Với những cách làm linh hoạt, thời gian qua công tác thu gom rác thải ở huyện Duy Xuyên mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và xây dựng thành công mô hình nông thôn mới.
Mô hình thu gom rác thải ở thôn Trà Kiệu Tây (Duy Sơn, Duy Xuyên). Ảnh: H.N |
Điểm sáng Duy Phú
Ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú cho biết, địa phương hiện có tổng cộng 5 thôn với 1.255 hộ dân. Ngoài ra, trên địa bàn còn có ngôi chợ Cổng là điểm buôn bán và giao thương hàng hóa. Năm 2013 trở về trước, ngoài việc người dân ở một số thôn tự thu gom, xử lý rác thải thì địa phương chọn thôn Chánh Sơn làm điểm tiến hành thu gom rác thải. Tuy nhiên, các hộ dân của thôn khác lại bỏ rác vào nơi tập kết ở Chánh Sơn, dẫn đến khối lượng rác thải nhiều, kinh phí thu từ hộ dân không đảm bảo chi trả cho Công ty CP Môi trường - đô thị Quảng Nam. Đến tháng 1.2014, xã Duy Phú bắt tay thực hiện đề án thu gom rác thải trong cộng đồng dân cư, áp dụng ở tất cả 5 thôn. Theo đó, để mô hình phát huy hiệu quả, từ nguồn kinh phí cấp trên hỗ trợ 100 triệu đồng, địa phương đầu tư xây dựng bể chứa rác tập trung, mua sắm xe trung chuyển. Ngoài ra, UBND xã trích ngân sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, dụng cụ bảo hộ lao động cho lao công và tiền sửa chữa xe thu gom rác cho các thôn. Ông Hải nói: “Hiện nay, xã Duy Phú có 5 tổ thu gom rác, mỗi tổ gồm 2 người. Vào sáng thứ Hai hàng tuần, các tổ này tiến hành đi thu gom rác ở 5 thôn và chợ Cổng rồi vận chuyển về bể chứa rác tập trung để Công ty CP Môi trường - đô thị Quảng Nam chở đi xử lý theo hợp đồng. Ngoài ra, UBND xã Duy Phú cũng tiến hành hợp đồng thực hiện việc dọn vệ sinh tại bể chứa rác hàng tháng, phun thuốc khử trùng mỗi năm ít nhất 2 lần”. Được biết, bình quân hàng năm xã Duy Phú thu gom hơn 450m3 rác thải sinh hoạt, riêng năm 2017 lên đến gần 554m3. Tỷ lệ hộ dân tham gia gói dịch vụ đạt 99%.
Một điều đặc biệt tại xã Duy Phú là các ban dân chính thôn trên địa bàn tự thu, tự chi dưới sự quản lý, giám sát của UBND xã, thông qua biên lai. Ngoài ra, thời gian thu phí được bố trí trùng với thời điểm thu tiền điện nên tạo thuận lợi cho người dân. Ông Trần Sáu - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú) cho biết, việc thu phí dịch vụ thu gom rác thải dựa theo số nhân khẩu trong một hộ. Ví dụ nhà có 2 nhân khẩu, ban dân chính thôn thu 12.000 đồng/tháng, còn từ 5 nhân khẩu trở lên thì thu 20.000 đồng/tháng, riêng hộ nghèo và người già neo đơn không thu phí. Theo ông Sáu, trong năm 2017 thôn Mỹ Sơn thu 41 triệu đồng tiền phí dịch vụ thu gom rác thải. Dự kiến, sau khi thanh toán các khoản thì còn dư gần 8 triệu đồng. Nguồn kinh phí này, ban dân chính thôn hỗ trợ thêm cho người đi thu gom, sửa chữa dụng cụ và một số hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.
Nhân rộng mô hình
Ngay từ khi bắt tay thực hiện đề án thu gom rác thải, Phòng Tài nguyên & môi trường huyện Duy Xuyên khẩn trương xây dựng phương án và hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện mô hình này. Đồng thời ban hành văn bản đôn đốc, thường xuyên kiểm tra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cạnh đó, đơn vị chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, tác hại của túi ni lông cho chị em phụ nữ. Đặc biệt là xây dựng mô hình phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông và phối hợp hướng dẫn quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho nông dân tại các địa phương. Trong khi đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phát động mạnh mẽ phong trào “Xây dựng khu dân cư tự quản về công tác bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm”, Ban Dân vận Huyện ủy thực hiện phong trào “Dân vận khéo” về thu gom và xử lý rác thải...
Ông Ngô Bốn - Phó phòng Tài nguyên & môi trường Duy Xuyên cho biết, từ nguồn ngân sách nhà nước, huyện hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị ban đầu như trạm trung chuyển, xe kéo rác, thùng rác, bi thu gom rác thải bảo vệ thực vật trên đồng ruộng cho tất cả 14 xã, thị trấn trên địa bàn. Nhờ vậy, đến nay các địa phương đã thành lập được 60 tổ trực tiếp thu gom rác. Ông Bốn chia sẻ thêm: “Thời gian qua, UBND huyện Duy Xuyên thường xuyên chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác phải đưa đi xử lý. Qua hơn 4 năm thực hiện, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt bình quân trên địa bàn huyện đạt khoảng 75 - 80%. Còn đối với rác thải nguy hại trên đồng ruộng thì các xã, thị trấn đúc bi thu gom những loại bao bì, chai lọ đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đặt trên các cánh đồng và vận động nông dân bỏ vào bi chứa. Vào thời điểm cuối mùa vụ, UBND các xã, thị trấn thuê nhân công thu gom rác thải tại bi chứa rồi tập kết về vị trí thuận lợi để xe chuyên dụng đến thu gom, đưa đi xử lý”.
Còn ông Nguyễn Bốn – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, dù đạt được nhiều thành quả quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường song ở một số địa phương, tỷ lệ người dân tham gia vẫn còn thấp, việc thu phí gặp nhiều khó khăn. Một vài nơi, người dân đổ rác không đúng ngày giờ và nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, người dân chưa có thói quen phân loại rác thải dẫn đến khối lượng rác phát sinh quá lớn. Vì vậy, thời gian đến huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đăng ký thực hiện đề án thu gom rác thải, phấn đấu nâng tỷ lệ tham gia đạt 100%...
HOÀI NHI