Nỗ lực đột phá để phát triển

TRỊNH DŨNG - NGỌC ÁNH 21/10/2013 09:08

Gia tăng năng lực điều hành để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng môi trường đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng đạt kế hoạch vào năm 2015 là định hướng được đặt ra tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 16 (khóa XX) tổ chức ngày 18.10.

  • Bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
  • Khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực  lớn trong đầu tư hạ tầng công nghiệp. Ảnh: DOÃN HOÀNG
Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực lớn trong đầu tư hạ tầng công nghiệp. Ảnh: DOÃN HOÀNG

Tăng trưởng trong “khung cửa hẹp”

Báo cáo của UBND tỉnh tại hội nghị cho thấy trong nửa nhiệm kỳ qua, kinh tế có sự chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3 năm (2011-2013) là 11,75%. Tổng thu nội địa tăng bình quân khoảng 16%/năm, từ 2.770 tỷ đồng năm 2010 lên khoảng 4.325 tỷ đồng năm 2013. Cơ cấu nguồn thu ngân sách bước đầu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các nguồn thu ổn định từ nền sản xuất trên địa bàn. Trong vòng 3 năm qua, nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được huy động ngày càng đa dạng. Ngoài ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ chốt, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, nhân dân đã đóng góp nhiều nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân hơn 9%/năm. Kết cấu hạ tầng đồng bộ giao thông, thủy lợi, các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội đô thị, nông thôn, y tế... đã được đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, để hoàn thành kế hoạch 3 mũi đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh thứ XX thì mục tiêu phát triển công nghiệp là quan trọng, nhưng phải biết từ chối dự án công nghiêp ô nhiễm, tiến hành liên kết kinh tế với các địa phương liên vùng. Tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn, điều chỉnh cơ chế đầu tư, tạo cơ sở hạ tầng kinh tế động lực vùng Đông, giải tỏa những điểm nghẽn về hạ tầng. Quan trọng nhất là chống tư duy bao cấp, tăng cường huy động nguồn ngân sách, tạo ra những sản phẩm du lịch, công nghiệp có đẳng cấp...

Trên bình diện phát triển nguồn nhân lực, nhiều chương trình, đề án đã được triển khai, từ giáo dục, y tế đến đào tạo nghề. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đã hướng tới cơ cấu hợp lý, đủ cung ứng cho các ngành kinh tế mũi nhọn tỉnh. Số bác sĩ đã tăng dần qua các năm (từ 4,7 bác sĩ/vạn dân năm 2010 lên 5,6 bác sĩ/vạn dân năm 2013). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề dự kiến sẽ lên 36,6% cuối năm 2013 so với 31,5% năm 2010. Cơ cấu lao động phi nông nghiệp chiếm hơn 45%, lao động nông nghiệp dưới 55% trong tổng số lao động. Bình quân mỗi năm chuyển dịch 1,4% lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. “Nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ đã được tập trung cho những công trình, dự án trọng điểm. Chất lượng nguồn nhân lực được chú trọng, môi trường đầu tư đã chuyển biến tích cực. Năng lực sản xuất của nhiều ngành kinh tế phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển biến, duy trì mức tăng trưởng khá, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được cải thiện... Kết quả này chính là sự nỗ lực tăng cường phát huy 3 mũi đột phá trong vòng ba năm qua” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.

Gia tăng nỗ lực điều hành

Theo nhận định của đại biểu các ngành và địa phương tham dự hội nghị, tốc độ tăng trưởng của 3 năm (2011-2013) thấp hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 5 năm trước (2006-2010) và thấp hơn chỉ tiêu đề ra khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 41.450 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% tổng nhu cầu vốn cần huy động cho cả giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ bình quân vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP chiếm gần 36%, nhưng tỷ lệ này đã giảm dần từ 40% năm 2011 xuống còn 36% năm 2012 và dự kiến chỉ ở mức 33% năm 2013. Nguồn vốn đầu tư Nhà nước chiếm hơn 70%, tăng bình quân 9,2%, nguồn FDI chỉ chiếm 7% (2.900 tỷ đồng) tổng vốn đầu tư toàn xã hội và các dự án NGO hầu hết nâng cao năng lực cộng đồng nhưng vốn đầu tư không lớn. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm chỉ 11,75% thay vì 13,5%, huy động vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt 9% thay vì 14%, thu phát sinh kinh tế chỉ 16% so với 25% và chỉ 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ một chỉ tiêu có tốc độ tăng bình quân cao hơn chỉ tiêu đề ra là giá trị xuất khẩu 32/22%. Thu nhập bình quân đầu người có khả năng vượt vào năm 2015 và chuyển dịch cơ cấu cần phải nỗ lực hơn nữa mới có thể đạt chỉ tiêu vào năm 2015...

Phát triển hạ tầng các khu kinh tế, đào tạo nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư là những giải pháp chính để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.                                                                                                                                                                                                                                            Ảnh: T.D
Phát triển hạ tầng các khu kinh tế, đào tạo nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư là những giải pháp chính để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: T.D

Tại hội nghị, có nhiều ý kiến cho rằng, để đạt kế hoạch theo nghị quyết đề ra trong bối cảnh nguồn lực hạn chế rất cần năng lực điều hành của chính quyền và sự vận động của mọi thành phần kinh tế. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - xã hội trên cơ sở phù hợp yêu cầu của thị trường, khai thác được lợi thế tự nhiên, kinh tế của từng vùng. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả loại hình doanh nghiệp phát triển. “Không có nguồn lực thì chắc chắn đầu tư thiếu hiệu quả. Chính quyền sẽ đầu tư tạo động lực ban đầu để huy động vốn đầu tư. Nguồn vốn sẽ dành đầu tư cho các công trình trọng điểm giao thông để khai thông các tuyến huyết mạch, thu hút đầu tư. Không thu hút đầu tư bằng mọi giá và kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm để tránh hậu quả cho mai sau” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.

* Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Bùi Quốc Đinh: Nguồn lực có hạn khó đạt yêu cầu tăng trưởng

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020, Thành ủy Tam Kỳ đã kịp thời ban hành chương trình hành động, chỉ đạo UBND thành phố ban hành đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Đến nay, trong số 166 cán bộ, công chức của thành phố thì người có trình độ thạc sĩ chiếm 12,6%. Về kết cấu hạ tầng đô thị, 3 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 2 nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn. Thành phố cũng đang tập trung hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chung đô thị thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Nhiều công trình văn hóa, giáo dục, y tế, khu dân cư được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu dân sinh. Đột phá về nguồn nhân lực của thành phố đến nay là đạt kết quả khá tốt, thậm chí vượt chỉ tiêu. Riêng về đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị, do nhu cầu quá lớn trong khi nguồn lực có hạn nên chưa đạt theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

* Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Tri: Tư duy phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới

Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh vẫn còn tồn tại yếu kém: thiếu tính kết nối, chất lượng các công trình chưa tốt, xuống cấp nhanh, công tác quản lý, khai thác, sử dụng, còn yếu, hiệu quả thấp. Tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới. Nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động hết sự tham gia đóng góp từ nhân dân và doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, đầu tư không đồng bộ, thiếu nhất quán, thiếu nguồn vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm (đường Nam Quảng Nam, đường ven biển, cầu Cửa Đại, các tuyến đường ĐT); khả năng huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn…

* Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang: Huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Trong 3 năm qua, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, những tiến bộ khoa học công nghệ về giống mới, các giải pháp mới trong sản xuất và tốc độ cơ giới hóa tăng nhanh đã tạo bước phát triển mới về tăng năng suất lao động nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất...

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà mức độ triển khai và kết quả đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết chưa như mong muốn. Để đạt được một số chỉ tiêu quan trọng cần sự nỗ lực cao trong 2 năm còn lại, không chỉ ở quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân mà đòi hỏi những ưu tiên trong phân bổ đầu tư công với cơ cấu hợp lý và huy động đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư xã hội cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

* Bí thư Huyện ủy Tây Giang Briu Liếc: Ưu tiên đầu tư những xã, thôn khó khăn

Tình hình đầu tư xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn do ngân sách nhà nước bị cắt giảm nhiều nên tiến độ thi công một số công trình chậm. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn nhiều vướng mắc, nhất là công trình tuyến đường lên 4 xã vùng cao của Tây Giang. Kết cấu hạ tầng các xã vùng cao còn yếu kém… Các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho nhân dân được chú trọng, song vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn; một bộ phận nhân dân vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ vào các chính sách, chế độ từ Nhà nước…  Tây Giang sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó chú trọng phát triển giao thông nông thôn và các công trình phục vụ dân sinh. Thực hiện đầu tư có trọng điểm, không dàn trải và ưu tiên những xã, thôn khó khăn. Trịnh Dũng  - Ngọc Ánh (lược ghi)

TRỊNH DŨNG - NGỌC ÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực đột phá để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO