Nỗ lực cải thiện chỉ số phòng chống tham nhũng

TÂM ĐAN 08/11/2023 07:29

Theo kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, Quảng Nam chỉ đứng thứ 53/63 tỉnh, thành phố. Điều này đòi hỏi tỉnh phải có nhiều giải pháp, nỗ lực để cải thiện chỉ số này trong những năm đến.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tiếp công dân định kỳ. Ảnh: TÂM ĐAN
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tiếp công dân định kỳ. Ảnh: TÂM ĐAN

Nhìn nhận khâu yếu

Năm 2022, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả. Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN đã và đang được cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ, có hiệu quả.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả… Căn cứ bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh (PACA) và tài liệu hướng dẫn do Thanh tra Chính phủ ban hành, UBND tỉnh tự chấm điểm PACA 2022 của tỉnh đạt 64.9 điểm trên thang điểm 100.

Còn theo kết quả đánh giá của Thanh tra Chính phủ vừa công bố, Quảng Nam và Đăk Lăk được chấm bằng điểm 61.09 điểm, xếp vị trí thứ 53/63 tỉnh thành. So với năm 2021, PACA 2022 của Quảng Nam giảm 1.4 điểm và giảm 25 bậc (năm 2021 Quảng Nam đứng thứ 28/63 tỉnh, thành).

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, đại diện Thanh tra tỉnh cho biết, nhiều năm nay, Quảng Nam nằm trong tốp trung bình của cả nước về PACA, bình quân đạt 61 - 62 điểm. Kết quả đánh giá PACA phụ thuộc vào nhiều tiêu chí, nội dung của bộ chỉ số.

Trong đó, các chỉ số về “Đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng”, “Đánh giá thu hồi tiền, tài sản tham nhũng” vẫn là khâu yếu trong công tác PCTN của nhiều địa phương, trong đó có Quảng Nam.

Cụ thể, về chỉ số “Đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng”, Quảng Nam được chấm 19.01 điểm trên thang điểm 40 điểm (điểm trung bình của 63 tỉnh thành là 19.92); về “Đánh giá việc thu hồi tiền, tài sản tham nhũng”, Quảng Nam được chấm 5.76 điểm trên thang điểm 10 (điểm trung bình các tỉnh thành 5.33 điểm).

Ngoài ra, chỉ số “Đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng” năm 2022 của Quảng Nam cũng thấp, chỉ đạt 17.99 trên thang điểm 30.

Khó khăn cải thiện chỉ số

Theo báo cáo tự đánh giá PACA của UBND tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, về công tác cải cách hành chính của tỉnh, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời cập nhật và cập nhật chưa đầy đủ kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa; hồ sơ chưa giải quyết trên phần mềm còn cao; tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn còn nhiều, đặc biệt là lĩnh vực đất đai…

Đặc biệt, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tuy đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm triển khai nhưng chưa phát huy toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp như chưa phát hiện và xử lý các trường hợp xung đột lợi ích, không tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc...

UBND tỉnh đánh giá: “Việc phát hiện các hành vi tham nhũng qua hoạt động tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, hầu như việc phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra trong nội bộ là không có.

Hoạt động thanh tra phát hiện nhiều sai phạm kinh tế nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật không có. Việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo và giải quyết các phản ánh, tố cáo chưa phát hiện các hành vi tham nhũng”.

Nhìn chung, việc phát hiện hành vi tham nhũng chủ yếu qua điều tra, truy tố, xét xử của công an, viện kiểm sát, tòa án. Theo báo cáo, năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thụ lý điều tra 12 vụ/16 bị can phạm tội về tham nhũng; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 9 vụ, 14 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý, xét xử sơ thẩm 11 vụ, 20 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Qua công tác điều tra, Công an tỉnh đã thu hồi hơn 1,49 tỷ đồng tài sản thiệt hại; qua công tác thi hành án đã thu hồi được hơn 900 triệu đồng.

Đại diện Thanh tra tỉnh cho rằng, để cải thiện chỉ số PACA của tỉnh, Thanh tra tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tập trung khắc phục những điểm yếu trong bộ chỉ số PACA mang tính chủ động của các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo các cấp. Đồng thời tăng cường công khai, minh bạch; đẩy mạnh chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc có liên quan đến tham nhũng cũng như các giải pháp phòng ngừa theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng…

Quảng Nam thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân định kỳ năm 2022

Đó là khẳng định của Thanh tra tỉnh khi đánh giá về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 của tỉnh. Theo Thanh tra tỉnh, việc có cơ quan báo chí đưa tin kết quả PACA năm 2022 cho rằng công tác tiếp công dân của chủ tịch UBND tỉnh một số địa phương còn sơ sài, trong đó nói “Quảng Nam ghi nhận Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân 2 lần trong năm”, là chưa chính xác.

Theo báo cáo của Ban Tiếp công dân tỉnh gửi Thanh tra tỉnh, trong năm 2022, việc tiếp công dân định kỳ năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh được thực hiện đảm bảo đủ 12/12 tháng. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ 4 tháng (gồm tháng 3, 4, 8 và tháng 12), còn lại ủy quyền Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công định kỳ 8 tháng.

Theo Thanh tra tỉnh, năm 2022, các quan quản lý Nhà nước của tỉnh đã tổ chức tiếp 12.492 lượt/13.222 người (tăng 23%), có 60 đoàn nhiều người, tăng 39,5%. Trong đó, riêng Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh đã tiếp 103 lượt/442 người/81 vụ.

Các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đã giải quyết 223/308 vụ khiếu nại lĩnh vực hành chính thuộc thẩm quyền (đạt 72,7%); đã giải quyết 28/39 vụ tố cáo, đạt 71,8%. Qua giải quyết khiến nại đã khôi phục quyền lợi cho 22 cá nhân với hơn 2,5 tỷ đồng và 2.097m2 đất ở; kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hơn 287 triệu đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực cải thiện chỉ số phòng chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO