Xã hội

Nỗ lực an cư vùng sạt lở

HỒ QUÂN 27/01/2025 16:00

(QNO) - Đã ba tháng trôi qua kể từ đợt mưa lớn vào tháng 9/2024 gây ra nguy cơ sạt lở cho các huyện miền núi cao, việc tái định cư, ổn định đời sống cho người dân vẫn gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi. Chính quyền các địa phương đang gấp rút thực hiện công tác sắp xếp dân cư, triển khai các giải pháp san ủi mặt bằng, tạo lập nơi ở mới an toàn hơn sau thiên tai.

TIT CHINH

(QNO) - Đã ba tháng trôi qua kể từ đợt mưa lớn vào tháng 9/2024 gây ra nguy cơ sạt lở cho các huyện miền núi cao, việc tái định cư, ổn định đời sống cho người dân vẫn gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi. Chính quyền các địa phương đang gấp rút thực hiện công tác sắp xếp dân cư, triển khai các giải pháp san ủi mặt bằng, tạo lập nơi ở mới an toàn hơn sau thiên tai.

TIT PHU_1

Những ngày cuối đông giáp tết Ất Tỵ, trời lạnh thấu xương, mưa vẫn chưa dứt trên vùng núi cao Nam Trà My. Làng Tak Cui - nơi đang bố trí xen ghép tái định cư cho 17 hộ dân làng Tak Chay (cùng thuộc địa bàn thôn 5, xã Trà Cang, Nam Trà My) vẫn còn ngổn ngang. Mặt bằng san ủi mấy tháng trước, mưa dai dẳng không dứt làm cho mặt đất nhão nhoẹt. Mọi người vào rừng mang tre về trồng dưới chân nền đất để giảm nguy cơ trượt lở. “Cố gắng lắm rồi nhưng chỉ mới dựng được 4 nhà thôi” - trong màn mưa, ông Nguyễn Đỗ Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang lo lắng hướng về phía những căn nhà lợp tôn trắng nằm giữa làng.

Nỗ lực tái định cư cho hộ dân làng Tak Chay sau sạt lở. Ảnh H.Q
Nỗ lực tái định cư cho hộ dân làng Tak Chay sau sạt lở. Ảnh: H.Q

Từ đường bê tông vào những căn nhà mới dựng xong chỉ 200 mét, nhưng đi lại rất vất vả. Đường đất, sau mấy tháng mưa dầm đã lầy lội, trơn trượt. Đi được vài bước thì đôi dép bết lún sình, phải lội chân đất, phải bám víu vào mấy cành cây dại, bụi cỏ nhỏ xíu. Cán bộ xã vốn dù quen lội, thuộc đường vẫn loạng choạng, nhích từng bước một, lấm lem bùn đất.

Thấy lãnh đạo xã đến kiểm tra tiến độ dựng nhà, ông Trần Ghì đang tráng nền nhà buông chiếc bay: “Mưa dai dẳng, mỗi ngày cứ chắp vá một tí… Tráng một góc nền mà mấy ngày mới khô nổi. Không biết kịp dọn vào cho kịp tết không nữa…”

Hơn 3 tháng kể từ ngày hối hả rời làng cũ Tak Chay bởi nguy cơ sạt lở, ông Ghì là một trong 4 hộ may mắn được giao mặt bằng để dựng lại nhà. Ông Ghì nói là “mặt bằng” nhưng bước chân xuống thì nhấc lên cũng khó. Đội thợ phải mất hơn 2 tháng mới dựng xong phần khung, dựng tường gỗ, lợp mái. Nóng ruột với tiến độ làm nhà mới, ông tranh thủ mấy ngày không lên rẫy để trộn xi măng, tráng trước phần nền nhà…

Ông Trần Ghì dựng nhà giữa nền đất bùn lấy. Ảnh H.Q
Ông Trần Ghì dựng nhà giữa nền đất bùn lấy. Ảnh: H.Q

“Bùn đất từ đường vào tận nhà, di chuyển vật liệu khó lắm. Cán bộ xã, thôn kiểm tra liên tục nhưng cũng chỉ biết “chờ trời”. Hy vọng mấy tuần giáp tết, trời nắng ráo để nền đất khô ráo thì bà con mới dựng nhà, chỉnh trang nơi ở mới”- ông Ghi chia sẻ.

