Điện Bàn là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển mạnh của tỉnh. Nhưng kèm theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lĩnh vực này gây ra. Thời gian qua, ngành liên quan cùng người dân trên địa bàn huyện đã tích cực khắc phục vấn đề này nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng...
Lợi ích từ biogas
Để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, gần cuối năm 2008 ông Lê Văn Hà (thôn Hà My Trung, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn) đầu tư phát triển mạnh chăn nuôi heo. Ông Hà cho biết, sau khi xây dựng xong chuồng trại, ông thả nuôi 40 con heo thịt và 2 con heo nái. Bình quân mỗi ngày chất thải từ 10 chuồng nuôi heo khoảng 2 - 3 tạ. Tuy nhiên, do quy mô hệ thống hầm quá nhỏ, không chứa hết nên nước thải và chất thải tràn ra môi trường. Ông Hà nói: “Nhà ở và dãy chuồng nuôi heo của tôi nằm lọt thỏm trong khu dân cư, vì vậy tình trạng ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến những hộ dân sống xung quanh”. Để sớm khắc phục vấn đề này, đầu năm 2009 ông Hà liên hệ với Trạm Khuyến nông & khuyến lâm Điện Bàn nhờ tư vấn lắp đặt bể khí sinh học biogas.
Chú trọng lắp đặt bể khí biogas nên tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở Điện Bàn đã cải thiện đáng kể. Ảnh: M.N |
Sau khi tham khảo ý kiến từ phía cơ quan chuyên môn, ông Hà chọn loại bể biogas composite để lắp đặt tại khu vực chăn nuôi heo của mình với tổng chi phí trọn gói là 13 triệu đồng. Ông Hà chia sẻ: “Hơn 5 năm nay, kể từ ngày có bể khí sinh học biogas, tình trạng ô nhiễm môi trường đã chấm dứt hoàn toàn, bởi lượng thức ăn thừa, phân, nước tiểu, nước dội rửa trong các ô chuồng chảy ra đều được xử lý triệt để. Nhờ vậy, bà con chòm xóm không còn phàn nàn như lúc ban đầu”. Theo ông Hà, không chỉ giải quyết rốt ráo chuyện bức xúc liên quan đến môi trường sinh thái mà việc lắp đặt bể khí này còn mang lại cho ông cái lợi khác. Ông cho biết, hồi trước, bình quân mỗi năm ông chi ít nhất 6 triệu đồng để mua củi về nấu thức ăn cho heo và thức ăn, nước uống cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, từ lúc có bể khí biogas composite thì không phải bỏ tiền ra mua củi nữa, vì lượng gas từ bể xử lý thừa sức cung ứng cho việc nấu nướng. Ông Hà phân tích: “Nhờ sử dụng lượng gas của bể khí sinh học này mà từ năm 2009 đến nay tôi đã tiết kiệm được 30 triệu đồng tiền mua củi. Nếu so với khoản kinh phí 13 triệu đồng đã đầu tư lắp đặt bể thì rõ ràng quá có lợi”.
Tiếp sức cho người chăn nuôi
Ông Phạm Thành Chung – Trưởng trạm Khuyến nông & khuyến lâm Điện Bàn cho biết, những năm gần đây ngành chăn nuôi của huyện phát triển rất mạnh về số lượng và quy mô. Theo thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện có tổng cộng 87.552 con gia súc và 865.168 con gia cầm. Tuy nhiên, do thời gian qua quỹ đất dành cho chăn nuôi còn hạn chế nên đa số chuồng trại đều nằm gần hoặc lọt giữa các khu dân cư. Trong khi đó, vì hệ thống xử lý nước thải, chất thải chưa được người dân xây dựng một cách đồng bộ và bài bản khiến môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng. Trước thực trạng đó, ngành liên quan và chính quyền các địa phương ở huyện Điện Bàn xác định rằng, đi đôi với việc khuyến khích doanh nghiệp, hộ đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi thì cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đây được xem là chuyện cấp bách, phải ưu tiên thực hiện thì mới hy vọng phát triển bền vững trong tương lai.
Theo ông Chung, ngoài 480 hầm biogas được xây dựng bằng gạch và xi măng thì đầu năm 2008 đến nay người chăn nuôi trên toàn huyện đã đầu tư ít nhất 7 tỷ đồng lắp đặt thêm 500 bể khí sinh học biogas composite nhằm xử lý triệt để lượng nước thải, chất thải từ các chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm. Ông Chung nói: “Muốn có một hệ thống bể khí biogas composite bằng nhựa thì người dân phải bỏ ra khoảng 13 - 15 triệu đồng. Mặc dù ngân sách địa phương còn eo hẹp nhưng để kịp thời động viên, khích lệ phong trào, UBND huyện Điện Bàn đã ban hành cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi với mức mỗi hộ 1 triệu đồng khi lắp đặt bể khí này”. Ông Chung cho biết thêm, nhờ tiếp sức từ phía chính quyền nên thời gian qua phong trào lắp đặt hệ thống bể khí sinh học biogas composite được thực hiện mạnh mẽ ở rất nhiều nơi, nhất là tại các xã có số lượng đàn vật nuôi lớn như Điện Thắng Bắc, Điện Tiến, Điện Hòa, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Thắng Trung... Không chỉ người dân, gần đây một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở xã Điện Quang, Điện Thọ và các địa phương khác cũng quan tâm đầu tư lắp đặt hệ thống biogas .
Ông Phạm Thành Chung cho rằng, những năm qua nhờ người dân và doanh nghiệp chú trọng xây dựng, lắp đặt hệ thống hầm khí biogas nên lượng nước thải, chất thải từ việc chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đã được xử lý một cách triệt để. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Điện Bàn đã được cải thiện đáng kể: “Thời gian tới, các đơn vị liên quan ở địa phương sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mô hình này tiếp tục được nhân rộng nhằm góp phần ngăn chặn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người và vật nuôi. Hơn nữa, bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới” - ông Chung nói.
MAI NHI