Lâm nghiệp

Nỗ lực phục hồi rừng nguyên sinh Quảng Nam

ALĂNG NGƯỚC 30/09/2024 09:10

Nơi những cánh rừng không còn được nguyên vẹn, bằng rất nhiều dự án trồng mới, ngành lâm nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tái tạo không gian sống, góp sức phục hồi màu xanh thiên nhiên.

bffcf0bdbb3e1d60442f.jpg
Nhiều cánh rừng thuộc lâm phận quản lý của Vườn quốc gia Sông Thanh đang dần được phục hồi. Ảnh: Đ.N

Theo báo cáo, giai đoạn 2011 - 2020, tại Quảng Nam có hơn 100.000ha rừng bị mất và suy thoái do tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ… Để cân bằng hệ sinh thái, những năm gần đây, chính quyền và người dân Quảng Nam đang nỗ lực trồng, phục hồi những cánh rừng bị tổn thương.

Nâng ý thức trồng rừng

Đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác trồng rừng, nhiều năm qua, Vườn quốc gia Sông Thanh linh hoạt triển khai nhiều chương trình, dự án phục hồi rừng bị tổn thương.

Hàng chục nhân viên bảo vệ rừng làm nhiệm vụ “cắm chốt” nỗ lực trồng rừng và tham gia các chiến dịch ra quân tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, cộng đồng.

Nhờ vậy, hơn 20ha rừng bị mất và suy thoái đang được trồng xanh trở lại bằng các loại cây bản địa như giổi ăn hạt, ươi bay... từ nguồn lực chi trả dịch vụ môi trường rừng thời gian qua.

Ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt cả vùng đệm lẫn vùng lõi vườn quốc gia, đơn vị đang tích cực cùng với người dân trồng các loại cây bản địa để phục hồi rừng tự nhiên bị chặt phá trước đây.

“Tiến hành trồng rừng từ năm 2016, đến nay chúng tôi đã trồng được hơn 400ha rừng với các loại cây bản địa như lim, lát hoa, chò chỉ… Việc trồng rừng là hết sức cấp thiết nhằm ngăn ngừa tình trạng suy thoái rừng và phục hồi chức năng các hệ sinh thái rừng, từng bước giảm thiểu các nguy cơ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu” - ông Hồng chia sẻ.

337261744_916922279509356_5266151283905810206_n.jpg
Cộng đồng cùng tham gia trồng rừng. Ảnh: Đ.N

Vườn quốc gia Sông Thanh là một trong số đơn vị quản lý rừng làm tốt công tác trồng rừng và phục hồi hệ sinh thái vốn đứng trước nguy cơ cạn kiệt sau thời gian dài bị xâm hại.

Những chủ rừng đã và đang nỗ lực hết sức để thiết lập một “vành đai” bảo vệ vững chắc, bắt đầu từ việc nâng cao ý thức người dân, cộng đồng. Bởi việc trồng rừng thay thế và phục hồi giá trị đặc hữu tại các khu rừng nguyên sinh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tạo cơ hội để các cánh rừng được tái sinh.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang cho hay, kinh phí thu được từ thủy điện, thời gian qua đơn vị đã tổ chức trồng với các loài cây đặc hữu của khu vực như lim xanh, giổi... Qua đánh giá, nhiều khu vực trồng lim xanh tại địa phương đang sinh trưởng rất tốt, tuổi đời 4 - 7 năm, đảm bảo việc chăm sóc chu đáo.

Tái tạo không gian sống

Theo báo cáo, Quảng Nam hiện có gần 780.000ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

UBND tỉnh phê duyệt đề cương xây dựng quy định khung giá rừng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: H.Q
Không gian sống đang được tái tạo bằng màu xanh của rừng tự nhiên. Ảnh: Đ.N

Tuy nhiên, áp lực về nhu cầu gỗ, lâm sản, đất sản xuất, công tác quản lý còn bất cập, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế… Có thời gian các huyện miền núi của tỉnh là điểm nóng về nạn phá rừng nguyên sinh, bẫy bắt động vật hoang đã.

Trong 5 năm trở lại đây, từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, các địa phương miền núi đã trồng mới hàng trăm héc ta cây bản địa để giữ lại được những cánh rừng nguyên sinh, tái tạo những diện tích rừng đã mất.

Cùng với việc khôi phục diện tích rừng bị phá, Quảng Nam đã thực hiện cải tổ lực lượng bảo vệ rừng, thành lập lực lượng chuyên trách, tăng thù lao cho cộng đồng bảo vệ rừng.

Ngoài ra, triển khai đề án di dời các khu dân cư sống xen kẽ trong rừng nguyên sinh hoặc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Nhờ vậy, Quảng Nam được đánh giá là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 2 cả nước với 58,88%.

Mới đây, tại hội thảo chuyên đề dự trữ các bon và đa dạng sinh học, bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TN- MT chia sẻ, với lợi thế về diện tích rừng tự nhiên, công tác bảo tồn đa dạng các hệ thái rừng của địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, 100% diện tích rừng đặc dụng (chiếm 22% diện tích rừng tự nhiên) trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào các khu bảo tồn. Các khu rừng tự nhiên phòng hộ đã được giao cho UBND các địa phương thực hiện quản lý rừng kết hợp quản lý đa dạng sinh học.

Trong đó, điểm nổi bật là đến nay Quảng Nam đã thiết lập 2 hành lang đa dạng sinh học kết nối 3 khu bảo tồn Sông Thanh - Sao La - Voi Nông Sơn được xác định phạm vi vào năm 2018, thông qua Dự án BBC do Bộ TN-MT chủ trì.

Đây là hành lang đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các khu bảo tồn thành vùng rộng lớn, tạo ra không gian sống mang tính đa dạng sinh học nhờ sự “giao lưu đi lại” của các loài động vật hoang dã. Từ đó, xây dựng một hành lang gắn với phục hồi rừng tự nhiên.

Hiện nay Quảng Nam đã phê duyệt Dự án phục hồi rừng và phát triển sinh kế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1 (từ tháng 7/2024 đến 12/2025) với tổng vốn viện trợ không hoàn lại hơn 44,4 tỷ đồng do Tổ chức VELUX cung cấp viện trợ thông qua Tổ chức World Wide Fund for Nature (WWF/Thụy Sĩ). Dự án sẽ hỗ trợ phục hồi và quản lý tốt hơn 150.000ha rừng tự nhiên tại 19 xã thuộc các huyện Tây Giang, Nam Giang và Đông Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực phục hồi rừng nguyên sinh Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO