Nỗ lực khống chế bệnh lở mồm long móng

VĂN SỰ - PHI THÀNH 17/02/2020 12:39

Trước nguy cơ vi rút gây bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc lây lan mạnh, ngành thú y các cấp cùng chính quyền các địa phương đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để khống chế mầm bệnh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

Lực lượng thú y cơ sở của huyện Duy Xuyên đang khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn gia súc. Ảnh: T.S
Lực lượng thú y cơ sở của huyện Duy Xuyên đang khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn gia súc. Ảnh: T.S

Bệnh gây hại diện rộng

Gia đình ông Trương Mạnh ở thôn Phú Bông (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) nuôi 2 con bò nái. Cách đây 5 ngày, ông Mạnh rất lo lắng khi 2 con bò có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, nổi mụn nước trên khóe miệng, sùi nước bọt, lở loét ở vùng móng chân... Thấy hiện tượng bất thường, ông Mạnh liền báo cáo với cán bộ thú y xã, huyện đến kiểm tra triệu chứng lâm sàng và được thông báo 2 con bò của ông đã bị mắc bệnh LMLM.

Không riêng gia đình ông Trương Mạnh, tính đến trưa hôm qua 16.2, toàn xã Duy Trinh đã có ít nhất 10 con bò bị nhiễm bệnh LMLM, tập trung ở 2 thôn Phú Bông và Thi Lai. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Ánh - cán bộ thú y xã Duy Trinh cho biết, nguyên nhân dẫn đến dịch LMLM bùng phát là thời tiết thay đổi, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh xâm nhiễm. Bên cạnh đó, thời gian qua người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, lơ là trong khâu tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn gia súc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bệnh LMLM trên đàn gia súc bùng phát ở Duy Xuyên từ sau Tết Canh Tý đến nay và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Qua số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện đã có ít nhất 80 con trâu, bò bị nhiễm bệnh, tập trung ở 17 thôn, khối phố của 9 xã gồm Duy Tân, Duy Hòa, Duy Châu, Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Trung, Duy Phước, Duy Thành, Duy Nghĩa và thị trấn Nam Phước.

Để chủ động ngăn chặn vi rút gây bệnh LMLM, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND huyện Duy Xuyên vừa có Công văn số 176 yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ những biện pháp khống chế dịch bệnh này và một số loại bệnh nguy hiểm khác trên đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, UBND các xã, thị trấn phân công thành viên đứng điểm ở các thôn, khối phố để giám sát chặt chẽ tình hình, nhất là tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ xảy ra dịch. Khẩn trương tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thường xuyên phun hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường. Đối với các địa phương xảy ra dịch, cần khuyến cáo người dân không chăn thả gia súc tập trung để tránh lây lan mầm bệnh. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp kiểm soát việc chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến sản phẩm động vật nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm công tác phòng chống dịch theo quy định của pháp luật hiện hành… 

Toàn bộ số gia súc mắc bệnh vừa nêu đều ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa được tiêm vắc xin phòng dịch, có trường hợp một số đàn gia súc đã tiêm phòng nhưng do khả năng miễn dịch yếu dẫn đến nhiễm bệnh.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Duy Xuyên, địa phương hiện có tổng cộng gần 12.000 con trâu, bò, trong đó mới có 56% tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM và tụ huyết trùng.

Trong khi đó, tại huyện Thăng Bình, ổ bệnh LMLM đầu tiên xảy ra trên 2 con bò của 2 hộ dân ở xã Bình Tú vào ngày 4.1.2020. Đến nay vi rút gây bệnh đã lây lan ra 9 xã khác của huyện gồm Bình Quý, Bình Trị, Bình Quế, Bình Chánh, Bình Giang, Bình Trung, Bình An, Bình Triều, Bình Định Nam với tổng cộng 176 con trâu, bò bị nhiễm dịch. Theo lãnh đạo ngành thú y tỉnh, Thăng Bình là địa phương có số lượng trâu, bò bị mắc bệnh nhiều nhất. 

Ngoài Duy Xuyên và Thăng Bình, do công tác phòng dịch không được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức nên thời gian qua bệnh LMLM cũng đã xuất hiện, gây hại rải rác tại nhiều địa phương khác như Điện Bàn, Nông Sơn, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Quế Sơn... với hơn 100 con trâu, bò bị nhiễm dịch.

Dốc sức chống dịch

Lấy lá khế giã nhỏ, trộn với nước chanh để rửa vết thương trên cơ thể đàn bò bị mắc bệnh LMLM, ông Đoàn Công Phúc ở thôn Phú Nham Tây (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) cho hay, những ngày qua gia đình ông thường xuyên phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, rắc vôi bột, áp dụng các biện pháp chữa bệnh theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Nhờ vậy, đến nay 5 con bò bị nhiễm dịch LMLM đã cơ bản khỏi bệnh.

Ông Phúc nói: “Thời gian tới, tôi mong ngành thú y tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin phòng dịch nhằm dập tắt hoàn toàn mầm bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân”.

Trước tình trạng dịch LMLM lây lan mạnh, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhốt gia súc tại chuồng để ngăn ngừa vi rút gây bệnh xâm nhiễm.
Trước tình trạng dịch LMLM lây lan mạnh, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhốt gia súc tại chuồng để ngăn ngừa vi rút gây bệnh xâm nhiễm.

Ông Nguyễn Văn Ánh - cán bộ thú y xã Duy Trinh cho biết, suốt tuần qua, ngoài việc đẩy mạnh khâu tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh, chính quyền địa phương cũng khẩn trương tổ chức tiêm bổ sung 750 liều vắc xin LMLM cho những đàn trâu, bò trong vùng dịch và các khu vực có nguy cơ cao bị vi rút gây bệnh xâm nhiễm. Đồng thời trưng dụng các loại máy bơm động cơ tiến hành phun 36 lít hóa chất Bencocid tại khu vực chuồng trại chăn nuôi của người dân và những nơi giết mổ, buôn bán các sản phẩm gia súc trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên cho hay, nhằm ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan, các địa phương trên địa bàn huyện đang tập trung huy động tối đa nhân lực, phương tiện triển khai tiêm bổ sung vắc xin LMLM cho đàn gia súc. Ngoài ra, chính quyền 14 xã, thị trấn cũng gấp rút thực hiện công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên diện rộng.

“Hiện nay, lực lượng thú y thường xuyên bám sát cơ sở để chủ động giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời phát hiện sớm những con gia súc mới phát sinh bệnh, nhanh chóng cách ly để điều trị kịp thời, tránh lây lan diện rộng” - ông Hòa nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào cuối tuần qua, ông Bùi Thanh Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình cho biết, trước tình trạng bệnh LMLM lây lan diện rộng, thời gian qua lực lượng cán bộ thú y huyện cùng đội ngũ thú y viên cơ sở tập trung bám sát địa bàn để hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi cách ly những con trâu, bò bị nhiễm bệnh và áp dụng phương pháp điều trị vết thương trên cơ thể. Cùng với đó, UBND huyện Thăng Bình đã xuất cấp cho chính quyền các xã, thị trấn hơn 500 lít hóa chất Iodine để duy trì khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng nhằm khống chế sự phát tán của mầm bệnh.

“Trong tổng số 176 con trâu, bò bị nhiễm dịch LMLM ở huyện Thăng Bình, đến thời điểm này đã có 140 con khỏi bệnh, còn lại 36 con đang tích cực điều trị” - ông Việt cho hay.

Còn ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho hay, đối với hơn 100 con trâu, bò bị mắc bệnh LMLM ở các địa phương Điện Bàn, Nông Sơn, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Quế Sơn... đến nay đã có khoảng 50 - 60% khỏi bệnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực khống chế bệnh lở mồm long móng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO