Quảng Nam được đánh giá là một trong những địa phương tiên phong về hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công (NCC), khi đã huy động tổng lực xã hội chung tay thực hiện công tác này. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, số NCC trên địa bàn Quảng Nam cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở vẫn còn khá lớn, cần sự tiếp tục chung tay của cộng đồng.
Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng xã hội luôn chung tay góp sức cải thiện nhà ở cho người có công. Ảnh: L.V |
Góp sức
Căn nhà mới khang trang của nữ thương binh Trần Thị Hạnh (thôn Khánh Tân, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) được xây xong và bàn giao đúng dịp 27.7 năm nay. Để có được căn nhà vững chãi này, bà Hạnh nhận được sự chung tay góp sức từ nhiều nguồn lực. Từ sự hỗ trợ 30 triệu đồng của Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh Phú Ninh, 2 người hàng xóm thấy bà Hạnh “có thể” làm nhà, tự nguyện cho mượn mỗi người một ít. Rồi anh chị em trong gia đình giúp đỡ, các con góp thêm, hàng xóm, bà con giúp đỡ công làm nhà. Bà Hạnh vui mừng: “Nói thiệt số tiền làm căn nhà gấp mấy lần số tiền hỗ trợ, nhưng nếu không có hỗ trợ thì không dám làm nhà. Khi nghe tôi được hỗ trợ xây nhà, bà con ai cũng mừng, rồi mỗi người một ít, cho mượn có, cho luôn cũng có, tôi mới làm được căn nhà ni. Từ nay thì yên tâm rồi, không lo gió bão chi nữa”.
Giai đoạn 2008 - 2012, toàn tỉnh đã hỗ trợ 8.880 trường hợp NCC cải thiện nhà ở. Ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, còn có các chương trình như lực lượng vũ trang tặng nhà tình nghĩa, hội cựu thanh niên xung phong tặng nhà nghĩa tình đồng đội, rồi các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tặng nhà tình nghĩa… góp phần giúp nhiều NCC trong tỉnh ổn định chỗ ở, vươn lên trong cuộc sống. |
Từ năm 2010 đến nay, với sự hỗ trợ của nhiều nguồn lực khác nhau, trên địa bàn huyện Phú Ninh có 400 căn nhà của NCC được hỗ trợ sửa chữa, xây mới, trong đó nhà xây mới được hỗ trợ từ 25 - 80 triệu đồng. Công an huyện Phú Ninh, Cơ quan Quân sự Phú Ninh, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Phú Ninh… là những đơn vị luôn đi đầu trong việc vận động cán bộ, công nhân viên đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa. Năm 2013, mặc dù đề án của tỉnh về hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho NCC tạm dừng lại để đợi triển khai Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ NCC cách mạng về nhà ở, nhưng huyện Phú Ninh vẫn huy động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ được 10 nhà ở cho NCC. Ông Trần Hưng Hoàng - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Ninh, cho biết: “Khi nhận được kế hoạch tỉnh giao dựa trên đề xuất của huyện, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện, cho ứng trước 50% kinh phí từ ngân sách và giao về từng xã giám sát, chịu trách nhiệm bảo lãnh việc xây dựng nhà ở cho NCC. Chính quyền xã sẽ đảm bảo cho NCC được mua nguyên vật liệu nợ ở các đại lý. Trường hợp neo đơn, cán bộ LĐ-TB&XH xã đứng ra đôn đốc, quản lý, theo dõi việc xây dựng nhà, đoàn viên thanh niên giúp công vận chuyển, xây dựng”. Ngoài Phú Ninh, các huyện khác như Thăng Bình, Tiên Phước, TP.Tam Kỳ, TP. Hội An, Điện Bàn… đã huy động tổng lực và thực hiện rất tốt việc xây dựng nhà ở cho NCC.
Chính sách mới
Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Quảng Nam được đánh giá là một trong những tỉnh làm tốt công tác cải thiện nhà ở cho NCC, dù địa phương còn nhiều khó khăn. Việc xây và sửa nhà ở cho NCC trên địa bàn tỉnh từ lâu đã trở thành trách nhiệm của toàn xã hội, khi có hàng chục doanh nghiệp tìm đến và ủng hộ nguồn kinh phí, cả xã hội đóng góp vào nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo thêm động lực cho NCC phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo khảo sát ban đầu khi đối tượng NCC được mở rộng, toàn tỉnh vẫn còn hàng nghìn trường hợp cần được hỗ trợ”.
Hôm qua 25.7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với 18 huyện, thành phố trên địa bàn triển khai Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Điểm cầu chính tại trụ sở UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì. Theo kết quả điều tra, trong 2 năm 2013 và 2014, Quảng Nam còn đến 19.334 trường hợp NCC gặp khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ. Trong đó, hỗ trợ xây mới nhà ở cho 5.348 trường hợp, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà; hỗ trợ sửa chữa 13.986 nhà, mức 20 triệu đồng/nhà. Theo đó, tổng nguồn kinh phí của Trung ương và tỉnh hỗ trợ là 493,64 tỷ đồng. Hiện Sở Xây dựng đang thực hiện thiết kế 3 mẫu nhà phù hợp với điều kiện địa hình từng địa phương trong tỉnh, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (nếu là hộ NCC độc thân, có thể dưới 30m2 nhưng không nhỏ hơn 24m2 ), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên. Riêng nhà sửa chữa phải đảm bảo khung - tường cứng, mái cứng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các địa phương từ nay đến hết ngày 15.8.2013 phải thực hiện xong việc rà soát danh sách, tuyên truyền cho NCC làm nhà theo mẫu, kiểm tra từng hộ và phê duyệt danh sách gửi UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ cho các địa phương ứng trước kinh phí thực hiện với mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến 31.12.2013 hoàn thành dứt điểm việc xây mới và sửa chữa 9.541 nhà ở cho NCC. Các địa phương phải xem xét, trường hợp nào bức xúc về nhà ở hơn thì làm trước, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình, đạt tiến độ.
Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho mỗi trường hợp chắc chắn không thể đủ xây một ngôi nhà vững chãi, nhưng với sự vào cuộc của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng, những ngôi nhà đẹp đẽ, khang trang sẽ dần thay thế những ngôi nhà cũ, hư hỏng của NCC. Những nỗ lực đó không ngoài hướng đến mục tiêu giúp NCC ổn định cuộc sống, nâng mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn cư trú.
DIỄM LỆ