Thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại diễn biến ngày càng phức tạp. Nhận biết các nguy cơ và phòng tránh là điều hết sức cần thiết cho cộng đồng.
Khóa tập huấn đã trang bị được những kiến thức cần thiết trong phòng chống nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em. |
Những “lỗ hổng”
Năm 2017, trên địa bàn huyện Quế Sơn xảy ra 1 vụ xâm hại tình dục trẻ em, 2 vụ dâm ô trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội. Vụ việc đau lòng xảy ra, người bị ảnh hưởng suốt cuộc đời chính là những đứa trẻ. Vụ việc xảy ra, Ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em huyện, xã đến gia đình nạn nhân hỏi thăm, tư vấn. Nhưng tâm lý của những đứa trẻ bị xâm hại tình dục thường không dám nói về việc đó, còn gia đình lo sợ, e ngại lại càng giấu giếm. Khi các thành viên làm công tác bảo vệ trẻ em không có những kỹ năng cần thiết, việc tiếp xúc với nạn nhân bị xâm hại hay gia đình của nạn nhân cũng rất khó khăn.
Bà Lưu Lê Thị Ngàn Thương - thành viên Ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em huyện Quế Sơn cho hay: “Những vụ việc xâm hại, dâm ô trẻ em trên địa bàn huyện đã xảy ra, gia tăng phức tạp đã khiến cả xã hội lo lắng và mới vỡ lẽ rằng, những kiến thức để nhận diện nguy cơ chưa được trang bị cho cả cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và các bậc cha mẹ. Ngay cả việc tiếp xúc, tư vấn cho gia đình nạn nhân bị xâm hại như thế nào cũng khó...”. Theo bà Thương, ở Quế Sơn cán bộ bán chuyên trách làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cấp xã thường xuyên thay đổi, năm nay lại có nhiều người xin nghỉ việc khiến đội ngũ này càng mỏng hơn. Từ đó, việc cập nhật những kiến thức chăm sóc, bảo vệ trẻ em càng khó khăn.
Cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em tâm sự với gia đình nạn nhân để tìm hiểu vụ việc (ảnh minh họa). Ảnh: D.L |
Tại Thăng Bình, đội ngũ làm tốt công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho trẻ em và các bậc cha mẹ chính là những giáo viên. Trong trường học, trẻ em được học về cách phòng chống xâm hại, bạo lực qua các tiết học đạo đức, giáo dục công dân hay các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Tổ chức CRS, ngành dân số và kế hoạch hóa gia đình đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều đợt tập huấn đến các trường. Giáo viên và phụ huynh đã được tập huấn những kiến thức cơ bản để nhận biết, phòng chống tình trạng bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em. Bà Trần Thị Mỹ Nương - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thăng Bình thông tin: “Nhờ nguồn lực từ Tổ chức CRS hỗ trợ mà ngành giáo dục huyện đã tổ chức tập huấn các kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực cho trẻ em. Với sự vào cuộc của nhà trường, bạo lực học đường được ngăn chặn, nhưng nguy cơ ngoài xã hội diễn biến phức tạp nên các bậc phụ huynh cần thiết được tăng cường tập huấn để bảo vệ con mình. Hầu hết vụ việc xâm hại xảy ra đều là do người quen thân với gia đình gây nên, bởi vậy việc nhận biết rằng ai là kẻ xấu rất khó. Theo tôi, chỉ đội ngũ giáo viên hay cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em là không đủ. Những kiến thức phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em phải được phổ biến đến cộng đồng xã hội nữa”.
Khắc phục điểm yếu
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em & bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng, trước thực trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp, việc trang bị những kiến thức cần thiết cho cộng đồng là rất cần thiết. Vì thế, trong chương trình hành động năm 2018 về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tỉnh sẽ tập trung thực hiện những đợt tập huấn, tuyên truyền về cơ sở. Trong cộng đồng, kỹ năng nhận biết các dấu hiệu, nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em còn yếu và thiếu. Từ đầu năm nay, với sự hỗ trợ đắc lực từ Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em các cấp. Bà Hồng cho biết: “Qua các khóa tập huấn này, chúng tôi hy vọng sẽ trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho thành viên ban bảo vệ trẻ em các cấp. Từ đó, các thành viên này sẽ phổ biến những kiến thức cho cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Nội dung tập huấn tập trung vào những điểm trọng tâm như thực trạng về bạo lực, xâm hại trẻ em; các hình thức bạo lực, xâm hại và các dấu hiệu nhận biết; những nguyên nhân và hậu quả để lại khi trẻ bị xâm hại; cách bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, bạo lực; một số công cụ hỗ trợ cho việc tuyên truyền những kiến thức này đến cộng đồng xã hội...”.
Bạo lực trẻ em nếu diễn ra trong gia đình sẽ rất phức tạp, khó can thiệp. Muốn can thiệp được cần có những kỹ năng cơ bản. Hầu như điều này ai cũng thiếu. Trẻ bị xâm hại thường thu mình lại, không muốn tiếp xúc với người lạ, gia đình sợ bị kỳ thị nên không mở lời. Những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em phải có những phương pháp riêng để tiếp xúc với nạn nhân và gia đình, làm sao cho người bị xâm hại chịu nói lên câu chuyện. Từ đó, cơ quan chức năng mới vào cuộc và có những biện pháp tư vấn tâm lý và bảo vệ trẻ bị xâm hại, giúp cho trẻ đủ tự tin hòa nhập cộng đồng. Khóa tập huấn đang diễn ra đã trang bị được những kiến thức như thế cho thành viên Ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến huyện. Và đội ngũ này sẽ thành những tuyên truyền viên tích cực nhất, đưa kiến thức đến cộng đồng xã hội, mỗi người thành một điểm tựa cho trẻ em và bảo vệ chính con em mình khỏi những nguy cơ bị xâm hại, bạo lực.
DIỄM LỆ