Nỗ lực đưa nước về đồng

NGUYỄN VĂN SỰ 09/12/2013 11:49

Hiện nay tất cả hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã tích đủ nước, đảm bảo cung ứng cho cây trồng trong vụ sản xuất đông xuân 2013-2014 sắp tới. Tuy nhiên, do hệ thống kênh mương, đập bổi... bị hư hỏng nghiêm trọng trong bão lũ nên thời điểm này nhiều địa phương, đơn vị đang huy động mọi nguồn lực gia cố tạm thời để đưa nước về đồng.

Thừa nước

Hồ chứa Vĩnh Trinh (huyện Duy Xuyên) có tổng dung tích 21 triệu mét khối nước, phục vụ tưới 750ha đất canh tác lúa của xã Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trinh. Đầu vụ hè thu vừa qua, do nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến hồ chứa này tụt giảm hơn 7 triệu mét khối nước. Vì thế hàng loạt chân ruộng ở 3 địa phương vừa nêu bị khô hạn nặng, nhất là giai đoạn lúa trổ đòng rộ. Ông Nguyễn Phước Năm – Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Duy Xuyên cho biết, từ cuối tháng 8 đến nay, nhờ trời liên tục có mưa nên hiện hồ Vĩnh Trinh đã tích đủ 21 triệu mét khối nước, thừa sức cung ứng cho 750ha đất lúa trong vụ đông xuân. Ông Năm nói: “Không chỉ hồ Vĩnh Trinh, thời điểm này hồ chứa Thạch Bàn, Phú Lộc và các hồ chứa nhỏ, đập dâng trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã tích đầy nước. Vì vậy vụ tới chuyện thiếu nước tưới đối với 3.800ha lúa, 800ha bắp, 3.200ha rau đậu các loại ở 14 xã, thị trấn trong toàn huyện chắc sẽ không xảy ra”.

Khẩn trương ra quân nạo vét kênh mương để phục vụ sản xuất.
Khẩn trương ra quân nạo vét kênh mương để phục vụ sản xuất.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2013-2014 ngoài việc gieo trồng 9.450ha đậu phụng, 6.000ha bắp và hơn 25.000ha cây trồng cạn thì nông dân toàn tỉnh sẽ triển khai xuống giống 42.500ha lúa. Ông Võ Văn Điềm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay tất cả 73 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ của Quảng Nam đã tích đủ nước. Ông Điềm nói: “Năm ngoái, do nắng nóng khốc liệt, lượng mưa quá ít nên khi bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân thì hơn 75% số hồ chứa không tích đủ nước, trong khi đó dòng chảy các con sông lại giảm mạnh khiến đồng ruộng nhiều nơi bị khô hạn. Bây giờ, tình hình đã khả quan, vì thế vấn đề nước tưới cho vụ đông xuân này không còn là nỗi lo canh cánh”. Mặc dù thời điểm này nước tại các hồ chứa đang rất dồi dào nhưng theo ông Điềm thì vụ đông xuân tới các đơn vị liên quan và nông dân vẫn phải áp dụng hiệu quả những biện pháp tưới tiết kiệm để chủ động dự trữ nguồn cho vụ sản xuất hè thu 2014...

Huy động mọi nguồn lực

Thời gian qua, lũ lớn liên tục xảy ra khiến 2 tuyến kênh bê tông chính có tổng chiều dài 700m thuộc trạm bơm Đại Lợi và Gò Gũ ở xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) bị sạt lở nghiêm trọng. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp huyện đang đôn đốc chính quyền địa phương khẩn trương huy động nhân dân ra quân khắc phục nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho khoảng 100ha đất canh tác lúa trong vụ đông xuân sắp tới. Ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết: “Do không có nguồn kinh phí để sửa chữa nên hiện nay chúng tôi đưa ra phương án là đan trục trịch tre gia cố tạm thời những điểm bị sạt lở trên 2 tuyến kênh trọng yếu ấy. Do vậy, thời gian tới chắc chắn việc tải nước từ trạm bơm về đồng ruộng sẽ gặp rất nhiều trở ngại, trong đó không loại trừ khả năng kênh bị vỡ”.

Nông dân Đại Lộc đang dốc sức khơi thông dòng chảy. Ảnh: VĂN SỰ
Nông dân Đại Lộc đang dốc sức khơi thông dòng chảy. Ảnh: VĂN SỰ

Những đợt bão lũ vừa qua cũng làm 200 tuyến kênh mương chính và nội đồng khác tại rất nhiều nơi trên địa bàn huyện Đại Lộc bị bồi lấp, sạt lở với tổng khối lượng 22 nghìn mét khối đất đá. Ngoài ra, lạch dẫn nước và bể hút của tất cả 51 trạm bơm điện do UBND 18 xã, thị trấn quản lý cũng bị bồi lấp nghiêm trọng. Ông Mẫn nói: “Bây giờ muốn đầu tư sửa chữa và nạo vét hệ thống kênh mương, bể hút các trạm bơm điện ấy thì cần phải có ít nhất 2,2 tỷ đồng. Do ngân sách huyện quá khó khăn, khả năng tài chính của chính quyền cơ sở và phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp lại rất eo hẹp nên không thể gánh nổi. Vì thế, mới đây UBND huyện Đại Lộc đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí”. Theo ông Mẫn, trong khi chờ sự chi viện của tỉnh, hiện nay ngành nông nghiệp huyện và lãnh đạo các địa phương đang tích cực vận động người dân tập trung nạo vét các tuyến kênh, bể hút bị cát đá bồi lấp bằng phương thức thủ công. Đồng thời dùng trục trịch tre và đất gia cố những điểm bị xói lở. “Vụ sản xuất đông xuân đã cận kề, nếu bây giờ không quyết liệt ra quân khắc phục tạm thời mà cứ ngồi chờ tiền hỗ trợ từ cấp trên thì vấn đề nước tưới cho 4.400ha lúa và 2.500ha rau màu trong thời gian tới sẽ hết sức nan giải” – ông Mẫn nói.

Đề nghị hỗ trợ kinh phí để tu sửa hệ thống thủy lợi
Ông Huỳnh Hoàng – Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, những đợt lũ vừa qua đã khiến hàng loạt tuyến kênh mương và các công trình đầu mối do đơn vị này quản lý bị xói lở, bồi lấp với tổng khối lượng 81.500 mét khối đất đá. Tuy nhiên vì quá eo hẹp về tài chính nên đến nay đơn vị vẫn chưa thể tiến hành sửa chữa, gia cố, nạo vét những hệ thống thủy lợi bị bồi lấp, hư hỏng do thiên tai gây ra. Theo dự kiến, muốn khôi phục lại phải tốn 11,5 tỷ đồng, lãnh đạo đơn vị vừa có tờ trình đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ 8 tỷ đồng để khẩn trương thực hiện nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng...
Ông Võ Văn Điềm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì cho biết: “Mấy ngày qua về nhiều địa phương, nhất là các vùng bị lũ tàn phá nặng, chúng tôi thường nghe than phiền về chuyện thiếu tiền để khôi phục lại hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất đông xuân. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí Trung ương chi viện không nhiều nên dự kiến bình quân mỗi huyện, thành phố chỉ được hỗ trợ khoảng 500 - 700 triệu đồng. Số tiền này không chỉ dành riêng cho việc sửa chữa các công trình thủy lợi mà còn phải trích ra gia cố những tuyến đường giao thông bị hư hỏng”.

Vụ đông xuân tới huyện Bắc Trà My sẽ xuống giống 785ha lúa, 450ha bắp và hàng trăm héc ta rau màu các loại. Mặc dù đã được tỉnh và huyện hỗ trợ 44 tấn giống lúa, 3,3 tấn giống bắp, 1.232kg hạt giống rau nhưng hiện nay nông dân địa phương vẫn chưa hết lo. Thời gian qua mưa lũ đã làm sạt lở, bồi lấp 4 tuyến kênh chính ở xã Trà Giang, Trà Dương, Trà Tân, thị trấn Trà My và khiến 18 đập dâng, đập bổi tại nhiều nơi bị hư hỏng rất nặng. Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu – Trưởng phòng NN&PTNT Bắc Trà My, bây giờ muốn khôi phục lại hệ thống thủy lợi thì cần phải có không dưới 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách huyện hạn chế nên đang trông chờ vào sự trợ giúp của tỉnh và các bộ ngành liên quan. Ông Thiệu nói: “Để nông dân gieo trồng theo đúng lịch thời vụ, những ngày qua chúng tôi đã huy động tổng lực ra quân nạo vét và sửa chữa tạm thời các tuyến kênh bị bồi lấp, sạt lở. Đồng thời chi viện khẩn cấp cho chính quyền các địa phương rất nhiều rọ sắt để gia cố những đập bổi, đập dâng bị xói lở. Cạnh đó, mua hơn 2 nghìn mét ống nhựa loại lớn hỗ trợ nông dân lắp đặt để dẫn nước từ các khe suối về tưới cho đồng ruộng”.

Tại huyện Điện Bàn, theo ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng NN&PTNT huyện, do nằm sát sông nên trong cơn lũ lớn xảy ra hồi giữa tháng 11 vừa qua bể hút của trạm bơm Nam Hà 1 (xã Điện Trung), Tư Phú (xã Điện Quang), Bến Hục (xã Điện Thọ) bị cát đá bồi lấp rất nghiêm trọng. Nếu không triển khai nạo vét, khơi thông kịp thời thì gần 450ha đất canh tác lúa và chuyên canh cây trồng cạn ở 3 địa phương trên bị thiếu nước tưới trong vụ đông xuân tới là điều khó tránh khỏi. Ngoài các trạm bơm vừa nêu thì hiện nay trên địa bàn huyện cũng có 17 tuyến kênh mương bị sạt lở, bồi lấp với tổng khối lượng 12.400 mét khối đất đá. Nếu muốn khắc phục tình trạng trên thì phải bỏ ra 4,7 tỷ đồng, nhưng cũng giống như nhiều địa phương khác, kinh phí của huyện rất eo hẹp. “Để có nước cho nông dân sản xuất 5.700ha lúa, 1.000ha bắp, 4.800ha cây công nghiệp ngắn ngày, trước mắt chúng tôi đề nghị chính quyền các địa phương và hợp tác xã nông nghiệp huy động lực lượng ra quân nạo vét những tuyến kênh, bể hút bị bồi lấp với phương châm càng nhanh càng tốt” – ông Chơi nói.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực đưa nước về đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO