Nỗ lực đảm bảo nước tưới

VĂN HÀO 10/03/2015 09:26

Trước đợt nắng nóng kéo dài, ngành nông nghiệp huyện Phú Ninh khẩn trương lập phương án để đưa nước về đồng ruộng. Tại chân ruộng không chủ động được nguồn nước tưới, cây lúa đang gặp khó khi bước vào giai đoạn làm đòng.

Để cứu lúa, ông Trương Văn Thịnh (xã Tam Lộc) phải hút nước từ giếng ra tưới ruộng. Ảnh:VĂN HÀO
Để cứu lúa, ông Trương Văn Thịnh (xã Tam Lộc) phải hút nước từ giếng ra tưới ruộng. Ảnh:VĂN HÀO

Bơm nước ra đồng

Những ngày này, chính quyền và người dân xã Tam Lộc (Phú Ninh) gấp rút lắp đặt máy bơm, đường ống để dẫn nước từ đập Cốn về tưới 16,4ha lúa tại cánh đồng Nà Trai (thuộc thôn Đại Đồng). Âu lo là tâm trạng chung của nhiều nông dân khi lúa đang vào thời điểm đứng cái làm đòng nhưng ruộng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Thiện (thôn Đại Đồng) cho biết, những năm trước, khoảng tháng Giêng thì trời có nắng dịu chứ không khô hốc như năm nay khiến hơn 4 sào lúa của gia đình đang đối diện với nguy cơ sụt giảm năng suất. “Cây lúa bắt đầu xuất hiện hiện tượng vàng lá. Cánh đồng này do không chủ động nguồn nước nên mỗi năm chỉ làm được có một vụ đông xuân này. Nhiều người túc trực ngoài ruộng, đem máy bơm hút nước từ các ao, hồ lên với hy vọng cứu lúa nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu” - bà Thiện lo lắng.

Dự trù gần 2,5 tỷ đồng chống hạn

Để xây dựng phương án chống hạn sản xuất vụ mùa năm 2015, ngành nông nghiệp huyện Phú Ninh dự trù kinh phí cho công tác nạo vét kênh mương, khai thông mương lạch; xây dựng, tu bổ công trình thủy lợi chống hạn; tiền xăng dầu để bơm chống hạn; đào, khoan giếng… là gần 2,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn xin ngân sách tỉnh hỗ trợ là 1,83 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện hỗ trợ 345 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp.

Theo ông Lê Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lộc, vụ đông xuân này trên địa bàn xã gieo sạ 546ha, trong đó diện tích lúa dựa vào nước trời chiếm 140ha. “Để kịp thời đưa nước tưới về phục vụ cánh đồng Nà Trai - nơi đang gặp khó khăn nhất về nguồn nước, chúng tôi đang chuẩn bị triển khai việc bơm nước từ đập Cốn liên tục trong 7 ngày đêm. Ước tính kinh phí tiền dầu, dây ống nước, bảo trì máy móc… khoảng 17 triệu đồng. Ngoài ra, ở những nơi khác, việc nạo vét kênh mương, lòng suối cũng được địa phương thực hiện đồng bộ từ sau tết đến nay” - ông Tình nói. Tại Tam Lãnh, ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch UBND xã cho biết, 87ha lúa trên địa bàn cũng đang đối mặt với nguy cơ khô hạn, tập trung ở các thôn An Trung, Phước Lợi. “Năm 2014, do lượng mưa thấp nên một số đập thời vụ như đập Gành, Hố Ru, Đồng Bàu… có khả năng bị khô cạn, gặp khó khăn trong công tác chống hạn vào thời điểm cuối vụ. Còn hiện giờ, chúng tôi phối hợp cùng Ban nông nghiệp xã và chính quyền các thôn xuống hướng dẫn cụ thể các giải pháp như kiên cố hóa kênh mương, đắp đập bổi để người dân giữ nước, chống hạn” - ông Minh nói.

Lên phương án chống hạn

Gần một tuần nay, ông Trương Văn Thịnh (xã Tam Lộc) phải bắc dây ống nước câu nối từ giếng nhà ra cánh đồng cách đó vài chục mét để bơm nước cứu lúa, mỗi ngày bơm khoảng một tiếng đồng hồ. Cánh đồng nơi gia đình ông sản xuất cũng không chủ động được nguồn nước. Ông nói: “Nhà tui làm giống lúa Khang Dân ngắn ngày, gần 5 sào. Những vụ trước năng suất ổn định, thu được khoảng 200 ang lúa khô. Còn thời tiết năm nay rất khắc nghiệt, chân ruộng khô hạn nên tui phải tìm giải pháp hút nước để tạm thời cứu cây lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa”. Theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, tình trạng khô hạn, thiếu nước hiện tập trung ở các xã vùng tây như Tam Lộc, Tam Lãnh và một phần xã Tam Dân với khoảng 500ha. Tính chung toàn huyện, với hơn 3.500ha lúa vụ này thì có 2/3 diện tích lúa đang bước vào thời kỳ làm đòng. Do vậy, công tác đôn đốc kiểm tra, lập phương án chống hạn được các địa phương gấp rút triển khai.

Ngoài hệ thống kênh thủy lợi Phú Ninh, trên địa bàn huyện có 4 hồ chứa nước, 22 đập dâng, 7 trạm bơm. Ông Trần Ngọc Bằng - Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, mùa mưa năm 2014 không xuất hiện lũ lớn nhưng các đợt mưa vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đã bổ sung lượng nước đáng kể cho các hồ đập. Hiện nay, hầu hết hồ đập cơ bản tích đủ nước theo yêu cầu. “Chúng tôi đã lập kế hoạch hành động cụ thể để đối phó với hạn hán. Ở những vùng sản xuất bằng nước trời, các địa phương triển khai dùng máy bơm dầu phục vụ công tác chống hạn, đồng thời vận động nhân dân khoan giếng để phục vụ nước tưới cho cây trồng cạn. Còn những nơi chủ động được nguồn nước, công tác sản xuất nông nghiệp vẫn đang được đảm bảo” - ông Bằng nói.

Tuy nhiên cũng theo ông Bằng, nếu tình trạng nắng nóng như thời điểm hiện nay liên tục kéo dài thì ngành nông nghiệp của địa phương sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Trong đó hệ thống kênh tưới ở khu vực phía bắc đã xuống cấp nặng, không đảm bảo tải nước, một số tuyến kênh đã được bê tông nhưng có khu tưới xa nên sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước ở vùng sản xuất cuối kênh như kênh N10A/8 (Tam An, Tam Đàn), N10 (Tam An), N2B (Tam Thái, Tam Đại)... Các công trình hồ đập vừa và nhỏ ở các xã vùng tây như đập Thọ Đức (Tam Lộc), đập Đá, Hố Lau (Tam Dân), Vực Voi (Tam Lãnh)… có khả năng bị cạn kiệt nếu không có đợt mưa bổ sung.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực đảm bảo nước tưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO