Nỗ lực kiểm soát đường thủy

SÁU CÒI 05/05/2022 05:34

Khó khăn trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đã được nhận diện. Điển hình, biên chế của lực lượng Thanh tra Sở GTVT còn hạn chế, không đủ nhân lực để thực hiện kiểm tra thường xuyên phủ khắp địa bàn hoạt động, khi hiện nay đơn vị này chỉ có 7 thanh tra viên. 

Lực lượng liên ngành trong một lần kiểm tra thuyền chở khách du lịch tại Hội An. Ảnh: S.C
Lực lượng liên ngành trong một lần kiểm tra thuyền chở khách du lịch tại Hội An. Ảnh: S.C

Vậy nhưng, họ phải kiểm soát tải trọng xe; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định trong vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên bộ và dưới nước cũng như các hoạt động trá hình khác. Ngược lại, địa bàn quản lý về giao thông ĐTNĐ rất rộng, bao gồm 5 tuyến sông Trung ương ủy thác dài 165,2km; 13 tuyến sông địa phương dài 154,4km.

Ngoài ra, trang thiết bị, phương tiện thực thi công vụ còn thiếu thốn, nhất là chưa có tàu cao tốc để phục vụ hoạt động kiểm tra các tuyến ĐTNĐ ven biển. Chủ phương tiện, người điều khiển thường theo dõi, đối phó với lực lượng kiểm tra; đưa phương tiện vào bờ hoặc bỏ đi, song lại không có cơ chế tạm giữ phương tiện, việc hạ tải lại rất khó.

Hành vi không lắp đặt camera hoặc có lắp đặt nhưng không hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa chưa có quy định xử phạt; chưa quy định về giới hạn tốc độ phương tiện trên luồng tuyến nên không có căn cứ để xử phạt vi phạm quá tốc độ…

Khắc phục trở lực, các lực lượng chức năng của tỉnh liên quan đến thực thi công vụ, đảm bảo trật tự ATGT trên ĐTNĐ đã nỗ lực triển khai khối lượng công việc không nhỏ. Đặc biệt, Tổ kiểm tra liên ngành cấp tỉnh nhiều lần được thành lập, làm nhiệm vụ mang lại hiệu quả cao. Chính vì vậy, vừa qua UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành kế hoạch phối hợp liên ngành đảm bảo ATGT trên ĐTNĐ năm 2022.

Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp thực hiện là Sở GTVT (Thanh tra Sở GTVT, Đoạn Quản lý ĐTNĐ Quảng Nam); Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát đường thủy, công an các huyện, thị xã, thành phố); Văn phòng Ban ATGT tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (các đồn biên phòng: Cửa Đại, Cù Lao Chàm, Kỳ Hà); UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có hoạt động ĐTNĐ. UBND tỉnh còn mời Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), một đơn vị chuyên môn về kiểm định an toàn phương tiện thủy nội địa tham gia.

Lực lượng liên ngành không chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân mà còn ngăn chặn, xử lý có hiệu quả vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.

Điển hình như vi phạm của hoạt động bến hành khách, bến khách ngang sông; vận tải hàng hóa, vận tải hành khách; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; bằng, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển; cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện; công trình vi phạm kết cấu hạ tầng; vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông; bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép… Kỳ vọng rằng, hoạt động của tổ liên ngành sẽ đưa vận tải ĐTNĐ vào khuôn khổ, góp phần đảm bảo ATGT, để sông nước được bình yên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực kiểm soát đường thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO