Đã có gần 84ha tôm nuôi bị chết do nhiễm các bệnh nguy hiểm sau 2 tháng thả nuôi từ đầu vụ 1 đến nay. Hiện tại, công tác phòng và chống các bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, vi bào tử trùng được chủ động triển khai trên địa bàn tỉnh
Những ngày qua, ông Lê Huy Ích (thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam, Thăng Bình) hết sức lo lắng khi 5.000m2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông của gia đình bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp. Ông Ích cho biết, tôm bị bệnh và chết rất nhanh. Các triệu chứng không rõ ràng, không thể cứu vãn được, khi nhận biết được bệnh thì tôm đã thoi thóp. “Tôi thả tôm, nuôi được 45 ngày thì phát hiện chúng chậm lớn. Sau đó chúng bỏ ăn, lờ đờ rồi rớt xuống đáy ao. Mọi việc diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 1 ngày, chúng tôi bị động nên không thể xoay xở kịp. Tôi biết tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp vì bộ phận gan tụy của chúng bị sưng to, mềm nhũn” - ông Ích nói.
Ông Lê Huy Ích bên ao tôm bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp. |
Theo quan sát của chúng tôi, cả 6 địa phương nuôi tôm trên toàn tỉnh đều đã xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt. Người dân cho biết, tôm chết đều do các bệnh nguy hiểm tấn công là đốm trắng, vi bào tử trùng và hoại tử gan tụy cấp. Qua các đợt lấy mẫu để phân tích nguồn nước nuôi tôm, Chi cục Thủy sản Quảng Nam thống kê có 83,69ha ao tôm nuôi bị chết trong thời gian qua. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam nhận định, thời tiết trong những ngày đến sẽ nắng ấm, thuận lợi cho tôm phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút bùng phát, đặc biệt là vi khuẩn vibrio - tác nhân chính gây nên các bệnh nêu trên. Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho rằng, vi khuẩn vibrio, vi rút đốm trắng hoạt động dày đặc vào những thời điểm áp thấp nhiệt đới, biển động hay gió mùa là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng tôm chết hàng loạt.
Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, ngành thủy sản đang tìm mọi cách để giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm. Để hạn chế bệnh lây lan thành dịch, ông Trường đề nghị các hộ nuôi có tôm bị chết không xả nước thải và tôm ra môi trường bên ngoài nếu chưa xử lý triệt để. Khi thu hoạch tôm “chạy bệnh”, các nông hộ không được xả nước ra bên ngoài vì nguy cơ lây lan mầm bệnh cao. “Các hộ đang nuôi tôm cần thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu môi trường và mầm bệnh trong ao nuôi nhằm sớm phát hiện những biến động bất thường, có biện pháp thích ứng kịp thời. Cần hạn chế cấp nước vào ao nuôi để giảm thiểu mầm bệnh tấn công tôm. Người nuôi tôm nên giữ ổn định màu nước, đảm bảo nước trong ao nuôi ở mức 1,3 - 1,5m để hạn chế đột biến môi trường nước trong ngày và đêm khiến tôm sốc. Nếu phát hiện tôm ít hoạt động thì nhanh chóng bổ sung vitamin C, men tiêu hóa, các loại kháng sinh để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi” - ông Trường khuyến cáo.
Bà Hoàng Thị Kim Yến khuyến cáo các hộ có tôm nuôi bị chết phải xử lý nguồn nước trong ao nuôi bằng chlorin nồng độ 20 - 30ppm (200 - 300kg/ha ao nuôi có mực nước là 1m), đóng kỹ cống, giữ nước trong vòng 5 - 7 ngày. Sau đó cải tạo lại thật kỹ bằng các chế phẩm vi sinh, vôi dolomite rồi mới xuống giống nuôi tôm. Để hạn chế hoạt động của vi rút đốm trắng, bà Yến khuyến cáo sau khi lấy nước vào ao nuôi thì cần giữ nguyên trong vòng 3 - 5 ngày để các vi rút không bấu víu vào đâu, tự chết. “Cách đề phòng các bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, vi bào tử trùng tốt nhất là cần mua tôm giống chất lượng, kiểm dịch chặt chẽ để miễn dịch tốt với bệnh. Ngoài ra phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường để hạn chế tác động xấu từ bên ngoài vào khiến tôm nuôi dễ bị tấn công” - bà Yến nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT