kết trả nợ ảnh hưởng đến NLĐ, ông Chức lại đổ trách nhiệm qua đối tác. “Tôi sẽ báo lại với tổng giám đốc và tùy thuộc vào việc thu hồi nợ như thế nào. Còn NLĐ bị ảnh hưởng bây giờ đã quá hạn, công ty sẽ bàn phương án hỗ trợ họ. Với NLĐ đang làm việc chúng tôi đã dùng giải pháp tức thời là hỗ trợ tiền cho họ mua thẻ BHYT tự nguyện để có thể khám chữa bệnh lúc ốm đau”.
Là một công ty may mặc, nên NLĐ của Công ty TNHH May Vĩnh Phú 1 (xã Hương An, Quế Sơn) phần lớn là nữ, trong độ tuổi sinh sản nên hầu như tháng nào cũng có người nghỉ thai sản. Thế nhưng công ty này nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 633 triệu đồng nên chế độ thai sản do cơ quan BHXH chi trả không thực hiện được. Theo đó, công ty ứng tiền để trả chế độ thai sản cho NLĐ theo đúng như cách tính của cơ quan BHXH và hỗ trợ tiền cho NLĐ mua BHYT tự nguyện. Ông Lương Tấn Dũng - Quản đốc phân xưởng may Vĩnh Phú 1 giải thích: “Do công ty khó khăn về tài chính nên chưa trả nợ dứt điểm được, nhưng ngành may mặc cần lao động nên đành phải bỏ tiền túi ra giải quyết trước. Sau này khi trả nợ dứt điểm sẽ nhận lại từ cơ quan bảo hiểm”.
Chây ì, trốn đóng
“Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016, một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn, thế nhưng việc khởi kiện giẫm chân tại chỗ. Từ tháng 1.2016 đến nay chưa có một đơn vị nợ nào bị đưa ra tòa. Ông Hà đề nghị: “Tổ chức công đoàn ở tỉnh vì chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào từ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nên chưa thực hiện được chức năng của mình. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, tôi đề nghị tổ chức công đoàn cần vào cuộc mạnh hơn. BHXH sẽ tích cực phối hợp để thực hiện các thủ tục thuận lợi, nhanh chóng nhất”. (Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh) |
Theo số liệu từ cơ quan BHXH tỉnh, hiện nay toàn tỉnh số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên 3 tháng hơn 95 tỷ đồng, với hơn 53 nghìn NLĐ bị ảnh hưởng. Ngoài những đơn vị có khả năng trả nợ nhưng chây ì, trốn đóng thì hiện nay có một số đơn vị khó có khả năng trả nợ như Công ty CP Xây dựng giao thông 502 (hơn 5,2 tỷ đồng), Công ty CP Đồng Xanh - Nhà máy cồn Đại Tân (hơn 4 tỷ đồng), Công ty TNHH Hải Hà (hơn 510 triệu đồng)… Các công ty này hoặc đã ngưng hoạt động, hoặc đã tuyên bố giải thể, phá sản. Tài sản còn lại chỉ là trụ sở công ty, giá trị trả nợ không cao. Hậu quả để lại chỉ NLĐ gánh chịu, chủ sử dụng lao động mặc kệ nợ, lãi phát sinh, dù tiền lương của NLĐ hàng tháng đều bị trích đóng, nhưng doanh nghiệp chiếm dụng luôn phần này.
Biện pháp xử lý nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trước mắt là thanh tra, xử phạt vi phạm với mức phạt từ 12 - 19% của tổng số tiền nợ, đồng thời tăng gấp đôi số lãi chậm đóng so với lãi ngân hàng. Nhiều chủ doanh nghiệp không quan tâm tìm hiểu luật, bộ phận nhân sự không tham mưu cặn kẽ nên họ không biết những quy định này. Vì thế mới có chuyện chủ doanh nghiệp để nợ, nhưng khi nghe nói về quy định thì tá hỏa đi nộp ngay số tiền nợ gần 100 triệu đồng cho cơ quan BHXH. Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: “Cơ quan BHXH đã tạo điều kiện hết sức để các đơn vị nợ có thể trả nợ bằng lộ trình cam kết, nhưng khi họ không thực hiện đúng thì phải thanh tra, xử lý theo quy định. Với NLĐ, doanh nghiệp nợ nhưng thực hiện đúng cam kết vẫn cấp thẻ BHYT cho NLĐ, cho đóng dứt điểm của những trường hợp đến hạn hưu trí hay nghỉ việc để họ được hưởng chế độ. Thế nhưng các chủ sử dụng lao động vẫn chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu để trốn đóng, chậm đóng, nợ dây dưa kéo dài làm quyền lợi của hàng chục nghìn lao động bị ảnh hưởng”.
Theo ông Hà, cơ quan BHXH tỉnh sẽ chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố thông qua hội đồng giáo dục pháp luật ở mỗi địa phương, mời các chủ doanh nghiệp và kế toán trưởng để tuyên truyền trực tiếp về trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc đóng đúng, đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Trong tuyên truyền theo chuyên đề sẽ đi sâu vào những nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và NLĐ, như NLĐ bị ảnh hưởng ra sao, lãi chậm đóng, tiền phạt sẽ cao như thế nào… Đồng thời các đợt kiểm tra, thanh tra và xử lý sau thanh tra đối với các doanh nghiệp làm ăn được nhưng chây ì, trốn đóng sẽ được thực hiện mạnh.
DIỄM LỆ