Nỗ lực đảm bảo đời sống người lao động

HOÀNG LIÊN 25/04/2023 06:36

Do ảnh hưởng của tình hình thế giới và dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp tại huyện Đại Lộc đối diện với thách thức mới, như khan hiếm đơn hàng, hàng tồn kho, cắt giảm nhân công…, đòi hỏi các cấp ngành chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Trong khó khăn chung, Công ty CP Prime Đại Lộc vẫn nỗ lực vượt khó, giữ chân hơn 800 lao động. Ảnh: T.NHAN
Trong khó khăn chung, Công ty CP Prime Đại Lộc vẫn nỗ lực vượt khó, giữ chân hơn 800 lao động. Ảnh: T.NHAN

Hoạt động cầm chừng

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự biến động trong và ngoài nước, tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp tại Đại Lộc gặp khó khăn, khi sức mua trên thị trường giảm, lượng hàng tồn kho lớn, đơn hàng bị cắt giảm...

Điều này khiến các nhà máy thu hẹp sản xuất, cắt giảm dây chuyền và nhân công lao động; trong đó, nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng, tác động nhiều hơn là nhóm ngành dệt may, da giày.

Xã Đại Quang có 7 doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp (CNN) và 2 doanh nghiệp nằm ngoài CCN.

Ông Hồ Quách Triều Đổng - Chủ tịch UBND xã Đại Quang thông tin, qua theo dõi sơ bộ, sau dịch COVID-19 đến nay, do khó khăn nên doanh nghiệp trong CCN hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất.

Như Công ty Hoàng Huy Hùng (ngành may mặc) hiện còn khoảng 30/80 công nhân so với trước; Công ty CP Prime Đại Lộc tiết giảm việc làm ở một số chuyền. Thậm chí, Công ty TNHH Chế biến cao su Đà Nẵng đã có kế hoạch tạm dừng hoạt động từ 6/2023, đồng nghĩa toàn bộ công nhân công ty sẽ mất việc làm.

“Việc cắt giảm giờ làm, việc làm tại một vài doanh nghiệp trên địa bàn xã ảnh hưởng tới người lao động là có, song vẫn chưa ở mức đáng lo ngại. Địa phương vẫn chưa tìm được giải pháp để hỗ trợ, kết nối tìm kiếm việc làm cho người lao động mất việc, bởi công ty giày da, may mặc ở Điện Bàn, Duy Xuyên và TP.Đà Nẵng cũng rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng” - ông Đổng nói.

Ông Đoàn Ngọc Trai - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đại Lộc chia sẻ, tại Đại Lộc, có một số doanh nghiệp cắt giảm chuyền may, cắt giảm việc làm từ sau tết tới nay. Như Công ty TNHH May Phú Tường, Công ty TNHH Dệt may Thái Liên Việt Nam, Công ty CP Dệt may Đại Cường…; một số doanh nghiệp cắt giảm lao động hợp đồng thời vụ.

Giữ chân lao động

Có 15 năm làm việc tại Công ty CP Prime Đại Lộc, anh Lê Viết Lai (thôn Hà Thanh, xã Đại Đồng) cho biết, mức thu nhập của anh tùy thuộc vào sản lượng làm ra, phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty. Do khó khăn chung, mức lương và thu nhập của người lao động nhìn chung có giảm so với trước.

“Chúng tôi yên tâm sản xuất bởi công ty dù đối diện với khó khăn chung vẫn nỗ lực đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động. Công ty có cắt giảm một vài chuyền sản xuất song không đáng kể. Công nhân đi làm đều đặn, thu nhập đảm bảo. Các chế độ, chính sách đối với người lao động, công ty vẫn giải quyết tốt như mọi năm” - anh Lai chia sẻ.

Ông Đoàn Ngọc Trai cho hay, ngoài nhóm ngành nghề may mặc, giày da, nhìn chung việc làm của công nhân tại các doanh nghiệp tại Đại Lộc vẫn ổn định. Nhiều doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất, giữ chân lao động lành nghề, lâu năm.

Như Công ty CP Prime Đại Lộc vượt khó, ổn định việc làm cho 860/880 lao động; Công ty TNHH Groz-Beckert vẫn giữ chân gần 900 lao động với mức lương, thu nhập ổn định.

Theo ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, UBND huyện dự kiến thời gian tới tổ chức một buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và tìm cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Những vấn đề thuộc phạm vi của tỉnh, huyện sẽ kiến nghị lên tỉnh hỗ trợ, giải quyết nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, tạo việc làm ổn định, bền vững cho người lao động địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực đảm bảo đời sống người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO