Người dân và cán bộ công chức đang đứng trước nỗi lo giá tiêu dùng tăng khi giá xăng dầu đã tăng cao chỉ trong vòng một tháng…
“Điệp khúc”… xăng tăng
Thay vì tăng giá một lần gây “sốc” như hồi cuối tháng 3.2013 (tăng 1.400 đồng/lít), lần này giá xăng dầu lại theo kiểu “câu giờ”, tăng liên tiếp 3 lần chỉ trong vòng hơn một tháng, đẩy giá xăng dầu lên cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, lương tăng “nhỏ giọt” và phải đến cuối tháng 7.2013 công chức mới được thực nhận. “Cán bộ công chức chưa kịp vui với việc tăng lương đã đón nhận điệp khúc… giá xăng tăng. Khi ngành hàng cơ bản tăng giá sẽ kéo các mặt hàng tiêu dùng khác tăng theo”, chị Trần Thị Hạ Vy (Sở Tài nguyên - môi trường) chia sẻ.
Giá xăng và giá thực phẩm tăng sẽ gây áp lực lên người tiêu dùng. Ảnh: THỤC ANH |
Qua khảo sát tại chợ Trung tâm Thương mại, chợ tạm Tam Kỳ (TP.Tam Kỳ) đến ngày 25.7, giá các mặt hàng tiêu dùng đã bắt đầu có biến động. Giá thịt heo từ 90.000 đồng tăng lên 95.000 đồng/kg, thịt bò từ 240.000 đồng tăng 250.000 đồng/kg, cá thu từ 150.00 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg… Riêng đối với mặt hàng sữa, đầu tuần này hãng sữa Dutch Lady vừa thông báo tăng giá sữa nước tiệt trùng 180ml tăng 2%, sữa nước tiệt trùng trong hộp giấy tăng khoảng 8%. Đại diện Dutch Lady cho biết công ty đã tăng giá thu mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân lên thêm 18% kể từ tháng 4.2013. Kể từ đầu năm đến nay, giá sữa đã tăng tới 6 lần, riêng trong quý I tăng 3 lần liên tiếp, với mức 5 - 15%.
Có thể thấy, không chỉ cán bộ công chức mà đối với người tiêu dùng nói chung việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động không nhỏ đến sinh hoạt, đời sống. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, siêu thị vẫn giữ mức giá cũ với tất cả mặt hàng. Bởi, trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc tăng giá sẽ như con dao hai lưỡi, lợi đâu không thấy mà dễ đứng hàng. Hơn nữa, các doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị khi muốn tăng giá phải báo trước 30 ngày”.
Bài toán chi phí
Tăng cường giám sát hoạt động bình ổn giá Tại cuộc họp thường kỳ quý II của Bộ Tài chính vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, sẽ tăng cường giám sát hoạt động bình ổn giá, tránh tình trạng “té nước theo mưa”. Việc giá xăng dầu tăng vừa qua sẽ kéo CPI tăng khoảng 0,1%. CPI 6 tháng đầu năm là 2,4% và mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6 - 6,5%. Vì vậy, cơ quan điều hành giá sẽ cố gắng tham mưu cho Chính phủ bám sát mục tiêu trên. Trước một số ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng dầu liên tiếp quá gấp, thậm chí tăng 2 lần trong một tháng, lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định việc điều chỉnh dựa trên giá cơ sở tính bình quân 30 ngày. Về phía Liên Bộ Tài chính - Công thương cho rằng, đã lựa chọn cách thức và thời điểm phù hợp để tăng giá xăng. Theo các quy định hiện hành, giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu (trừ dầu ma zút) đang cao hơn giá bán hiện hành từ 726-988 đồng/lít. Liên Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chia sẻ lợi nhuận định mức; tạm thời cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở của mặt hàng xăng xuống còn 100 đồng/lít. Thực tế, trong vòng một tháng qua, nhiều nhà cung cấp thông báo tăng giá các mặt hàng thực phẩm như dầu ăn, đường, bánh kẹo (5 - 10%), bơ sữa đông lạnh, nước giải khát (10 - 20%). Cụ thể, nước mắm Nam Ngư từ 18.000 đồng lên 19.000 đồng/chai 500ml, 26.000 đồng lên 27.000 đồng/chai 700ml; nước tương Maggi đậm đặc từ 23.000 đồng lên 24.000 đồng/chai 750ml. Giá bán đường Biên Hòa (loại xá) cũng tăng thêm 500 đồng/kg lên 17.500 đồng/kg. Các loại rau củ quả tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.T.B (tổng hợp) |
Bà Ngô Thị Châu (chủ xe Trường Xuân, Tiên Phước - Đà Nẵng) cho biết: “Gia đình chúng tôi có mấy chiếc xe ô tô chạy tuyến Tiên Phước - Đà Nẵng, giá xăng dầu tăng đương nhiên chi phí vận chuyển cũng bị đội lên. Mới hôm trước đổ đầy bình có hơn 1 triệu đồng bây giờ đã trên 1,4 triệu đồng nhưng vẫn chưa dám tăng giá cước”. Đồng quan điểm như chủ xe Trường Xuân, các chủ xe chạy tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng như Ngọc Ngà, Quỳnh Như, Quỳnh Trang… cũng đang vận chuyển với giá cước cũ để giữ khách. Chủ xe Ngọc Ngà chạy tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng, hạch toán: Cách đây khoảng một tháng, đổ một triệu tiền xăng là đã có thể chạy kiếm lãi, bữa nay tăng lên vài trăm ngàn nhưng giá cước vẫn phải giữ ở mức 40.000 đồng/lượt/tuyến.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương cho biết, đề án bình ổn giá đang trong quá trình dự thảo để nhanh chóng trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo 127 các địa phương đang tích cực kiểm tra, kiểm soát đề phòng kẻ xấu lợi dụng tình hình gây xáo trộn giá, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là ở các địa phương vùng sâu vùng xa. Còn theo báo cáo mới nhất trong tháng 7 của Chi cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của tỉnh tăng mạnh so với tháng trước (+0,36%, trong đó thành thị tăng 0,41%, nông thôn tăng 0,34%). Những nhóm hàng được xem là biến động mạnh so với tháng trước là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,11%), nhóm nhà ở, điện, nước.. Ông Đặng Phước Cương - Phó cục Thống kê tỉnh, nói: “Trong tháng 8, dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng rõ rệt từ 3 lần xăng tăng giá, tăng lương cho cán bộ công chức. Nếu không có những biện pháp bình ổn, kìm giá thì bài toán chi tiêu của người lao động sẽ gặp khó”.
CHIÊU THỤC ANH