Thiếu cơ chế, biện pháp hữu hiệu để thu nợ khiến nợ đọng thuế ngày càng gia tăng.
Theo Cục Thuế Quảng Nam, mặc dù từ đầu năm đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp thu nợ theo quy định nhưng cũng chỉ thu được 64,9 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 5.2015). Nợ thuế có dấu hiệu gia tăng. Nếu ngày 31.12.2014, tổng nợ thuế khoảng 788,5 tỷ đồng thì đến cuối tháng 5.2015, tổng nợ thuế đã vào khoảng 856,9 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Hiện số nợ khó thu chiếm 129 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 15,1 tỷ đồng và nợ thuế thông thường khoảng 712 tỷ đồng, tăng 80 tỷ đồng (đã bao gồm nợ thuế của 2 doanh nghiệp khai thác vàng - 370,4 tỷ đồng và nợ thuế liên quan đến ưu đãi vượt trội - hơn 105,4 tỷ đồng).
Ngoài lý do khó hiểu là tại sao nhiều năm các kiến nghị xử lý nợ đọng của ngành thuế vẫn chưa được các cấp thẩm quyền giải quyết thì công luận vẫn không khỏi băn khoăn: tại sao khi hết hạn nộp thuế theo luật định, người nộp thuế không nộp mà cơ quan thuế không cưỡng chế thi hành? Suy cho cùng, những doanh nghiệp chậm nộp thuế không có lý do hợp pháp là nhằm chiếm dụng tiền thuế phải nộp để hưởng lợi. Chắc chắn, doanh nghiệp sẽ không thể làm như vậy được nếu như các cơ quan thuế vụ, cơ quan quản lý nhà nước… làm đúng thẩm quyền theo luật định. Ví như chuyện của 2 công ty vàng, cơ quan thuế công bố cuối năm 2012 đã nợ thuế đến 120 tỷ đồng không được xử lý để kéo dài và nợ thuế gia tăng đến cuối tháng 5.2015 đã là 370,4 tỷ đồng. Cơ quan thuế cho rằng có vài nhà đầu tư chiến lược đang tìm cách đầu tư vào dự án này, lúc đó sẽ có khả năng thu được nợ thuế. Nhưng mong ước ấy đã không xảy ra. Cục Thuế cho hay tài sản còn lại của doanh nghiệp này đã bị hai ngân hàng nắm giữ. Cơ quan thuế đàm phán các đơn vị này giải chấp số tài sản còn lại để tiến hành cưỡng chế, kê biên nhưng không được chấp nhận. Họ nói thật rằng cưỡng chế hay thu hồi giấy phép thì sẽ mất tiền!
Chuyện hai công ty khai thác và sản xuất vàng của Tập đoàn Besra nợ hơn 370,4 tỷ đồng luôn nằm đầu bảng trên các báo cáo nợ thuế, tốn không ít giấy mực của công luận nhiều năm qua, có rất ít khả năng thu hồi, cũng chỉ là phần nổi của việc doanh nghiệp nợ thuế nhiều năm nay ở Quảng Nam. Công luận đã nhiều lần đặt câu hỏi, phải chăng, những trường hợp vi phạm luật thuế không được cơ quan quản lý thuế công khai nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định nên tình trạng chây ì, chậm nộp thuế lâu lộ diện khiến họ ngày càng chây ì hơn? Và không lẽ, các định chế pháp luật nhà nước, các cơ quan công quyền đã “bất lực” với việc nợ thuế dai dẳng của các doanh nghiệp không hợp tác thực thi pháp luật? Đó là chưa kể nợ đọng thuế ấy đã lưu cữu nhiều năm. Các báo cáo số liệu ưu đãi vượt trội đã được trình xử lý nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến cụ thể nào của cấp trên nên không thể có cơ sở giải quyết dứt điểm. Một khi đã không được giải quyết thì số nợ thuế, tiền phạt chậm nộp ngày càng gia tăng. Nếu không có cơ quan đứng ra chủ trì xử lý các con số nợ này, thì dù có nỗ lực đến mấy, ngành thuế cũng không thể làm gì được với số nợ đọng kéo dài và ngày càng tăng.
TÙY PHONG