[VIDEO] - Ông Trần Ghì chia sẻ niềm vui về căn nhà sắp hoàn thiện sau 3 tháng di dời khẩn cấp:

Kế bên căn nhà ông Ghì là hai căn nhà khác đang thi công. Đội thợ dầm mưa để hoàn thiện phần mái, dựng tường gỗ. Họ nỗ lực để bà con sớm ổn định nơi ở mới. Ông Nguyễn Đỗ Trí cho hay, đội thợ luôn có mặt Tak Cui, chờ trời khô ráo là bắt tay ngay vào việc. Người dân trong làng cũng sẵn lòng đổi công cho nhau để san ủi mặt bằng, di chuyển cột kèo.

Với tiến độ và thời tiết như thế này thì 13 mặt bằng còn lại khó lòng hoàn thiện để kịp dựng nhà mới trước dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ này. Chính quyền địa phương đã tính toán các phương án hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm để người dân đang ở tạm trong các điểm trường vẫn có thể vui xuân đón Tết trong no ấm, yên vui và an toàn.

Làng Tak Cui - nơi tái định cư cho các hộ dân Tak Chay phải di dời phẩn cấp. Ảnh H.Q
Làng Tak Cui - nơi tái định cư cho các hộ dân Tak Chay phải di dời phẩn cấp. Ảnh: H.Q

[VIDEO] - Ông Nguyễn Đỗ Trí – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang nói về nỗ lực tái định cư cho người dân:

TIT PHU_2

Ngay khi di dời 33 hộ dân làng Tak Chay, lãnh đạo xã Trà Cang liên tục họp dân lấy ý kiến chọn nơi ở mới. Bài toán nan giải là người dân vẫn không muốn rời xa làng cũ bởi còn tính đến việc sản xuất. Những vị trí tái định cư mới mà người dân đề xuất chỉ quanh quẩn nơi làng cũ, song ngành chức năng qua khảo sát đều đánh giá không đảm bảo an toàn.

Có một mặt bằng đẹp, an toàn, cách Tak Chay không xa từng là nơi sinh sống của hàng chục người dân. Song khi UBND xã vận động tái định cư ở khu vực này thì người dân từ chối vì “đất chết”. Làng này từng có người chết cháy!

Người dân giúp nhau dời làng, hiến đất để sắp xếp dân cư. Ảnh H.Q
Người dân giúp nhau dời làng, hiến đất để sắp xếp dân cư. Ảnh: H.Q

Theo ông Nguyễn Đỗ Trí, chọn Tak Cui bố trí xen ghép, UBND xã Trà Cang rất trăn trở vì quỹ đất không lớn. May mắn, hộ bà Hồ Thị Di, ông Hồ Văn Thái đã tình nguyện nhường lại rẫy trồng quế của mình để chính quyền địa phương san ủi, bố trí đất ở cho 7 hộ khác. Đến nay, Trà Cang đã tìm được vị trí xen ghép cho 23 hộ, chỉ còn 10 hộ chưa thể bố trí.

“Chúng tôi đã nhiều lần vận động bà con đến tái định cư ở các ngôi làng khác trong thôn, song 10 hộ dân không đồng ý do quá xa làng cũ, khó trồng trọt, chăn nuôi. Để đảm bảo an toàn cho người dân, thời gian tới, chúng tôi tích cực vận động để bà con đồng thuận chủ trương di dời” - ông Trí cho biết.

Huyện Nam Trà My tái định cư cho hộ dân làng Tu Hon. Ảnh H.Q
Huyện Nam Trà My tái định cư cho hộ dân làng Tu Hon. Ảnh: H.Q

Cùng di dời khẩn cấp sau mưa lớn vào 9/2024 như Tak Chay, người dân làng Lăng Lương (thôn 2, xã Trà Tập, Nam Trà My) cũng rơi vào cảnh tương tự, khi mưa lớn liên tục những ngày qua ảnh hưởng đến việc san ủi mặt bằng. Đến nay, UBND xã Trà Tập chỉ mới san ủi 21/26 nền nhà cho người dân và nghiệm thu được 17/21 nền. Đã có 4 hộ dân chủ động dựng nhà bếp, phần còn lại phải chờ nắng ráo mới tiến hành các biện pháp thi công. UBND huyện Nam Trà My đã phê duyệt phương án di dời khẩn cấp theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh về sắp xếp, ổn định dân cư miền núi cho Lăng Lương là 3,25 tỷ đồng.

