Tăng cường thực hiện công tác tư vấn xét nghiệm HIV cũng như cố gắng đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV (viết tắt của Antiretrovaral - một loại thuốc làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể), cùng với cả nước, Quảng Nam đang nỗ lực để từng bước kiểm soát tiến đến chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030.
Can thiệp mạnh dự phòng lây nhiễm
Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2020 (từ ngày 10.11 - 10.12) có chủ đề: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Việt Nam đã có 30 năm ứng phó và kiểm soát tốt, khống chế dịch HIV/AIDS trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; tiến gần đến mục tiêu 90-90-90, tạo cơ hội để cơ bản kết thúc dịch AIDS.
Mục tiêu 90-90-90 có nghĩa là 90% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng ARV; 90% số người đang được điều trị ARV có tải lượng HIV ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Tháng hành động năm nay là dấu mốc quan trọng để nhìn lại và cùng khơi dậy quyết tâm đẩy mạnh phòng chống HIV/AIDS.
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, tính đến năm 2020, ước Việt Nam có khoảng 230 nghìn người dương tính với HIV, đứng thứ 4 Đông Nam Á. Mỗi năm nước ta vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới, khoảng 2.000 người tử vong, khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm của mình. Nhằm giảm số ca lây nhiễm, một trong những giải pháp được ngành y tế đưa ra là đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại và nâng cao chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV.
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có 427 người nhiễm HIV, số bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV là 376 người. Phân tích nguyên nhân lây nhiễm cho thấy đường lây qua quan hệ tình dục không an toàn chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là lây qua tiêm chích ma túy, qua lao phổi. Tỷ lệ nam giới nhiễm HIV chiếm đến 70%, trong đó nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng cao.
Thời gian qua, các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong từng nhóm và các khu vực trọng điểm về HIV từng bước được ngành chức năng của tỉnh triển khai. Ngoài ra, CDC Quảng Nam cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho những nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có tư vấn, xét nghiệm và điều trị dự phòng miễn phí cho phụ nữ mang thai. Việc xét nghiệm tình trạng nhiễm HIV sớm ở phụ nữ mang thai giúp người nhiễm sớm tiếp cận các phác đồ điều trị.
Cần cộng đồng chung tay
Trong Tháng hành động Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS, các địa phương tại Quảng Nam đồng loạt tổ chức mít tinh, diễu hành và tuyên truyền lưu động. Nội dung tuyên truyền được chuyển tải với các mục đích: tăng cường hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội; sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.
Dù các dự án phòng chống HIV/AIDS tại Quảng Nam đạt nhiều thành quả tích cực, tuy nhiên theo ông Kiệm, vẫn còn sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, ảnh hưởng đến công tác truyền thông, điều trị và thực hiện mục tiêu 90-90-90 về HIV/AIDS. Cùng với đó, sự gia tăng số người nghiện ma túy mới, tăng nhóm quan hệ đồng giới và nhóm gái mại dâm trong thời gian gần dây là nguy cơ tăng lây nhiễm HIV trong thời gian tới nếu không có sự can thiệp kịp thời.
Việc triển khai điều trị người nhiễm HIV bằng ARV tại tuyến huyện còn gặp nhiều khó khăn về nhân sự và công tác kiện toàn cơ sở điều trị. Toàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở điều trị ARV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam. Theo ông Kiệm, để đạt các mục tiêu 90-90-90, trong thời gian tới sẽ triển khai điều trị ARV về trung tâm y tế các địa phương; thực hiện giám sát, tăng cường xét nghiệm sàng lọc HIV đến tận tuyến cơ sở, triển khai các kỹ thuật xét nghiệm tải lượng HIV, CD4…
Hiện nay, mức độ tiếp cận của hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV vẫn còn hạn chế, nhiều đối tượng (người có quan hệ tình dục đồng giới, nhóm người di biến động) chưa được tiếp cận đúng mức. Cùng với đó, xét nghiệm phát hiện HIV trong cộng đồng chưa nhiều, trong khi mục tiêu là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.
“Công tác truyền thông, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở chưa triển khai hết tại các địa phương trọng điểm về HIV/AIDS cũng như về người nghiện ma túy. Lý do vì thiếu nguồn lực để hoạt động. Vấn đề quan trọng nữa là kinh phí cấp cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ hỗ trợ của tổ chức quốc tế, từ ngân sách giảm, cũng phần nào hạn chế quy mô các hoạt động” - ông Kiệm chia sẻ.