Lâm nghiệp

Nỗ lực giảm thiểu bẫy thú rừng

LÊ MỸ 06/06/2024 09:40

(QNO) - Với sự hỗ trợ từ các dự án phi chính phủ, việc tháo gỡ bẫy thú trong các khu bảo tồn ở miền Trung đã hạn chế đáng kể mối nguy tận diệt thú rừng, góp phần chống suy giảm đa dạng sinh học.

bay-thu-2.jpg
Cán bộ Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam phát hiện, tháo gỡ bẫy trong quá trình tuần tra. Ảnh: H.Q

Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam có diện tích vùng lõi hơn 15.486,4ha, vùng đệm hơn 35.135,4ha, trải dài trên 2 huyện Đông Giang và Tây Giang. Nơi đây hệ động, thực vật rất phong phú, trong đó có một số loài đặc hữu quý hiếm và nguy cấp như mang lớn, mang Trường Sơn, cầy vằn, thỏ vằn Trường Sơn, trĩ sao, vọoc chân xám và chân nâu và một số loài gà lôi. Dù công tác tuyên truyền, chuyển đổi sinh kế triển khai bằng nhiều hình thức, song tình trạng bẫy bắt động vật rừng vẫn thường xuyên diễn ra ở khu vực này.

Ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ bẫy thú giảm rõ rệt so với thời điểm cách đây hơn 10 năm. Riêng năm 2023, cán bộ khu bảo tồn phát hiện, tháo gỡ 1.500 chiếc bẫy, giảm khoảng 3.500 bẫy so với những năm trước. Trong đó, phổ biến vẫn là các loại bẫy dây.

bay-thu-3.jpg
Bẫy dây là mối đe dọa với các loài động vật rừng. Ảnh: H.Q

Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), bẫy dây là một phương pháp săn bắt sử dụng các mũi neo bằng dây để bẫy các loài không chọn lọc. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến quần thể động vật hoang dã suy giảm ở các khu rừng nhiệt đới. Do công sức, chi phí đặt bẫy thấp lại có thể duy trì hoạt động trong nhiều tháng nên lượng bẫy giăng ra ở các khu bảo tồn rất nhiều và có hiệu quả cao để bắt các loài thú rừng.

Một cuộc khảo sát khoa học gần đây đã phát hiện rằng bẫy dây đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng đến hệ động vật ở Đông Nam Á hơn tình trạng suy thoái rừng. Ở dãy Trường Sơn nằm giữa biên giới Việt Nam và Lào, bẫy dây đã đẩy nhiều loài đặc hữu sống trên cạn đến bờ vực tuyệt chủng.

bay-thu-5.jpg
Hàng nghìn chiếc bẫy được Khu bảo tồn sao la tỉnh Quảng Nam phát hiện, tháo gỡ. Ảnh: H.Q

Hơn 11 năm qua, WWF Việt Nam và các cấp chính quyền đã hỗ trợ loại bỏ gần 120 nghìn bẫy tại Khu bảo tồn sao la tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Dữ liệu thu thập từ các cuộc tuần tra của lực lượng kiểm lâm tại khu vực này chỉ rõ, nỗ lực tăng cường tháo gỡ bẫy đã giúp số lượng bẫy giảm 40%.

Chúng tôi nhận thấy khu vực tăng cường tuần tra thì số lượng bẫy có thể giảm đi. Việc tuần tra có tác dụng ngăn chặn nạn đặt bẫy trong tương lai. Đây là một phương pháp quan trọng để chống lại cuộc khủng hoảng bẫy dây ở Đông Nam Á.

Ông Jurgen Niedballa - Chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu vườn thú và động thực vật hoang dã Leibniz (Đức)

Việc gỡ bẫy mất nhiều công sức và tốn kém vì các kiểm lâm viên phải đi bộ xuyên rừng dài ngày, vượt địa hình đồi núi hiểm trở. Song, giải pháp này đem lại hiệu quả, nhất là những khu vực dễ tiếp cận.

bay-thu-6.jpg
Nhân viên bảo vệ rừng vất vả tuần tra, tháo gỡ bẫy trong ngày mưa. Ảnh: H.Q

Đáng nói, hiện mức độ đặt bẫy vẫn chưa thấy có dấu hiệu giảm ở những khu vực rừng xa xôi, hẻo lánh. Ông Lương Viết Hùng - Quản lý Hợp phần các khu bảo tồn Dự án CarBi II thuộc WWF Việt Nam cho biết, việc phân tích dữ liệu không gian để quản lý khu vực giám sát rất quan trọng. Điều này giúp lãnh đạo các khu bảo tồn nắm bắt sự phân bố của bẫy để điều phối hoạt động tuần tra.

[VIDEO] - Phát hiện, tháo gỡ bẫy thú đặt bên bờ suối - nơi động vật rừng thường xuyên qua lại:

Theo ông Nguyễn Văn Trí Tín - Quản lý chương trình Bảo tồn động vật hoang dã của WWF Việt Nam, chỉ dựa vào việc loại bỏ bẫy sẽ không đủ để giải quyết mối đe dọa trên quy mô lớn. WWF Việt Nam đang phối hợp với các đối tác bảo tồn để thực hiện các sáng kiến bảo tồn toàn diện. Trong đó tập trung bổ trợ việc tháo gỡ bẫy bằng các giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu, chẳng hạn hợp tác xuyên biên giới trong việc giải quyết nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp; các chương trình cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi.

“Bằng việc gia tăng những nỗ lực này, chúng ta có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề và giúp cho các khu rừng tại Trung Trường Sơn trở thành nơi cư trú an toàn cho các loài động vật hoang dã” – ông Tín nói.

[VIDEO] - Mang Trường Sơn mắc bẫy nhiều ngày và bị thương nặng được cán bộ giải cứu kịp thời:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực giảm thiểu bẫy thú rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO