(Xuân Nhâm Dần) - Thái độ cầu thị trong công cuộc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... là điểm sáng để Quảng Nam tiếp tục thu hút doanh nghiệp.
Chính quyền phục vụ
Bodo Th.Boelzle - Giám đốc điều hành Tập đoàn Amann (Đức) đến Quảng Nam một ngày đầu xuân 2018. Không mất nhiều thời gian thương thảo, ngày 27.7.2018, nhà máy sản xuất chỉ may Amann với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD đã đặt “viên đá móng” đầu tiên tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng (Tam Kỳ) và chính thức hoạt động sau đó 1 năm.
Tốc độ triển khai dự án nhanh bất ngờ khiến vị giám đốc tập đoàn phải thốt lên trong ngày khởi công: “Không thể tin được chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ quan quản lý đã giúp đỡ hoàn tất các thủ tục đầu tư nhanh như vậy. Quảng Nam là nơi xử lý thủ tục hành chính nhanh nhất, mở ra chương mới trong lịch sử thành công của Amann”.
Kỳ vọng bùng nổ đầu tư
TS.Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho rằng Quảng Nam đang nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền Trung.
Mỗi nhóm ngành đều có một “con sếu đầu đàn” dẫn dắt. Không chỉ các dự án đã đầu tư, nhiều doanh nghiệp khác đang có ý định hợp tác, đủ cho Quảng Nam tạo ra những đột phá để bùng nổ đầu tư.
Kéo dài hơn thập kỷ sau nhiều lần điều chỉnh, hoãn, giãn tiến độ, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, trải nghiệm văn hóa Hoian D’or đã được khai sinh trên Cồn Bắp (Cẩm Nam, Hội An) ngày 18.4.2020.
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp nói nếu không có sự tận tình giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp của chính quyền, không thể có D’or như hôm nay!
Amann hay Hoian D’or chỉ là 2 “thân phận” trong nhiều dự án đầu tư thể hiện trách nhiệm của chính quyền phục vụ Quảng Nam.
Sau 10 năm “trồi sụt” trên bản đồ xếp hạng PCI, Quảng Nam trở thành gương mặt mới trong tốp 10 tỉnh thành có năng lực cạnh tranh cao nhất nước, liên tiếp từ 2015 - 2019. Chính quyền sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp, đã tạo cảm hứng để những tiếng nói chung được cất lên, tạo ra động lực phát triển kinh tế.
Quảng Nam đánh dấu khởi đầu mới khi năm 2017, gia nhập tốp các tỉnh thành điều tiết ngân sách về trung ương. Năm 2021, khi nền kinh tế nhiều nơi rơi vào khủng hoảng, các tập đoàn đa quốc gia cắt giảm đầu tư ra nước ngoài, Quảng Nam vẫn có gần 1.050 doanh nghiệp gia nhập thị trường, có thêm 32 dự án đầu tư nội địa và 6 dự án FDI được cấp phép.
Thu ngân sách đạt 21.154 tỷ đồng (17.518 tỷ đồng nội địa). Con số này, nếu không phải là thành công từ hiệu lực của các cuộc cải cách, chiến lược thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp là gì?
Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói, chuyện đào thải theo quy luật khắc nghiệt của thị trường là điều không tránh khỏi, nhưng cũng là cuộc “lọc máu” để giữ lại những doanh nghiệp khỏe mạnh trong cơ thể của nền kinh tế. Nếu không có niềm tin vào môi trường kinh doanh của địa phương, sẽ không thể có được nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Tiếp tục cải cách
Ngày 15.12.2021, Thaco xuất gần 900 sơ mi rơ moóc sang Mỹ. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương cho biết sẽ xây thêm nhà máy để sản xuất theo ký kết hợp tác chiến lược xuất sang thị trường này mỗi năm 20.000 sơ mi rơ moóc kể từ năm 2022.
Khá nhiều doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đã sẵn sàng “đổ bộ” vào Chu Lai theo mô hình mới kết nối doanh nghiệp tham gia sản xuất cùng Thaco, thông qua phiên xúc tiến của chính quyền Quảng Nam và Thaco hồi tháng 10 năm 2021. Nghĩa là sẽ có một chu kỳ đầu tư mới tại Chu Lai, không phải là nói suông.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, thành công của các nhà đầu tư hiện tại là tấm gương phản chiếu rõ nhất về môi trường đầu tư của địa phương. Những cơ chế, chính sách hợp lý, công khai, minh bạch và thái độ cầu thị sẽ tác động đến quyết định của nhà đầu tư.
“Thu hút có hiệu quả hay không phải chuẩn bị từ quy hoạch chuẩn, vận hành các thủ tục, môi trường đầu tư hấp dẫn, thông suốt bằng các tiêu chí cụ thể” - ông Thanh nói.
Dư địa cải cách còn rất lớn. Những “sáng kiến” một cửa liên thông, tiếp doanh nghiệp định kỳ, cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp... không đủ mạnh để có thể mở rộng thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong thế giới đầu tư đầy biến động. Chính quyền Quảng Nam quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt (từ kiểm tra hiện trường, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính...), trực tiếp xử lý các vướng mắc của nhà đầu tư.
Ứng dụng công nghệ GIS, dữ liệu đất đai... đưa vào sử dụng cuối năm 2021. Chỉ cần một cái nhấp chuột, nhà đầu tư có thể biết ngay các điểm mời gọi đầu tư, để tin tưởng, mạnh dạn hơn khi quyết định đề xuất, lập hồ sơ dự án.
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch VN Đà Thành kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam nói Quảng Nam là một trong những tỉnh thành hiếm hoi đưa ra quy định giảm chi phí thời gian, rút ngắn thời gian đầu tư dự án (điều đầu tiên và quan trọng nhất của doanh nghiệp), là sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư đáng kể. Quy định này sẽ là một trong những bước giải quyết khó khăn của các dự án đầu tư tại địa phương trong tương lai.