“Người dân vẫn đang sinh sống trong các căn nhà tạm. Trước mắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ gạo để bà con ăn Tết. Đồng thời tìm kiếm thêm mặt bằng để bố trí nền cho 5 hộ còn lại. Cái khó là diện tích đã san ủi rộng 200m2 không đáp ứng nhu cầu xây nhà của người dân. Nhiều hộ muốn đối ứng thêm, cộng với nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh để xây nhà kiên cố, khang trang hơn” - ông Lê Đình Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết.

Người dân làng Lăng Lương vẫn ở nơi ở tạm, chưa thể dựng nhà mới do thời tiết mưa liên tục trong nhiều tháng liền. Ảnh H.Q
Người dân làng Lăng Lương vẫn ở nơi ở tạm, chưa thể dựng nhà mới do thời tiết mưa liên tục trong nhiều tháng liền. Ảnh: H.Q

[VIDEO] - Ông Lê Đình Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tập nói về nỗ lực tái định cư của địa phương:

Mới đây, vào đầu tháng 12/2024, do ảnh hưởng bởi các trận động đất kích thích từ phía đỉnh núi Ngọc Mong, cách khu dân cư Tu Hon (xã Trà Don, Nam Trà My) khoảng 600m, trên độ cao khoảng 250m so với mặt đường quốc lộ 40B, một số tảng đá lớn đã lăn xuống nhưng bị dây leo và cây núi cản lại. Bên cạnh đó, sườn núi gần đỉnh có rất nhiều đá tảng, độ dốc lớn, có nguy cơ lăn xuống khu dân cư khi có mưa lớn hoặc động đất kích thích. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu công bố tình huống khẩn cấp. UBND xã Trà Don khẩn trương thực hiện phương án di dời 18 hộ gia đình nằm trong khu vực nguy hiểm.

Ông Lê Trung Thực - Chủ tịch UBND xã Trà Don cho biết, ngay sau khi phát hiện những tảng đá lớn lơ lửng trên đỉnh núi, địa phương đã chỉ đạo mặt trận, đoàn thể, dân quân hỗ trợ sơ tán bà con đến nơi an toàn và vận động không trở lại làng cũ. Đồng thời mỗi hội, đoàn thể sẽ có nhiệm vụ giúp người dân làm nhà tạm. Cùng với kinh phí dự phòng, UBND xã Trà Don cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để mua sắm vật dụng để dựng nhà tạm cho bà con.

Khó khăn tìm đất tái định cư sau sạt lở ở miền núi. Ảnh H.Q
Khó khăn tìm đất tái định cư sau sạt lở ở miền núi. Ảnh: H.Q

“Muốn làm nhà phải có nền, mà cả tháng nay mưa liên tục, san ủi rất khó. Đơn vị thi công nỗ lực lắm mà chỉ mới san được 7 nền. Chúng tôi cố gắng xong nền nào thì dựng nhà tạm đến đó. Cố gắng trước Tết Nguyên Đán, bà con sẽ có nhà tạm để ở. Sau Tết, khi thời tiết nắng ráo sẽ huy động lực lượng tháo dỡ nhà cũ và dựng nhà mới cho người dân” - ông Thực cho biết.

[VIDEO] - Ông Lê Trung Thực – Chủ tịch UBND xã Trà Don chia sẻ về việc đảm bảo an toàn cho người dân sau khi sạt lở xảy ra:

TIT PHU_3

Toàn huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm dân cư có nguy cơ sạt lở. Riêng năm 2024, địa phương miền núi này phát hiện 3 điểm có nguy cơ sạt lở cao và đã di dời khẩn cấp 78 hộ dân. Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết địa phương đang tích cực sắp xếp từng khu dân cư theo mức độ nguy cơ từ cao đến thấp, để ổn định đời sống người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Ước tính, khoảng 500 hộ được sắp xếp trong năm 2024.

