Nỗ lực bảo vệ san hô

VIỆT QUANG 01/10/2015 09:36

Trước những tác động ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài san hô, thời gian qua Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiến hành trồng phục hồi để bảo vệ loài sinh vật quý này.

Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã tạo nên hành lang đa dạng sinh học. Tuy vậy, nhiều loài sinh vật quý hiếm tại lưu vực sông rộng lớn này đã bị tuyệt chủng. Theo khảo sát của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, các loài cá quý ở thượng nguồn như cá niên, cá chiên, cá ngựa xám gắn liền với hệ sinh thái sông suối trở nên khan hiếm. Các đập thủy điện tại thượng nguồn đã cắt đứt các dòng sông, đồng nghĩa với cắt đứt vòng đời của các loài cá di cư. Nguồn sống của loài sinh vật tại chỗ cũng bị cắt đứt do thức ăn và môi trường sống thay đổi đột ngột. Sự tồn vong của cá chình - một nửa vòng đời ở biển và một nửa còn lại ở các sông suối nước ngọt và vùng thượng nguồn đang bị đe dọa nghiêm trọng. Các dòng sông không duy trì được dòng chảy tối thiểu là mối nguy cho các loài sinh vật từ thượng nguồn đến các vùng trung du, hạ du và cả vùng biển đảo cách xa hơn 200km. Sự ô nhiễm của các dòng sông và mất đi nhiều diện tích rừng ngập mặn ở vùng đệm ven bờ đã gia tăng mức độ ô nhiễm ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Sự sinh tồn của nhiều loài san hô bị đe dọa trong thời gian qua.

Trong nỗ lực bảo tồn san hô, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiến hành cấy, ghép, trồng san hô ở nhiều khu vực thuộc vùng biển của xã đảo Tân Hiệp. Một trong những dự án được triển khai là phục hồi 2.000m2 rạn san hô tại vùng biển thuộc thôn Bãi Hương. Sau 18 tháng triển khai từ đầu năm 2014 đến nay, dự án đã làm tăng độ phủ của rạn san hô, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học tại vùng biển. Một dự án khác cũng được triển khai là trồng san hô tại khu vực cầu cảng Cù Lao Chàm. Theo kết quả giám sát của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, sau hơn một năm triển khai, các tập đoàn san hô tăng trưởng trung bình khoảng 3 - 5cm theo chiều dài cành và chồi của các loài san hô cứng tạo rạn. Tại khu vực lân cận vườn ươm cầu cảng thôn Bãi Làng, nhiều tập đoàn san hô cứng tạo rạn dạng sừng nai, phiến và san hô mềm phục hồi tự nhiên cũng được ghi nhận là phát triển rất khả quan. Theo ông Huỳnh Ngọc Diên, cán bộ phụ trách Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, để nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô, việc giám sát hiện trạng phục hồi và mở rộng phạm vi bảo vệ san hô tại khu vực cầu cảng Cù Lao Chàm sẽ được tiếp tục chú trọng trong thời gian tới. Đồng thời ngành chức năng sẽ hỗ trợ người dân tổ chức hoạt động xem san hô bằng thúng đáy kính cho khách du lịch.

Theo ông Lê Ngọc Thảo, cán bộ phụ trách Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, rạn san hô ở Cù Lao Chàm cùng với các loài thảm cỏ biển, rong biển, vùng triều bờ đá và các hệ sinh thái vùng ngập nước khác đã hình thành nên tính đa dạng sinh học cho vùng bờ biển Quảng Nam. Đây chính là giá trị đặc trưng nổi trội mà khu dự trữ sinh quyển thế giới cần phải nỗ lực bảo vệ hơn nữa để phát huy những lợi ích do chúng mang lại. Ngoài việc quản lý trực tiếp tại vùng hạ lưu, trong chiến lược hành động cần có những can thiệp trên toàn bộ lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp và thích ứng. Có như thế thì danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm do UNESCO công nhận mới được gìn giữ bền vững.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực bảo vệ san hô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO