Chính quyền huyện Bắc Trà My và Đông Giang đang tích cực chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, tìm đất sản xuất bố trí cho người dân ở các làng tái định cư (TĐC) thuộc các dự án thủy điện.
Niềm vui làm chủ đất
Từ ngày ra ở làng mới, 75 hộ tái định cư thủy điện tại hai thôn 2 và 3 xã Trà Đốc (Bắc Trà My) chồng chất âu lo do động đất, thiếu nước sạch, thiếu đất sản xuất… Để ổn định đời sống nhân dân, vừa qua Nhà nước đã cấp hàng chục héc ta đất cho 29 hộ dân TĐC. Theo ông Hồ Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, năm nay địa phương sẽ tiếp tục rà soát, cấp đất sản xuất cho các hộ TĐC. Hơn 90ha đất không sử dụng hết của Ban quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 bàn giao cho xã và được tiếp tục cấp cho các hộ còn lại. Diện tích đất cấp cho hộ gia đình nhiều hay ít phụ thuộc vào nhân khẩu, hộ ít nhất được giao 0,5ha, nhiều nhất nhận 1ha. Cuối năm 2014, các ngành chức năng của huyện Bắc Trà My khảo sát và tìm 116ha đất để cấp cho 128 hộ thuộc hai xã lân cận là Trà Tân và Trà Đốc. Tương tự, tại xã Trà Bui (Bắc Trà My), nơi có hơn 300 hộ dân TĐC dự án thủy điện Sông Tranh 2, hầu hết đất sản xuất của đồng bào đã ngập dưới lòng hồ, chỗ ở mới nằm ngay trong rừng phòng hộ nên trước đây xảy ra tình trạng người dân phá rừng để mở rộng diện tích sản xuất. Thời gian qua, ngành tài nguyên – môi trường tiến hành lập hồ sơ kê khai đăng ký và lập các thủ tục theo quy định để tham mưu UBND huyện giao đất, cấp hơn 286.860m2 đất ở và đất vườn cho 288 hộ TĐC thủy điện tại Trà Bui.
Niềm vui của người dân khi được cấp đất sản xuất và nhận bìa đỏ. (Ảnh do Sở Tài nguyên – môi trường cung cấp). |
Nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) do UBND huyện Bắc Trà My cấp, ông Hồ Văn Ba (thôn 2, xã Trà Bui) phấn khởi: “Cái giấy này là mơ ước bấy lâu nay của cả nhà. Mình được cấp 1ha đất rẫy trong rừng của mình sẽ không có ai xâm lấn, trồng cây nhầm cả. Vài ngày nữa, mình sẽ xuống ngân hàng vay vốn mua bò về thả”. Ở một số vùng miền núi huyện Bắc Trà My, đồng bào Ca Dong quan niệm, khi đã tự khai hoang canh tác vài mùa rẫy trên núi, mặc nhiên được hiểu là đất của họ nên các ngành chức năng gặp không ít khó khăn trong quản lý đất đai. Vì vậy, quá trình rà soát, đo đạc cấp đất cho đồng bào tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, giai đoạn 2012 - 2014, địa phương đã cấp 1.237 bìa đỏ cho 724 hộ với diện tích gần 1.000ha. Trong đó, cấp 635 bìa đỏ cho 520 hộ dân TĐC thủy điện với hơn 316ha; 602 bìa đỏ cho 204 hộ dân sở tại với diện tích hơn 645ha. Hiện nay, chính quyền các xã Trà Bui, Trà Giác và Trà Đốc tích cực rà soát những hộ TĐC thiếu đất sản xuất tiếp tục bổ sung danh sách đề xuất UBND huyện xem xét, giải quyết. Cạnh đó, các ngành chuyên môn của địa phương gấp rút khảo sát hiện trạng, xác định trạng thái rừng giàu – nghèo ở các khu vực để xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng các loại rừng thực tế không còn phù hợp với hiện trạng để tiếp tục đo đạc, giao đất sản xuất cho các hộ dân. Thời điểm này, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh khoanh vùng 257ha thuộc lâm phận đất do đơn vị quản lý, đồng thời có văn bản xác định diện tích đủ điều kiện kiến nghị tỉnh thống nhất chủ trương thu hồi giao cho các hộ TĐC.
Lối thoát nghèo bền vững
Theo khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tại các khu TĐC dự án thủy điện, có 92,3% người dân được hỏi cho rằng, chất lượng đất sản xuất hiện nay xấu hơn chỗ ở cũ, phần lớn đất sản xuất hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu canh tác. |
Theo đánh giá của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, một trong những nguyên nhân mà người dân các làng TĐC luẩn quẩn trong đói nghèo chính là thiếu tư liệu sản xuất, đất canh tác xấu, nằm xa khu dân cư. Tại 2 khu TĐC Cutchrun và Pachepalanh (Đông Giang), hơn 70 hộ mới thành lập không có đất ở lẫn đất sản xuất, phải sống xen ghép, chật vật bên diện tích đất của người thân. Tại huyện Bắc Trà My, dù công tác cấp đất cho đồng bào triển khai khẩn trương nhưng vẫn còn 177 hộ dân TĐC thủy điện không có đất sản xuất do chính quyền chưa tìm ra đất để giao. Vấn đề ở đây là nếu đảm bảo 100% số hộ TĐC trên địa bàn huyện có đất sản xuất, bắt buộc phải thu hồi đất của người dân sở tại, nhưng nguyên tắc muốn thu hồi đất phải đền bù. Khi người dân sở tại không có đất sản xuất thì tình trạng phá rừng làm nương rẫy dễ xảy ra. UBND huyện Bắc Trà My chủ trương giao đất theo hiện trạng sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân vì hiện nay các hộ đang sản xuất trên diện tích đất tự khai phá hoặc đất do tự thỏa thuận giữa các hộ với nhau. Tuy nhiên, theo lãnh đạo chính quyền các xã Trà Bui, Trà Đốc, việc cấp đất làm nương rẫy cho đồng bào vùng cao cần thực tế, chú trọng đến chất lượng đất có khả năng phát triển sản xuất, gần đường sá đi lại; cần tiến hành quy hoạch phù hợp lại 3 loại đất rừng. Riêng vùng có điều kiện phát triển diện tích lúa nước, Nhà nước nên hỗ trợ, đầu tư, cải tạo đất màu mỡ bằng xây dựng hệ thống thủy lợi…
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – ông Trần Anh Tuấn cho rằng, địa phương cần nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu bức thiết, sớm ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào TĐC dự án thủy điện Sông Tranh 2. “Cho phép huyện tiếp tục rà soát chuyển một số diện tích trong khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh 2 để cấp đủ đất cho các hộ dân TĐC. Mặt khác, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ dân TĐC triển khai mô hình nuôi cá diêu hồng trong lòng hồ thủy điện; sớm phê duyệt đề án phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác và Trà Tân bị ảnh hưởng do xây dựng dự án thủy điện” – ông Tuấn đề nghị. Còn theo Sở NN&PTNT, muốn thoát nghèo bền vững, ổn định đời sống cho đồng bào các làng TĐC thủy điện, không có giải pháp nào hữu hiệu hơn việc tìm đất cấp sản xuất lâu dài cho họ. Thực tế, ở vùng cao dự án trồng cây cao su gặp khó bởi rắc rối về tính pháp lý thủ tục đất đai. Đầu năm nay, chính quyền huyện Tây Giang đã trao 667 bìa đỏ đất, nhà ở gắn liền với đất cho 485 hộ, cá nhân trên địa bàn các xã A Vương, BhaLêê, A Tiêng, A Nông và xã Lăng. Đây là cơ sở để Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang đầu tư cho nhân dân trồng cây cao su với tổng diện tích hơn 400ha.
TRẦN HỮU