Khi hay tin Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (CTVPS) bị mở thủ tục phá sản, nhiều chủ nợ như ngồi trên đống lửa. Chút hy vọng cuối cùng vừa được nhen nhóm lại vụt tắt. Số tiền mà công ty này đang nợ họ, dù ít hay nhiều cũng đáng cả một tài sản lớn. Nhưng mải miết đòi nợ ròng rã mấy năm giờ vẫn phải chờ!
Công ty Vàng Phước Sơn đào bán đi gần 7 tấn vàng, nhưng vẫn nợ nhiều doanh nghiệp, tiểu thương. |
Nợ chồng chất
Nhớ lại, những ngày đầu khi CTVPS được phép khai thác vàng ở mỏ vàng Phước Đức (Phước Sơn), nhiều người đã nghĩ đến một tương lai rạng rỡ, là cơ hội để làm giàu. Quả thật, trong khoảng 3 năm đầu, CTVPS ăn nên làm ra, nhiều người dân, doanh nghiệp địa phương cũng khấm khá. Nhưng niềm vui đó ngắn chẳng tày gang khi số tiền không được chi trả đúng với kỳ hạn mỗi tháng. Nợ chồng nợ, lên đến con số mà ai cũng mướt mồ hôi mỗi lần nghĩ tới. Nhưng các khổ chủ vẫn còn niềm tin ở một tập đoàn lớn, hàng năm xuất đi hàng tấn vàng, thì số tiền đó vẫn còn rất nhỏ, họ sẽ dễ dàng trả. Và cứ tin. Đến một ngày, Cục Thuế tỉnh thông báo CTVPS nợ tiền thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng, đến nỗi phải ngừng cung cấp hóa đơn thì ai nấy đều ngã ngửa. Rồi vội vàng đi... đòi nợ.
Theo luật sư Bùi Bá Dũng - Văn phòng luật sư Hoàng Hà, trong trường hợp CTVPS tuyên bố phá sản thì sẽ tiến hành định giá tài sản, sau đó bán hóa giá và chia theo tỷ lệ. Trong đó, thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ là: các khoản nợ bảo đảm, có thế chấp (thế chấp ngân hàng, tài sản thế chấp), rồi mới đến các khoản nợ khác. Nếu dư nợ vay càng lớn thì số tài sản còn lại càng ít. Nếu các doanh nghiệp chủ nợ thấy không an toàn thì nên tiến hành khởi kiện ra tòa trước lúc tuyên bố phá sản để đảm bảo quyền lợi. Vì khi đó sẽ có cơ quan giám định tài chính vào cuộc, tiến hành các thủ tục cần thiết.llentesque ornare consectetur mi, in molestie velit venenatis sed. |
Nhưng hết lần này đến lần khác, CTVPS chỉ hứa hẹn chứ không thực hiện. Công ty chính thức dừng hoạt động vào cuối năm 2014. Đó là thời điểm khó khăn nhất của những chủ nợ trên địa bàn. Họ chạy đôn, chạy đáo khắp nơi trong vô vọng. Từ người bán mì, bà bán rau chợ Khâm Đức, đến các doanh nghiệp đều bị CTVPS nợ. Mà các khổ chủ này, lại là con nợ của các ngân hàng, các chủ nợ khác... Cả Phước Sơn lâm vào một cuộc vỡ nợ dây chuyền trong vô vọng, mà đầu mối nợ là CTVPS.
Sau nhiều nỗ lực của UBND tỉnh cũng như các chủ nợ, tìm phương án để tái cơ cấu, sau 2 năm dừng hoạt động thì CTVPS hoạt động trở lại. Một số người bán hàng ở chợ đã được thanh toán hết số tiền đã nợ. Đó như là một phép màu đối với họ. Nhưng nhiều người không được may mắn. “Tui không nhớ rõ bà ấy họ tên gì, chỉ biết người ta hay gọi là bà Năm Cá, vì bả chuyên bán cá. Cũng giống tụi tui, nhận được đơn đặt hàng nhiều, mừng rơn. Huy động tất cả vốn liếng, gọi cả con, cháu phụ giúp vận chuyển cá hàng ngày cung cấp cho công ty. Nhưng dại một cái là họ chỉ lưu ở sổ xuất của mình chứ không lấy hóa đơn nhận hàng từ phía công ty. Đến khi đưa sổ lên đối chiếu đòi họ trả nợ thì họ không chịu. Trắng tay!” - bà Dương Thị Hoa - bán rau ở chợ Khâm Đức - thuật chuyện. Cũng vì thế, chợ Khâm Đức nay đã vắng bóng bà Năm Cá. Nghe đâu vỡ nợ, bỏ xứ về quê cũ dưới Đại Hồng, Đại Lộc tìm kế sinh nhai.
Nợ khó đòi
Nhiều doanh nghiệp đã từng hợp tác với CTVPS đến nay vẫn chưa được trả nợ. Và tương lai phía trước lại trở nên mù mịt hơn bao giờ hết khi thông tin mới đây, TAND tỉnh đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTVPS. Nguyên nhân là doanh nghiệp này chưa thương lượng được kế hoạch trả nợ 19 tỷ đồng cho Công ty CP Tư vấn và kỹ thuật Abel Việt Nam (Công ty Abel).
Nhiều người dân, doanh nghiệp bao vây Công ty Vàng Phước Sơn đòi nợ năm 2013.Ảnh: N.D |
Trước thông tin này, nhiều chủ nợ của công ty này trên địa bàn tỉnh hết sức lo lắng. Ông Lý Minh Tám - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch Lý Châu Giang (thị trấn Khâm Đức), cho biết hiện công ty ông bị nợ hơn 1,4 tỷ đồng từ năm 2013 đến nay. “Hàng tháng, chúng tôi đang phải chịu hơn 20 triệu tiền lãi cho ngân hàng, vì khoản tiền trên cũng từ vay nợ. Nên việc đòi được nợ rất quan trọng để chúng tôi trả bớt nợ cho ngân hàng và đầu tư kinh doanh. Nhưng đòi mãi cũng chẳng thấy họ nhắc gì đến khoản nợ này. Năm ngoái thấy công ty vàng được tái cơ cấu, hoạt động trở lại, chúng tôi rất vui mừng, hy vọng sẽ được trả nợ, nhưng đùng cái nghe nói phá sản, không biết số tiền nợ của chúng tôi sẽ được giải quyết ra sao?” - ông Tám bộc bạch.
Ở huyện Phước Sơn, chủ nợ lớn nhất của CTVPS là Công ty Quảng An do vợ ông Đỗ Ngọc Thắng, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức, làm giám đốc, với số nợ khoảng 17,5 tỷ đồng. Nhiều năm trở lại đây, gia đình ông Thắng lâm cảnh điêu đứng vì chưa đòi được nợ, trong khi họ cũng lại là “con nợ” của nhiều người khác. Cũng chính vì thế, vào cuối năm 2014, ông đã phải từ chức chủ tịch vì không muốn chuyện gia đình ảnh hưởng đến công việc. Khi chúng tôi liên hệ với ông Thắng thì ông từ chối gặp mặt, bởi ở trong ông vẫn còn le lói một chút hy vọng là được trả lại số tiền đó. “Chứ gặp báo chí, nói lại mấy chuyện cũ, họ giận không trả nữa thì sao”.
Đó cũng là tâm lý chung của một số doanh nghiệp cùng cảnh ngộ tại huyện Phước Sơn. Họ sợ đủ thứ, mà sợ nhất chính là không đòi được nợ. Bà Lê Thị Đô, chủ khách sạn Trung Đô (thị trấn Khâm Đức) cho hay, CTVPS đang nợ bà hơn 197 triệu đồng tiền lưu trú từ năm 2013 đến nay. Mới đây, gia đình bà Đô nhận được thông báo của TAND tỉnh yêu cầu gửi giấy đòi nợ đối với công ty trên. “Thấy họ hoạt động trở lại cũng mừng lắm, hy vọng được trả nợ. Giờ thành ra thế này thì không biết làm thế nào. Họ tuyên bố phá sản rồi lấy tiền đâu mà trả cho mình nữa, kiện thêm mệt. Lại thêm đi kiện thì phải mất thêm một khoản tiền án phí. Mà chắc chi đã đòi được nợ” - bà Đô cho hay.
Cần có lộ trình trả nợ cho dân
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho biết, hiện vẫn chưa thể thống kê cụ thể là CTVPS nợ bao nhiêu doanh nghiệp trên địa bàn. Chỉ tính những người đã gửi giấy kiến nghị với UBND huyện thì khoảng 22 tỷ đồng. “Lúc công ty tuyên bố tái cơ cấu, hoạt động trở lại, UBND huyện đã hai lần có công văn yêu cầu phía công ty có lộ trình trả nợ cụ thể cho người dân. Bởi họ là những người làm ăn nhỏ lẻ, cả gia đình chỉ trông chờ vào đó mà nợ kéo dài thì rất khó khăn, đồng thời cũng khó để an dân. Tuy nhiên, cả hai lần phía công ty vẫn không có văn bản hồi đáp” - ông Hà cho biết. Trước thông tin công ty bị mở thủ tục phá sản, nhiều doanh nghiệp đã họp nhau, rục rịch phương án để ứng phó. Ông Nguyễn Giới - Trưởng Công an huyện Phước Sơn - cho biết, nhận định tình hình an ninh trật tự trong thời gian tới có thể diễn biến phức tạp nên công an huyện đã cắt cử lực lượng túc trực, đề phòng có “điểm nóng” xảy ra.
Theo ông Lương Đình Đường - Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh - từ khi hoạt động trở lại (tháng 8.2016) đến nay, CTVPS trả nợ thuế đúng như cam kết. Theo đó, trong 8 tháng, công ty này trả nợ được 244 tỷ đồng, còn lại hơn 90 tỷ đồng theo dự kiến sẽ được trả trong 3 tháng tới. Nhưng mới đây TAND tỉnh cũng đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh gửi thông tin về số tiền nợ thuế của công ty cho tòa.
Trao đổi về vấn đề này, bà Cao Thị Huyền - Chánh Tòa Kinh tế TAND tỉnh - cho biết TAND tỉnh đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTVPS sau khi nhận đơn của Công ty Abel và đã tổ chức một cuộc hòa giải giữa hai bên nhưng bất thành. Hiện tại, TAND tỉnh đã gửi thông báo đến các chủ nợ của công ty trên, yêu cầu họ gửi giấy đòi nợ. “Đến thời điểm hiện tại, theo số liệu chúng tôi có được, thì có 169 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang bị CTVPS nợ tiền. Chúng tôi vẫn đang chờ đến đúng thời hạn mới triệu tập hội nghị chủ nợ. Tòa sẽ căn cứ vào tỷ lệ số nợ để quyết định. Trong trường hợp các chủ nợ có số nợ nhiều hơn số nợ của Công ty Abel và một số doanh nghiệp khác gộp lại không muốn CTVPS bị phá sản, thì công ty này sẽ không bị phá sản. Tất nhiên, CTVPS phải đưa ra phương án phục hồi sản xuất, lộ trình trả nợ” - bà Huyền thông tin. Cũng theo bà Huyền, các chủ nợ chỉ cần gửi giấy đòi nợ, không phải nộp tiền án phí như nhiều người lo ngại và nếu chủ nợ không gửi giấy đòi nợ sẽ mất quyền lợi.
Việc CTVPS có bị phá sản hay không thì vẫn phải chờ phán xét từ tòa cũng như ý kiến các chủ nợ. Nhưng việc cần làm lúc này chính là phải có cam kết lộ trình trả nợ cụ thể cho người dân cũng như các doanh nghiệp để họ tái cơ cấu, đầu tư làm ăn.
Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG