Phước Sơn đang tích cực triển khai nhiều chương trình, việc làm cụ thể để kéo giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phước Sơn, một huyện miền núi với hơn 70% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại. Ở các bản làng xa xôi thuộc các xã vùng cao Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Thành của huyện Phước Sơn số trường hợp tảo hôn hằng năm vẫn ở mức cao, đa số là người dân tộc Bh’noong. Theo thống kê của UBND xã Phước Chánh, năm 2016 địa phương có 12 trường hợp tảo hôn. Tảo hôn dẫn đến hậu quả mang thai sớm và sinh đẻ trong lứa tuổi chưa thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi và tỷ lệ tử vong của trẻ. Chị Hồ Thị Nhương, cán bộ dân số xã Phước Chánh cho hay: “Các trường hợp tảo hôn dưới 18 tuổi thì kiến thức nuôi con không có, cho nên trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng và thường bay bị bệnh tật. Cán bộ dân số xã thường xuyên phối hợp với Mặt trận, đoàn thanh niên, phụ nữ để vận động các em, nhất là các em nữ dưới 18 tuổi không được lấy chồng sớm”.
Để hạn chế tình trạng này, Ban Dân tộc tỉnh vừa tổ chức buổi tập huấn tuyên truyền về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” cho cán bộ, nhân dân và người có uy tín tại xã Phước Chánh. Nội dung gồm: nghiêm cấm kết hôn cận huyết thống trong phạm vi ba đời; nghiêm cấm kết hôn giữa bố, mẹ và con nuôi; nghiêm cấm kết hôn giữa bố, mẹ chồng hoặc bố, mẹ vợ với con dâu và con rể... Tham gia buổi tập huấn tại địa phương, già làng Hồ Văn Miên, thôn 1, xã Phước Chánh, chia sẻ: “Mình vận động con cháu không nên cưới vợ, cưới chồng sớm vì sinh con ra không mạnh khỏe. Già làng trước đây cũng triển khai họp thôn tuyên truyền cho bà con về tác hại của việc tảo hôn”. Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết thêm: “Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn còn diễn ra mặc dù địa phương và các ngành đã vào cuộc quyết liệt. UBND huyện cũng đã ban hành nghị quyết về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, xác định các đối tượng cần tập trung tuyên truyền chính là thanh, thiếu niên, các già làng trưởng bản, các hệ thống chính trị ở các địa phương. Thông qua lực lượng này để vận động, phổ biến pháp luật đến các em trong độ tuổi vị thành niên nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện”.
Theo ông Hồ Thanh Tân - Phó ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2010-2015 có hơn 1.500 trường hợp tảo hôn, 101 trường hợp hôn nhân cận huyết trong toàn tỉnh. Năm nay, UBND tỉnh lên kế hoạch giao cho Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì phối hợp với các địa phương, các cơ quan ban ngành để tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn ngừa các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. “Vừa qua chúng tôi đã tổ chức khảo sát, nắm lại tình hình trên địa bàn các huyện vùng cao để có báo cáo cụ thể cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Theo đó sẽ biên soạn, in ấn tờ rơi, tập gấp trên cơ sở Luật Hôn nhân và gia đình để phát đến các xã. Đồng thời tổ chức các chương trình tập huấn cho cán bộ chủ chốt của huyện, xã, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và các cán bộ trực tiếp làm việc ở cơ sở như dân số, y tế để tuyên truyền giảm thiểu tình trạng này” - ông Tân nói.
THÁI BÌNH