(QNO) - Tuyến đường độc đạo đi thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm, Nông Sơn) bị sạt lở nặng do mưa lớn. Công tác khắc phục đang diễn ra khẩn trương nhằm đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho biết, mưa lớn gây sạt lở nặng 2 điểm trên tuyến ĐH5 với khoảng 2.000m3 đất đá tràn lấp mặt đường. Đây là tuyến tường độc đạo dẫn vào thôn Tứ Nhũ nên việc đi lại của 189 hộ dân (800 nhân khẩu) của thôn hết sức khó khăn và nguy hiểm. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, UBND xã và Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện đã thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển báo và khuyến cáo người dân hạn chế đi lại.
Theo bà Ngô Thị Tuyết (thôn Tứ Nhũ), năm 2020, người dân trong thôn hân hoan khi tuyến đường duy nhất vào thôn được hoàn thành đưa vào sử dụng. Niềm vui chưa được bao lâu thì mỗi khi có mưa lũ, tuyến đường lại xảy ra sạt lở. “Những lúc đường sạt lở, việc đi lại rất nguy hiểm. Đi qua sông thì nước lớn, đi đường bộ thì sợ đất đá sạt đè phải” - bà Tuyết nói.
Ách tắc giao thông khiến việc làm ăn của người dân cũng gặp không ít trở ngại. Ông Huỳnh Kỳ (thôn Phước Hội, xã Quế Lâm) đi thu mua keo của người dân thôn Tứ Nhũ, tuy nhiên đường sá sạt lở nên chưa thể vận chuyển keo. “Nhóm tôi có hơn 10 lao động, mong địa phương khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất để giao thương hàng hóa thuận lợi” - ông Kỳ chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Sang, do vị trí taluy âm giáp sông, taluy dương là đồi núi quá cao nên tuyến đường này thường xuyên sạt lở mỗi mùa mưa bão, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Mặc dù mới đưa vào sử dụng từ năm 2020 nhưng đến nay đã có 5 điểm sạt lở lớn với khoảng 30.000m3 đất đá, trong đó 2 điểm đã được xử lý.
Đối với các điểm sạt lở còn lại, đơn vị thi công đang khẩn trương phối hợp cùng UBND xã Quế Lâm, ngành chức năng của huyện huy động nhân lực và xe cơ giới tập trung thu dọn đất đá, múc đường mương taluy dương, đảm bảo phương tiện lưu thông thông suốt, an toàn trong thời gian sớm nhất có thể.
“Nếu thời tiết thuận lợi thì trong vài ngày tới có thể khắc phục lưu thông tạm thời cho người dân. Tuy nhiên hết sức khó khăn do địa hình đồi núi có độ dốc cao, địa chất bị đứt gãy cộng thêm thời tiết mưa nhiều. Hiện nguy cơ tái sạt lở cũng rất lớn. Địa phương mong muốn được hỗ trợ kinh phí để có phương án khắc phục lâu dài, bền vững” - ông Sang nói.