Nam Trà My nỗ lực sắp xếp dân cư. Ảnh H.Q
Nam Trà My nỗ lực sắp xếp dân cư. Ảnh: H.Q

“Triển khai Nghị quyết 23/2021 của HĐND tỉnh Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025 đã giúp địa phương đảm bảo nguồn lực sắp xếp, ổn định dân cư ở các vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn hơn, gắn với đầu tư hạ tầng, công trình dân sinh” - ông Mẫn cho biết.

Qua 4 năm triển khai, Nghị quyết 23/2021 HĐND tỉnh trở thành chính sách an cư hợp lòng dân. Những mối nguy sạt lở sạt lở, uy hiếp đến đời sống người dân được giảm thiểu đến mức thấp nhất. Mục tiêu Nghị quyết là đến hết năm 2025 sẽ thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ, bao gồm 2.358 hộ dân vùng thiên tai và cư trú trong khu vực bảo vệ của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn. Tổng kinh phí thực hiện ước tính gần 970 tỷ đồng.

[VIDEO] - Việc tìm kiếm mặt bằng tái định cư sau thiên tai ở miền núi rất khó khăn:

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, HĐND tỉnh đã điều chỉnh chỉ tiêu số hộ sắp xếp, ổn định dân cư giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị quyết 23 từ 7.821 hộ xuống còn 4.691 hộ. Giai đoạn 2021 - 2023, cả tỉnh có hơn 2.045 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi về chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi, với tổng kinh phí phân bổ hơn 187 tỉ đồng. Số hộ còn lại sẽ được hỗ trợ sắp xếp trong 2 năm 2024, 2025 với kinh phí hơn 177 tỷ đồng.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, từ các chính sách của tỉnh, nhất là Nghị quyết 23 đã góp phần quan trọng giúp địa phương đầu tư san ủi 125 mặt bằng để bố trí chỗ ở ổn định cho 5.000 hộ dân. Đồng thời, 95% đường giao thông nông thôn được bê tông hoá, hơn 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Tuy nhiên, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều khu dân cư được sắp xếp thì tính an toàn chưa cao, nhất là sạt lở taluy âm, taluy dương. Đợt mưa lớn vào giữa tháng 9/2024, trên địa bàn huyện xuất hiện vết nứt trên đỉnh đồi thôn Ariing (xã Axan); trượt lở taluy khu dân cư thôn Arooi-Ating (xã Gary), thôn Atu 1 (xã Ch’ơm).

Tây Giang nỗ lực tái định cư cho người dân. Ảnh H.Q
Tây Giang nỗ lực tái định cư cho người dân. Ảnh: H.Q

Đáng chú ý, khu dân cư thôn H’júh, xã Ch’ơm đã xuất hiện 6-7 vết nứt trên đồi taluy dương của mặt bằng dân cư và xuất hiện hiện tượng nứt tường một số công trình phụ, nứt nẻ nền nhà. Có 10 hộ với 44 khẩu đang ở chân đỉnh đồi được xác định nằm trong vùng nguy cơ rất cao uy hiếp bởi hiện tượng sạt lở đất đá; 23 hộ với 91 khẩu gần khu vực trên có nguy cơ cao bị uy hiếp bởi sạt lở từ taluy đỉnh đồi trên và taluy âm phía sau nhà. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp.

Nguy cơ mất an toàn ở một số khu dân cư ở Tây Giang. Ảnh H.Q
Nguy cơ mất an toàn ở một số khu dân cư ở Tây Giang. Ảnh: H.Q

“Hiện nay, việc đánh giá lại hiện trạng của các khu dân cư đã sắp xếp là việc làm cần thiết, đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài cho người dân. Cạnh đó, nhu cầu về đất ở của người dân ngày càng tăng, trong khi việc tìm kiếm quỹ đất tái định cư ở miền núi rất khó” - ông Arất Blúi cho biết.

Nghị quyết 232021 của HĐND tỉnh góp phần quan trọng trong ổn định đời sống người dân miền núi. Ảnh H.Q
Nghị quyết 232021 của HĐND tỉnh góp phần quan trọng trong ổn định đời sống người dân miền núi. Ảnh: H.Q
box.png

Thực hiện: HỒ QUÂN
Đồ họa: NGUYỄN TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực an cư vùng sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO