Công tác bảo vệ rừng phòng hộ của huyện Thăng Bình đạt được nhiều kết quả nhờ các giải pháp đồng bộ như kiểm điểm, giao trách nhiệm các hộ dân chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn phải trồng lại các diện tích rừng bị chặt phá; kiên quyết thực hiện quy hoạch nuôi tôm trên cát tại khu vực ven biển…
Bài học kinh nghiệm
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thăng Bình thông tin, ngành kiểm lâm đang phối hợp chặt chẽ với Công an huyện tiếp tục làm rõ, xử lý việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn xung quanh hồ chứa nước Đông Tiển (xã Bình Trị) xảy ra vào năm 2012. Đến thời điểm này, trong số 20 hộ tham gia chặt phá rừng phòng hộ cách đây 2 năm, 12 hộ đã bị xử phạt, 8 hộ khác vẫn chưa bị xử phạt do thiếu cơ sở pháp lý. Ông Đạt cho rằng, dù vụ việc xảy ra tương đối lâu nhưng nỗi bức xúc vẫn còn đó. “Rừng phòng hộ này bảo vệ cho hồ chứa nước Đông Tiển cung cấp nước tưới cho hơn 500ha đất trồng trọt tại 3 xã Bình Trị, Bình Định Nam và Bình Định Bắc. Nếu khu rừng này bị triệt hạ, ngoài việc không đảm bảo cung cấp nước tưới cho sản xuất thì đa dạng sinh học và môi trường sinh thái đầu nguồn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên quyết xử lý, lấy đó làm cơ sở răn đe người dân, tránh tình trạng tương tự xảy ra trong thời gian tới” - ông Đạt nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Nam Tiển) phủ xanh lại diện tích rừng do mình chặt phá vào năm 2012. Ảnh: N.Q.V |
Nhắc lại vụ việc đã xảy ra, ông Lê Khắc Nga - Trưởng thôn Vinh Đông (xã Bình Trị) phân tích: “Cha chung không ai khóc, ngoài các hộ ở thôn Vinh Đông, người dân ở các thôn Nam Tiển, Vinh Nam cũng mạnh ai nấy chặt phá, chiếm đất rừng phòng hộ, trồng keo nguyên liệu. Đến thời điểm này, nhờ răn đe đi đôi với tuyên truyền, người dân tham gia chặt phá rừng ở thôn cũng đã “bồi thường” lại một phần diện tích rừng phòng hộ bị chiếm đoạt bằng cách phủ xanh lại các diện tích đồi trọc”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi xảy ra tình trạng 40,8ha rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt phá, ngành kiểm lâm phối hợp với Công an huyện Thăng Bình và UBND xã Bình Trị đã tập hợp các hộ dân tham gia phá rừng, kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm và bắt phải trồng lại các diện tích rừng đã bị phá. Đến thời điểm này, 35ha rừng xung quanh tiểu khu 484 tại núi Vinh Nam đã lại được phủ xanh .
Rừng phòng hộ ven biển giữ vai trò “lá chắn xanh”, bảo vệ môi trường sinh thái, chống cát bay, làm “đê” chắn sóng. Thế nhưng do “cơn lốc” nuôi tôm trên cát tại các xã ven biển nên vài năm trở lại đây, các hộ dân thuộc các xã Bình Hải của huyện Thăng Bình đã triệt hạ rừng phòng hộ, đào ao nuôi tôm. Ông Hoàng Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: “Cát bay lẫn gió bão cứ quất thẳng, ập thẳng vào nhà người dân sát biển thuộc các thôn Đồng Trì, An Thuyên và Kỳ Trân trong thời gian qua. Cùng với đó là ngập úng do cát biển trộn với đất “trấn” lấy nhà người dân, nước mưa không thoát được. Do rừng phi lao phòng hộ ngày càng thưa nên mức độ nguy hiểm do thiên tai gây ra càng lớn. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị cấp trên có biện pháp thiết thực khống chế nạn nuôi tôm ngoài quy hoạch; huy động các đoàn thể trồng lại rừng phòng hộ, bảo vệ khu vực ven biển”.
Vào cuộc bảo vệ rừng
Theo ông Lê Viết Mãnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị, đến thời điểm này, sở dĩ các loại cây được 12 hộ dân bị xử phạt trồng lại tại tiểu khu 484 ở núi Vinh Nam phát triển tốt là nhờ sự nhiệt tình giám sát và quản lý của các hội, đoàn thể, mặt trận trên địa bàn xã. “Ngay sau khi vụ phá rừng phòng hộ bị vỡ lở, chúng tôi đã chú trọng hơn việc tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng phòng hộ. Sau khi 12 hộ dân bị xử phạt bắt đầu trồng lại cây xanh tại tiểu khu 484 thuộc núi Vinh Nam, chúng tôi đã giao Mặt trận xã, các hội, đoàn thể tiếp quản các diện tích rừng được trồng lại này. Cây lại phủ xanh đồi trọc là một tín hiệu vui. Điều khiến chúng tôi an tâm nhất là nhận thức của người dân về tầm quan trọng của “lá chắn” rừng phòng hộ đã có chuyển biến tốt. Khi đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục xử phạt 8 hộ dân còn lại trong thời gian đến, các hộ này cũng sẽ phải trồng lại các diện tích rừng bị phá trước đây” - ông Mãnh nói.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình khẳng định, ngành nông nghiệp huyện đang tham mưu UBND huyện có các biện pháp giải quyết dứt điểm nạn phá rừng phòng hộ ở khu vực ven biển, trong đó cái “khung” để huyện thực hiện chính là quy hoạch tạm thời nuôi tôm trên cát mà UBND tỉnh đã thông qua. Về lâu dài, Thăng Bình thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, sớm điều chỉnh lại quỹ đất rừng phòng hộ hợp lý. Ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết thêm: “Địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương không khai thác rừng tự nhiên. Từ cơ sở đó triển khai nuôi dưỡng, phục hồi rừng phòng hộ, ổn định độ che phủ cho các loại cây ở đây, nâng cao tính đa dạng sinh học cho các vùng sinh thái trên địa bàn. Địa phương thực hiện trồng giao thoa các loài cây gỗ lớn và các loài cây phụ trợ với mật độ trồng thích hợp, tạo nên khu rừng phòng hộ có nhiều tầng tán, nâng cao hiệu quả giữ nước, bảo vệ đất, chống gió bão”.
NGUYỄN QUANG VIỆT