Nỗ lực cứu tháp Chăm

BÍCH LIÊN 01/07/2015 10:05

Ngày 29.6, tại hội thảo khoa học do UBND tỉnh chủ trì, chủ trương ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn một lần nữa hé mở ra triển vọng “cứu” hàng loạt di tích Chăm trên địa bàn Quảng Nam đang xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều nghiên cứu, nhiều dự án

Trước sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh, nhiều di tích Chăm trên địa bàn Quảng Nam đã bị xóa sổ, nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng từng ngày. Hiện, Quảng Nam còn tồn tại quần thể di tích lớn là Khu đền tháp Mỹ Sơn, các tháp và nhóm tháp Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An, khu phế tích Phật viện Đồng Dương và hơn 40 phế tích kiến trúc Chăm nằm rải rác ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Gần 30 năm qua, trước sự giúp sức của nhiều tổ chức khoa học trong và ngoài nước, Quảng Nam đã nỗ lực tu bổ, tôn tạo nhằm ngăn chặn sự xuống cấp, sụp đổ của các đền tháp Chăm. Từ năm 1978, trong một chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam - Ba Lan, Khu đền tháp Mỹ Sơn được “cứu” bởi kiến trúc sư người Ba Lan là Kazimier Kwiatkowski (Kazik). Qua thời gian tu bổ, một Mỹ Sơn từ tình trạng phế tích bị bao phủ bởi cây rừng, đã phục hồi một phần diện mạo.

Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học Nga phát hiện những nguyên lý hé mở cho lời giải trùng tu Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học Nga phát hiện những nguyên lý hé mở cho lời giải trùng tu Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Trong nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ trùng tu tháp Chăm, có thể nói Dự án hợp tác giữa Việt Nam - UNESCO và Ý giai đoạn 2003 - 2013 đã đóng góp đáng kể trong việc bảo tồn Khu đền tháp Mỹ Sơn. Từ việc phát hiện chất kết dính là dầu rái, vôi, bột gạch và kỹ thuật mài… cùng sự tận tâm tận lực của các nhà khoa học người Ý, nhiều tháp Chăm tại Mỹ Sơn đã giữ được sự cố kết, bền vững đến ngày nay. Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án, giải pháp về trùng tu tháp Chăm khác cũng được tiến hành. Chẳng hạn, Viện Khảo sát khảo cổ học Ấn Độ (ASI) với việc tìm ra nguyên nhân gây mủn gạch ở nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (Núi Thành) do ảnh hưởng của tầng nước ngầm để đề xuất giải pháp khắc phục. Hay công nghệ của Úc do Viện Bảo tồn di tích giới thiệu với phương pháp xử lý muối trên bề mặt di tích, hoặc dự án ứng dụng công nghệ nano từng được đề xuất thí điểm ở nhóm tháp Chiên Đàn…

Vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu

Tuy nhiên, ngoài tiếp thu phương pháp trùng tu của Ý, Ấn Độ… đến thời điểm này, Quảng Nam vẫn chưa có cách thức trùng tu riêng, trong khi mỗi phương pháp lại bộc lộ điểm yếu riêng. Ví như, đối với cách thức trùng tu của Ý thì tận dụng nguyên vật liệu địa phương, chất kết dính tại địa phương, con người tại địa phương, tính bền vững và màu sắc, tính liên kết phù hợp với di sản. Sự kết hợp giữa phương pháp hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của Đại học Milan (Ý) nhiều năm qua đã giúp không ít công trình tháp Chăm tại Mỹ Sơn đứng vững với thời gian. Tuy nhiên, trước sự xâm hại, tác động ngày càng dữ dội từ môi trường, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ các tia bức xạ mặt trời… đã phá vỡ mặt ngoài của các tháp, dẫn tới hiện tượng mủn gạch, đe dọa nghiêm trọng đến kết cấu và sự bền vững của các tháp Chăm. Trên thực tế, nhiều mảng tường ở tháp G bị lên mốc chỉ sau vài năm tu bổ, hiện tượng “ra muối” ở gạch trên thân tháp… là bài toán hóc búa.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín nhận định, nhiều năm qua, được sự giúp sức của nhiều tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước, Quảng Nam tập trung cho công tác bảo tồn, phục dựng nguyên trạng nhiều quần thể di tích Chăm. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp trên địa bàn tỉnh chỉ dừng ở mức độ gia cố, tái định vị các cấu kiện, phòng chống nguy cơ xâm hại từ tự nhiên... Còn nói về kỹ thuật trùng tu thì mỗi phương pháp đều bộc lộ điểm yếu riêng, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để chống sự xuống cấp của di tích. Do vậy, việc nghiên cứu giải pháp kỹ thuật bảo tồn di tích Chăm ở Quảng Nam là hết sức cấp bách và cần thiết. Đây cũng chính là công việc nhằm cụ thể hóa nội dung Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020. “Quan sát các tháp Chăm, dường như bên ngoài được phủ một lớp sơn chống tác động, bào mòn. Song, ngày nay nếu chúng ta cũng phủ lên một lớp sơn như người xưa thì sẽ làm mới di tích. Do đó cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp kỹ thuật phù hợp” - ông Nguyễn Chín nhấn mạnh.

Trùng tu công nghệ cao

Nỗ lực bảo quản bề mặt tháp Chăm nhằm kéo dài “tuổi thọ” di tích, chống lại sự xâm thực của thời gian, khí hậu và tác nhân tự nhiên khác là câu chuyện được giới khoa học trong và ngoài nước quan tâm thực hiện bằng hành động cụ thể. Từ chương trình hợp tác văn hóa giữa Việt Nam - Liên bang Nga, sau hơn 8 tháng triển khai nghiên cứu thí điểm ở một số tháp Chăm tại Mỹ Sơn, các chuyên gia Nga đã có những phát hiện mới, thúc đẩy nỗ lực giải mã tháp Chăm.

Theo GS-TS. Sergey Nefedkin (Đại học Năng lượng Matxcơva), Khu đền tháp Mỹ Sơn không chỉ là di sản lịch sử văn hóa của Việt Nam mà còn là của văn minh nhân loại. Vì thế, bảo vệ nó cho các thế hệ tương lai là nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng những thiết bị, công nghệ hiện đại. Việc áp dụng phương pháp phân tích năng lượng quang phổ giúp làm rõ các thành phần, nguyên tố của viên gạch, độ xốp và cứng của mẫu gạch Chăm. Dưới kính hiển vi điện tử, một phát hiện mới được đưa ra là có việc sử dụng nguyên liệu cát trong sản xuất gạch Chăm, ngoài đất sét. Trong các mẫu gạch còn phát hiện có tàn dư thực vật, cho thấy người xưa đã sử dụng các nguyên liệu thực vật trong sản xuất gạch. Khoáng sét không tan chảy ở mẫu gạch chứng tỏ nhiệt độ nung không cao, tầm 200 - 500 độ C… “Những phát hiện này hé mở lời giải trong việc lựa chọn giải pháp, công nghệ trùng tu tháp Chăm” - GS-TS. Sergey Nefedkin nói.

PGS-TS. Sergey Fedorovich - thành viên đoàn các nhà khoa học Nga chia sẻ thêm, việc ứng dụng công nghệ hóa xử lý bề mặt của những mẫu gạch và đưa nó về trạng thái tự nhiên, chọn lựa lớp sơn phủ kỵ nước lên mẫu đã được vạch ra. Việc làm này sẽ giúp chống lại sự xâm nhập của nước và hơi nước lên gạch Chăm. Sau đó, tiếp tục tôi bề mặt gạch, dùng nguồn nhiệt độ từ 850 - 900 độ C nung nóng bề mặt gạch giúp đông cứng, làm sạch bề mặt và chống lại tác nhân gây hại bên ngoài. Những mẫu gạch này sau đó sẽ được đưa về gắn ở các tháp Chăm để thử nghiệm tính bền vững dưới điều kiện khí hậu khắc nghiệt bên ngoài. Từ việc đánh giá kết quả mẫu ngoài thực địa, sẽ quyết định lựa chọn giải pháp, công nghệ phù hợp, áp dụng lên toàn bộ tháp.

* Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - Vũ Ngọc Hoàng:
“Câu chuyện tháp Chăm là vấn đề của cả nước, không riêng gì Quảng Nam. Do đó, việc sử dụng công nghệ cao vào trùng tu tháp Chăm là vấn đề sống còn. Song việc trùng tu không được làm trẻ hóa, làm giảm giá trị di tích, di sản. Mỹ Sơn là quần thể di tích lớn với 70 di tích, song đã biến mất 50 di tích, chỉ còn 20 di tích. Tôi nghĩ, dự án bảo tồn di tích Chăm ở Quảng Nam cần chú trọng đến việc tái hiện tháp A1 - linh hồn của tháp Chăm”.

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh:
“Hội thảo lần này là nỗ lực góp phần giải mã một vấn đề trước nay còn bỏ ngỏ, đó là mặt ngoài của tháp Chăm đã được người xưa xử lý, bảo quản thế nào để có thể đứng vững suốt nghìn năm và chúng ta sẽ làm gì để gia tăng sự bền vững cho bề mặt tháp. Chúng tôi hy vọng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu sẽ luận bàn và đưa ra hướng bảo quản, tu bổ các công trình kiến trúc Chăm bằng phương pháp tiên tiến và phù hợp nhất để ngăn chặn những tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao tính bền vững của di tích”.

* GS-TS. Nguyễn Quốc Sỹ (Đại học Năng lượng Matxcơva - Liên bang Nga):
“công nghệ xử lý muối từng được áp dụng song không khả thi vì gạch dày, tường dày 1m hoặc hơn 1m. Hơn nữa, Quảng Nam có bờ biển trải dài, xử lý muối tồn tại trong không gian, thẩm thấu vào gạch là không hề đơn giản. Với công nghệ nano, không khả thi vì cấu trúc gạch gồ ghề, có kẽ từ 10 - 12mm, bề mặt xốp, như vậy hiệu quả sẽ rất thấp. Với giải pháp công nghệ hóa chống thấm và công nghệ tôi bề mặt gạch, hy vọng sẽ mở ra hướng trùng tu mới và đem lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ, trùng tu tháp Chăm. Song tất cả chỉ có thể trả lời bằng thực tế thông qua việc gắn mẫu đã áp dụng giải pháp lên hiện trường, đánh giá thực địa. Bất kỳ giải pháp nào cũng cần phải giữ nguyên trạng di tích, vì vậy chúng tôi chỉ mới nghiên cứu trên những mẫu gạch rơi vãi, khi khả thi mới tiến hành nghiên cứu trên tháp chính.Bích Liên (ghi)

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực cứu tháp Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO