Nỗ lực để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới (NTM) đạt được, hướng đến mục tiêu lên phường vào năm 2020 của xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn) còn gặp nhiều thách thức.
Tuyến ĐH2.ĐB đã quá tải, lại quanh co mất an toàn giao thông.Ảnh: C.TÚ |
Củng cố xã NTM
Cuối năm 2016, người dân Điện Phương hân hoan đón chào sự kiện xã đạt chuẩn NTM. Đây là động lực để địa phương tiếp tục đầu tư cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Kiên định mục tiêu đặt ra, địa phương đang tập trung giữ vững, nâng cao các tiêu chí đã đạt, đặc biệt là phát triển du lịch đúng quy hoạch, tạo điểm nhấn cho thị xã Điện Bàn. Cũng cuối năm 2016, tỉnh đã công nhận làng du lịch cộng đồng Triêm Tây. Chủ tịch UBND xã Điện Phương - ông Lê Đức Thu cho hay, địa phương thống nhất cho 7 dự án đầu tư vào Triêm Tây (chưa tính dự án của kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc), trong đó có 2 dự án đang xúc tiến đầu tư. Mạch nguồn của du lịch còn lan tỏa ra các thôn Triêm Đông, Triêm Nam 2. Ở làng Đông Khương, cụm tiểu thủ công nghiệp - thủ công mỹ nghệ hình thành sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, đầu tư. Với sự quan tâm của các cấp, danh tiếng các làng nghề đúc đồng Phước Kiều, gốm Lê Đức Hạ hay chạm khảm gỗ Nguyễn Văn Tiếp sẽ còn bay xa.
Sự phát triển của thương mại dịch vụ - du lịch đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân Điện Phương. Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 35 triệu đồng, nay tăng lên tới 40 triệu đồng. Toàn bộ 4 trường học (1 THCS, 2 tiểu học, 1 mẫu giáo) đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Để giữ chuẩn sau 5 năm, cấp trên tiếp tục hỗ trợ 4 tỷ đồng nhằm nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp giáo dục.
Nằm ở vùng giáp ranh với Duy Xuyên và Hội An, trên địa bàn sôi động về dịch vụ du lịch, vì vậy Điện Phương được xác định là xã trọng điểm về an ninh - quốc phòng. Ngoài một tiểu đội dân quân thường trực được duy trì, xã còn củng cố, xây dựng 11 đội dân phòng hoạt động bằng nguồn vận động từ nhân dân và ngân sách xã (chi mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ trực đêm). Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân sự và công an đã góp phần giữ vững an ninh trật tự.
Thách thức cần vượt qua
Trong quá trình giữ chuẩn và nâng cao các tiêu chí NTM, xã Điện Phương ưu tiên đầu tư xây dựng mô hình “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” tại các thôn Triêm Nam 1, Triêm Nam 2, Triêm Tây. Cuối năm 2017, thôn Triêm Nam 1 được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”. Hướng về tương lai, vùng đất của dinh trấn Thanh Chiêm xưa phấn đấu đến năm 2020 được lên phường. Theo lãnh đạo xã, khoảng thời gian không còn dài, địa phương sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục, rà soát lại các tiêu chí để nỗ lực thực hiện đề án xây dựng xã thành phường theo nghị quyết HĐND thị xã Điện Bàn. Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cạnh đó, phối hợp đề xuất các phương án lập quy hoạch chi tiết khu du lịch Sông Đầm - Đông Bình (thôn Triêm Đông 2). Xã còn động viên, khuyến khích nhân dân giữ vững, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống, gắn với du lịch ẩm thực như mì quảng Phú Chiêm, bê thui Cầu Mống, ốc hút Hạnh...
Để đạt mục tiêu đề ra, Điện Phương cần tiếp tục nâng cao các tiêu chí xã NTM, trước mắt là về đích xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” tại các thôn Triêm Nam 2 và Triêm Tây. Có lộ trình cụ thể giảm tỷ lệ hộ nghèo (hiện còn 1,97%) và hộ cận nghèo (còn 2,07%) một cách bền vững.
Nằm ở vùng thường xuyên bị bão lụt đe dọa, các phương án ứng phó thiên tai cần được chuẩn bị kỹ càng, nếu lơ là thì thành quả khó mà giữ vững. Một thách thức khác mà Điện Phương đang phải đối mặt đó là tình trạng quá tải, xuống cấp của tuyến giao thông huyết mạch ĐH2.ĐB qua trung tâm hành chính xã. Cung đường này kết nối giữa tuyến ĐT608 (Cống Đá) với quốc lộ 1 cũ (chợ Tổng). “Đầu mỗi buổi sáng và cuối giờ chiều, xe cộ qua lại trên đường đông nườm nượp. Thấy mấy cháu học sinh đi học chen chúc nhau mà tội nghiệp, sợ xảy ra tai nạn chứ chẳng chơi” - bà Mười, một người dân thôn Thanh Chiêm kể.
Được biết, bề mặt ĐH2.ĐB hiện trạng rộng chỉ có 4m, chạy quanh co, nhiều chỗ hư hỏng. Trong khi đó, cung đường có rất đông công nhân lao động tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, các cụm công nghiệp khác ở vùng đông Điện Bàn, rồi TP.Hội An đi lại. Chưa kể, xe du lịch, ô tô tải các loại thường xuyên lưu thông khiến tình hình thêm rối ren, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Cử tri kiến nghị các cấp nhiều năm qua, kể cả đại biểu Quốc hội nhưng chưa được đầu tư mở rộng. “Đây là trục đường chiến lược không chỉ riêng của địa phương, rất mong các cấp quan tâm đầu tư mở rộng sớm. Có như vậy, tuyến đường mới đáp ứng được tiêu chí về giao thông của một phường” - ông Lê Đức Thu kiến nghị.
CÔNG TÚ