(QNO) - Những năm qua, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Nam triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp để thực hiện tốt tiêu chí số 17 về môi trường - an toàn thực phẩm. Nổi bật là tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn.
Chuyển biến tích cực
Với mục tiêu nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, thời gian qua tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ môi trường một cách kịp thời, hiệu quả.
Hiện nay, Quảng Nam đang tập trung đầu tư khu xử lý chất thải rắn tại xã Tam Nghĩa (Núi Thành) để xử lý rác thải cho các huyện, thành phố phía Nam và thay thế cho khu xử lý rác thải tại xã Tam Xuân 2 đã quá tải.
Cùng với đó, tỉnh thu hút được doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung liên huyện tại xã Đại Hiệp (Đại Lộc) để xử lý cho các địa phương phía Bắc. Dự án này do liên danh Công ty CP đầu tư - phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty CP phát triển sản xuất - xuất nhập khẩu Huy Hoàng, Công ty CP môi trường Huy Hoàng Eco làm chủ đầu tư.
Khu xử lý rác thải nêu trên đã đi vào hoạt động, có quy mô xử lý từ 300 - 500 tấn/ngày đêm. Công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt, tro bay và xỉ lò sản xuất gạch không nung, mùn hữu cơ được sản xuất thành phân bón, rác thải nhựa được tái chế thành hạt nhựa…
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội mới đây, những năm qua chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, môi trường đất, các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, các nguồn thải, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm trên địa bàn Quảng Nam từng bước được kiểm soát.
Tỉnh đã khắc phục, xử lý cơ bản các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phát sinh cơ sở mới gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đáng chú ý, môi trường tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, khu dân cư được cải thiện. Trong số 7 khu công nghiệp đang hoạt động thì có 6 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn quốc gia trên phạm vi toàn tỉnh là hơn 60%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,7%.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh nhìn nhận, những năm qua Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn Quảng Nam tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc phản biện, theo dõi, giám sát, tố giác tội phạm về môi trường. Đặc biệt, các phong trào như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chống rác thải nhựa”… được các cấp, ngành triển khai mạnh mẽ. Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn được thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo các làng quê.
Nhiều tồn tại
Lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, do địa bàn nông thôn rộng lớn và tập quán sinh sống từ lâu đời của người dân nông thôn, nhất là khu vực miền núi nên công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường và nộp phí vệ sinh môi trường thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường cấp tỉnh, huyện, xã còn bất cập. Cấp tỉnh và cấp huyện, định mức cán bộ còn thấp. Cấp xã, hầu hết phân công cán bộ địa chính - xây dựng kiêm nhiệm. Đáng nói là, xuất phát điểm về hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn trước khi triển khai xây dựng NTM rất thấp, hầu như chưa được đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình bảo vệ môi trường chung, như hệ thống thu gom nước thải, hệ thống xử lý rác thải.
Theo UBND tỉnh, nguồn kinh phí đầu tư lĩnh vực bảo vệ môi trường cấp tỉnh đã đạt 1% trong tổng chi ngân sách nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường chưa mạnh mẽ, mới phát triển trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; mô hình tự quản về bảo vệ môi trường trong nhân dân chưa nhiều. Còn ít các dự án bảo vệ môi trường có nguồn vốn nước ngoài; vốn đầu tư bảo vệ môi trường hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
Cạnh đó, một số địa phương sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường chưa hợp lý, mới giải quyết được những việc cụ thể, trước mắt chứ chưa tập trung cho việc xây dựng các công trình xử lý, cải tạo môi trường và tuyên truyền, phổ biến pháp luật…
Đồng bộ giải pháp
Nhiều ý kiến cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí số 17 về môi trường - an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM, thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo đó, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM để nhân ra diện rộng.
Vấn đề đáng quan tâm là, không ngừng hoàn thiện khung thể chế, chính sách, quy định, hướng dẫn, hỗ trợ cho việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường phù hợp với thực tiễn. Mở rộng và phát huy hiệu quả hệ thống đường dây nóng đến cấp xã nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường ngay từ cơ sở.
Đặc biệt, tổ chức rà soát và điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị mới, khu tái định cư nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đến các khu, cụm công nghiệp và ngược lại; không mở rộng các khu, cụm công nghiệp không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đến các điểm, khu dân cư (theo hiện trạng và quy hoạch). Việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp mới cần đảm bảo định hướng khu công nghiệp sạch, khu công nghiệp sinh thái; tăng diện tích cây xanh cách ly tại các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động tiếp giáp với khu vực dân cư. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng tại các khu, cụm công nghiệp có phát sinh nước thải…
Đồng thời, tập trung xử lý triệt để, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực hiện di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp. Chủ động sử dụng công nghệ trong các hoạt động kiểm soát, giám sát xả thải các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, làng nghề, lưu vực sông, khu dân cư, đô thị.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường; tăng cường thu hút các chương trình, dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch ở khu vực nông thôn, miền núi. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cộng đồng dân cư đối với các hoạt động bảo vệ môi trường...
Nếu áp dụng theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, đến thời điểm này Quảng Nam có 85/193 xã đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường - an toàn thực phẩm.
Theo tìm hiểu, giai đoạn 2021 – 2025, tiêu chí số 17 về môi trường - an toàn thực phẩm có 12 nội dung. Chỉ tiêu giai đoạn này tăng thêm so với giai đoạn trước 4 nội dung. Việc tăng thêm các nội dung là nhằm đánh giá việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn tại nguồn để giảm lượng rác thải ra môi trường. Đồng thời, giảm lượng rác tiếp nhận tại các khu xử lý rác trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện các chỉ tiêu mới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Quyết định số 2625 (ngày 30/9/2022).