Đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, nhanh chóng tìm ra các giải pháp cụ thể để đạt kế hoạch tăng trưởng 11,5% là yêu cầu hàng đầu của UBND tỉnh trong những tháng còn lại của năm 2014. Vấn đề này sẽ được quan tâm bàn thảo trong Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VIII khai mạc vào sáng mai 9.7.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp luôn được UBND tỉnh quan tâm giải quyết. Ảnh: T.LỘ |
Lạc quan trong khó khăn
Dễ nhìn thấy dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế Quảng Nam thể hiện ở tốc độ tăng trưởng mạnh của khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp. Theo công bố của Sở Kế hoạch - đầu tư, trong vòng 6 tháng qua, tổng thu ngân sách hơn 3.720 tỷ đồng, chiếm 54% so với dự toán, tăng hơn 26% so cùng kỳ. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 25% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) với khoảng 6.670 tỷ đồng, tăng cao hơn 3,6% so với mức tăng cùng kỳ năm 2013. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng hơn 11% so với 6 tháng năm 2013 và tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch năm 2014 đã hơn 4.160 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chiếm hơn 49%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp hơn 23.000 tỷ đồng; giá trị các ngành dịch vụ tăng khá, xuất khẩu tăng cao với tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 297 triệu USD, nhập khẩu hơn 433 triệu USD và giá trị sản xuất ngành nông lâm ngư nghiệp hơn 5.840 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch, tăng 5% so với năm 2013. Theo nhận định của cơ quan quản lý, mặc dù tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp thấp hơn 5% so với tốc độ tăng cùng kỳ nhưng các ngành chế biến thực phẩm, giày da, may mặc, sản xuất và lắp ráp ô tô đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm hơn 5,4%, chiếm 36% cơ cấu kinh tế.
Các cơ quan quản lý nhanh chóng rà soát lại tất cả dự án đã đủ thủ tục đầu tư hoặc đã có khối lượng để lập thủ tục thanh toán vốn đầu tư. Các dự án đã được bố trí vốn đến hết ngày 31.8.2014 nếu thanh toán dưới 50% vốn thuộc kế hoạch năm 2014 thì sẽ xem xét cắt giảm để bổ sung cho các dự án đã được phê duyệt quyết toán, dự án đã tạm ứng ngân sách, dự án khả năng hoàn thành trong năm 2014 và dự án có khối lượng nhưng thiếu vốn. Thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình dự án ODA, FDI. Quan điểm của chính quyền là kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư không chịu triển khai, thận trọng hơn khi tiến hành cấp giấy phép cho các dự án đầu tư và tính toán, xem xét chủ động mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. (Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh) |
Thông qua một thống kê khác, các cơ quan quản lý cũng đã thừa nhận kinh tế Quảng Nam vẫn đang gặp không ít khó khăn khi mức tiêu thụ giảm, một số mặt hàng tồn kho cao, doanh nghiệp yếu thế trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đứng trước áp lực chi phí sản xuất đầu vào tăng nên hoạt động sản xuất và phục hồi của công nghiệp gặp khó khăn. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng GDP dù tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ của chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm. Tốc độ giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp, xuất khẩu thấp hơn kế hoạch… sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm. Cục trưởng Cục Thống kê Đinh Văn Đào nói đầu tư cải thiện, công nghiệp giữ nhịp độ tăng là một xu hướng tốt, nhưng sự tăng trưởng ấy phần lớn nhờ vào công nghiệp chủ lực đã đến điểm dừng…, và tổng cầu thấp, thu từ doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 35% so dự toán, tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí một số dự án có tỷ lệ giải ngân 0%... sẽ là những điều khó khăn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2014.
Tuy nhiên, phân tích bức tranh kinh tế đầy màu sắc sáng, tối trước những con số thống kê trái chiều ấy, chính quyền và cơ quan quản lý Quảng Nam vẫn lạc quan cho rằng nền kinh tế Quảng Nam đang “lội qua” khó khăn, tiếp cận cơ hội tăng trưởng đúng như dự định.
Dồn sức cho doanh nghiệp
Bài toán tăng trưởng để đạt kế hoạch tăng trưởng 11,5% cho năm 2014 vẫn đang là vấn đề thời sự của Quảng Nam. Chính quyền tỉnh và các cơ quan quản lý nhận định rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn đang cho thấy sự tồn tại bất hợp lý giữa sản xuất, tín dụng và hiệu lực chính sách tiền tệ trong kích cầu hiện rất yếu. Một kế hoạch khai thông thị trường, tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, phục hồi và mở rộng sản xuất với quan điểm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư là điều đặt ra hàng đầu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, tiếp cận vốn vay, mở rộng sản xuất mới có thể đủ khả năng duy trì thành quả kinh tế vừa đạt được vốn còn rất mong manh trong mấy tháng qua. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho rằng sức sản xuất gia tăng với sự xuất hiện một số sản phẩm mới cho thấy bức tranh kinh tế chung đã chuyển biến tích cực sau một thời gian dài khó khăn… Nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng, các cơ quan quản lý cần điều chỉnh, xem xét khả năng cân đối ngân sách theo hướng ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án trọng điểm và tăng cường quản lý nợ đọng…
Giải phóng hàng tồn kho của doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Quảng Nam. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, nguy cơ lớn nhất là việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó. Vì vậy, việc gỡ khó cho doanh nghiệp vẫn là ưu tiên hàng đầu. Kế hoạch “giải cứu” doanh nghiệp của chính quyền Quảng Nam sẽ phải tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng các sản phẩm của tỉnh đã có thương hiệu, các sản phẩm có sản lượng chiếm tỷ lệ cao trong nước như ô tô, giày da, may mặc. Các doanh nghiệp duy trì thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu thay thế để ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền sẽ tìm mọi cách để kết nối doanh nghiệp, ngân hàng đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ, tiếp tục cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, thúc đẩy giải ngân hết nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình hỗ trợ theo mục tiêu, vốn chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định.
TÙY PHONG