Nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH 11/11/2020 05:25

Cùng với cả tỉnh, huyện Duy Xuyên đã và đang tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhất là thiệt hại do cơn bão số 9, nhằm sớm ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân.

Ngay sau bão lũ, các địa phương ở huyện Duy Xuyên nhanh chóng huy động lực lượng khắc phục hậu quả bão lũ. Ảnh: T.S
Ngay sau bão lũ, các địa phương ở huyện Duy Xuyên nhanh chóng huy động lực lượng khắc phục hậu quả bão lũ. Ảnh: T.S

Thiệt hại nặng

Theo ông Lưu Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn, mặc dù là địa phương miền núi, xưa nay chưa từng xảy ra ngập úng, lũ lụt nhưng trong các đợt mưa lớn hồi tháng 10 vừa qua, người dân nơi đây lần đầu tiên chịu thiệt hại nặng nề do lũ ống bất ngờ xuất hiện. Nhiều tài sản có giá trị của người dân bị nước lũ nhấn chìm hoặc cuốn trôi. Cạnh đó, một số khu dân cư bị chia cắt. Tiếp sau đó, cơn bão số 9 gây thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Trong tháng qua, Mặt trận từ huyện đến cơ sở ở Duy Xuyên đã tiếp nhận hơn 3,5 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân dân trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 và các đợt lũ lụt. Cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cũng phối hợp với một số đơn vị trực tiếp giúp các gia đình bị bão số 9 gây thiệt hại nặng sửa chữa, lợp lại mái nhà nhằm sớm ổn định cuộc sống.

“Qua thống kê, toàn xã Duy Sơn có hơn 400 nhà dân bị tốc mái dưới 30%; nhiều phòng học, nhà làm việc, nhà kho của hợp tác xã hư hỏng. Ngoài ra, 6ha các loại cây ăn quả, 800ha rừng nguyên liệu bị gãy đổ, bật gốc… Ước tính thiệt hại hơn 8 tỷ đồng” - ông Tuấn cho biết.

Tại xã Duy Hải, ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã thông tin, do nằm ở ngay cửa biển nên cơn bão số 9 gây thiệt hại khá nặng. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có 1 người bị thương, 1 nhà đổ sập hoàn toàn, 155 nhà bị tốc mái một phần. Không chỉ vậy, trụ sở làm việc của Trung tâm bồi thường Đông Quảng Nam, nhà sinh hoạt văn hóa các thôn, trường mẫu giáo... trên địa bàn xã cũng bị hư hỏng. Đặc biệt, gió bão kèm theo sóng lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển Duy Hải, đoạn từ thôn An Lương đến thôn Tây Sơn Đông với chiều dài khoảng 7km.

Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên thông tin, các đợt thiên tai vừa qua gây thiệt hại khá nặng nề cho địa phương, đã làm 7 người chết, 30 người bị thương, 30 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, 360 ngôi nhà bị tốc mái 50 - 70%, có 29 trụ điện cao thế - trung thế - hạ thế bị gãy đổ. Cạnh đó, 2 chiếc tàu, 6 chiếc ghe của ngư dân neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa) và một số khu vực lân cận bị sóng lớn đánh chìm. Khoảng 60ha cây ăn quả của người dân bị gãy, ngã đổ. Nhiều tuyến kè, bờ đê và đất canh tác ven sông Thu Bồn, Ly Ly, Trường Giang ở các xã Duy Thu, Duy Thành, Duy Nghĩa, Duy Hải bị hư hỏng… Ước tính tổng thiệt hại trên toàn huyện Duy Xuyên hơn 162 tỷ đồng.

Tập trung khắc phục

Ngay sau khi bão tan và nước lũ bắt đầu rút, chính quyền cùng với người dân Duy Xuyên khẩn trương dọn vệ sinh môi trường. Ngành y tế huy động lực lượng, đưa các loại phương tiện, thuốc men về nhiều địa phương, kịp thời hạn chế nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Tại các đơn vị trường học, công tác khắc phục hậu quả bão lũ rất khẩn trương nên sớm đưa hoạt động dạy học trở lại bình thường theo đúng kế hoạch.

Ông Lê Minh Châu - Trưởng thôn Đông Bình (xã Duy Vinh) cho hay, những ngày đầu tháng 11 này, do mưa lớn, thủy điện xả lũ, nước sông dâng cao lại chảy xiết khiến một phần tuyến đường độc đạo từ thôn Hà Mỹ đi thôn Đông Bình bị sạt lở nặng với chiều dài 20m, rộng 4m. Trước tình hình này, địa phương huy động người dân đóng góp kinh phí mua rọ đá về ngăn dòng chảy, tạm thời gia cố đoạn đường bị sạt lở.

“Toàn thôn Đông Bình có hơn 400 hộ dân tự nguyện đóng góp hơn 80 triệu đồng để thuê máy móc, mua nguyên vật liệu phục vụ công tác khắc phục sự cố sạt lở đường. Nhờ vậy, đến chiều 9.11, người dân và xe máy có thể qua lại trên tuyến đường này. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương mong các cấp chính quyền của huyện, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân” - ông Châu nói.

Ông Trần Huy Tường chia sẻ, ngay sau khi bão số 9 đi qua, địa phương huy động tối đa nhân lực, vật lực triển khai dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường, nhất là quốc lộ 14H nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, ngành điện nhanh chóng tiếp cận hiện trường các điểm bị sự cố, xử lý khôi phục từng tuyến, đảm bảo cấp điện sớm hơn so với dự kiến ban đầu.

“Tranh thủ thời tiết nắng ráo sau bão, chính quyền các địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng xung kích hỗ trợ lợp lại nhà đối với trường hợp già yếu, neo đơn, hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị chết, bị thương, nhà sập đổ, hư hỏng nặng và chuẩn bị phương án khôi phục công trình hạ tầng xuống cấp để phục vụ sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất” - ông Tường nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO