Trước diễn biến thời tiết phức tạp cùng với tình trạng thiếu hụt nước tưới nghiêm trọng, huyện
Gieo trồng giống lúa trung - ngắn ngày sẽ giúp tiết kiệm nước tưới. Ảnh: B.L |
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT Đại Lộc, toàn huyện có 5 hồ nhỏ và 9 đập dâng phục vụ nước tưới cho hơn 450ha lúa. Trong đó, đập Trà Cân (Đại Hiệp) có thể giải quyết nước tưới cho khoảng 80ha lúa, đập Ồ Ồ (Đại Đồng) có khả năng tưới cho 15ha, đập Chấn Sơn (Đại Hưng) khoảng 30ha, đập Hố Chình (Đại Tân) có dung tích tưới cho khoảng 80ha, đập Cửu Kiến (Đại Đồng) giải quyết cho 23ha… Tuy nhiên, các hồ đập trên đang đối diện với nguy cơ khô kiệt, thiếu nước tưới nghiêm trọng. Trong vụ đông xuân 2012-2013, nhiều hồ đập bị thiếu hụt nước, có nơi gần như bị khô kiệt. Theo dự báo, nếu trời không mưa, một số hồ đập sẽ tiếp tục khô nước như hồ Cây Xoay (Đại Hồng), đập Ồ Ồ, đập Cửu Kiến, hồ Hóc Lách (Đại Thạnh)… sẽ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vụ hè thu. Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết đã kịp thời tham mưu UBND huyện phê duyệt Phương án phòng, chống hạn vụ đông xuân 2012-2013 và vụ hè thu 2013 với tổng kinh phí thực hiện khoảng 4 tỷ đồng. Phương án chống hạn bằng công trình thủy lợi và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hay chuyển đổi giống cây trồng trung - ngắn ngày được triển khai tại nhiều nơi.
Đại Lộc hiện có 51 trạm bơm dọc sông Vu Gia và Thu Bồn phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng. Tuy nhiên, các kênh dẫn chính của nhiều trạm bơm bị thiếu hụt nước, phải nạo vét thường xuyên hay chắn dòng để lấy nước tưới cho cây trồng. Theo ông Mẫn, để chống hạn, địa phương đã đầu tư các hạng mục nạo vét kênh dẫn, nâng cấp hệ thống trạm bơm phục vụ tưới tiêu. Chẳng hạn, thời gian qua, tại trạm bơm Đại Đồng, huyện đã nạo vét 50m kênh dẫn nhằm đưa nước vào bể hút, bơm vào kênh chính phục vụ nước tưới cho cây lúa. Có những trạm bơm buộc phải nạo vét hàng ngàn mét khối đất cát mới có thể dẫn được nước như trạm bơm thị trấn Ái Nghĩa, trạm bơm Phú Đông…
Theo Phương án phòng, chống hạn vụ đông xuân 2012-2013 và vụ hè thu 2013, nhu cầu kinh phí phục vụ mục tiêu trên là 4 tỷ đồng, trong đó 1,9 tỷ đồng phục vụ cho vụ đông xuân, dự kiến 2,1 tỷ đồng dùng phục vụ cho hè thu. Dự án nạo vét đập Hố Chình với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng phục vụ nước tưới cho hơn 80ha lúa của Đại Tân đã được triển khai thực hiện từ năm 2012. Bên cạnh đó, dự án nâng cấp, gia cố một số bờ đập chắn nước chống thất thoát, rò rỉ nước tại đập Chấn Sơn đang trong giai đoạn khảo sát. Hiện, đầu nguồn sông Vu Gia, sông Bung, sông Côn bị khô cạn dòng, huyện Đại Lộc đã đề nghị các nhà máy thủy điện có lịch xả nước đúng với lịch thời vụ gieo trồng. “Tại một số địa phương, do điều kiện bất lợi phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi khoảng 200ha lúa không chủ động nguồn tưới hoặc đất lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước như tưới tiết kiệm “nông lộ phơi”, be bờ giữ nước, gia cố kênh mương nội đồng chống thất thoát nguồn… đã được tuyên truyền rộng rãi đến nông dân” - ông Mẫn nói.
Bích Liên