Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế (GRDP) năm 2013 đạt 11,15%, thấp hơn kế hoạch 0,35%; nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, đây có thể xem là kết quả khả quan.
Phục hồi tăng trưởng
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, dù đã gặp không ít khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan. Nếu như năm 2012, hụt thu ngân sách hơn 900 tỷ đồng thì năm 2013 đã thu đủ theo dự toán khoảng 4.478 tỷ đồng (thu nội địa). Ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở KH&ĐT nói, nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã được huy động ngày càng đa dạng. Ngoài ngân sách nhà nước, các nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, nhân dân cũng đã ngày càng gia tăng với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 14.922 tỷ đồng, chiếm hơn 33% so với GRDP của Quảng Nam. Tỷ lệ này cao hơn bình quân chung cả nước. Theo nhận định của các cơ quan quản lý, chính môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện đã giúp cho việc tăng trưởng kinh tế và sản xuất kinh doanh tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. Điều này thể hiện rõ nhất khi nhìn vào con số thống kê tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 22,4% xuống còn khoảng 17,2% và tỷ trọng công nghiệp xây dựng, dịch vụ gia tăng lên 82,8% so với 78,6% năm trước. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 19,7%. Giá trị sản xuất của ngành dịch vụ tăng bình quân hơn 16%/năm. Khách tham quan và lưu trú tăng nhanh với ước hơn 3,8 triệu lượt khách, tăng bình quân 17%/năm và thu nhập từ du lịch tăng bình quân khoảng 21%/năm. Một thống kê khác cho thấy xuất khẩu năm 2013 đạt kế hoạch đề ra với 595 triệu USD/594 triệu USD kế hoạch, tăng 22,3%. Nếu tính cả 3 năm 2011-2013 thì giá trị thực hiện khoảng 1,5 tỷ USD, tăng bình quân trên 32%. Tốc độ tăng này cao hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra cho cả thời kỳ 5 năm 2011-2015. Ngoài ra, nhập khẩu năm 2013 cũng đã tăng trở lại trên 13% với giá trị hơn 650 triệu USD. Đây là dấu hiệu tích cực cho tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian đến. Ngoài ra, bức tranh kinh tế năm 2013 còn cho thấy dấu hiệu hồi phục đã trở lại khi con số 600 doanh nghiệp đăng ký, cao hơn nhiều so với 200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể. Một số sản phẩm tiếp tục duy trì và phát triển như ô tô bus, linh kiện điện tử, giày da, may mặc… Soda, xi măng được xem là những sản phẩm mới đã đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp địa phương. Điều này chứng minh nhiều doanh nghiệp vẫn có lối đi riêng để tiến hành các cuộc kinh doanh thuận lợi để họ quyết định khởi nghiệp hay mở rộng sản xuất.
Hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: T.D |
Doanh nghiệp vẫn khó khăn
Ông Đinh Văn Đào, Cục trưởng Cục Thống kê nói, tốc độ và xu hướng đầu tư có xu hướng giảm dần, công nghiệp suy giảm là điều dễ thấy trong hiện tại. Nhưng nếu nhìn vào thống kê dịch vụ không suy giảm, du lịch ổn định, xuất khẩu tăng thì bức tranh kinh tế năm 2013 không đến nỗi ảm đạm. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng cuộc sống người dân chứ không chỉ dựa vào con số tăng trưởng. Việc hoàn thành chương trình nhà ở cho người nghèo (18.000 ngôi nhà, 100% kế hoạch) và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm khá nhanh, từ 24,1% năm 2010 xuống khoảng 15,5% năm 2013 (dù chưa đạt chỉ tiêu 15%) cũng là nỗ lực khá lớn của chính quyền. Nhưng “thành công” ấy vẫn không thể khỏa lấp được nỗi lo hiện hữu. Kết quả mang tính ổn định của điều hành chính sách mới quan trọng chứ không phải chạy theo sự tăng hay giảm của GRDP. Chính quyền và các cơ quan quản lý cũng thừa nhận, tăng trưởng kinh tế đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Cụ thể là lãi suất cho vay dù đã hạ nhiệt rất nhiều với lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 - 9%/năm và các lĩnh vực khác từ 9 - 11,5%/năm, nhưng vẫn còn quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh hiện tại. Nợ xấu gia tăng, 92% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn vẫn khó tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn. Ngoài ra, số lượng hàng tồn kho lớn, nên một số sản phẩm có quy mô lớn như ô tô con, gạch men đã giảm đáng kể so với trước đây. Hiện tại, khó khăn chồng chất của doanh nghiệp vẫn chưa được giải tỏa. Nhiều doanh nghiệp hy vọng tạm thời có thể duy trì sản xuất và giải phóng được hàng tồn kho. Ngay trong nhóm hàng lương thực - thực phẩm, nhóm có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa để tính chỉ số giá, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh và thu nhập của nông dân bị thiệt hại nặng nề. Còn về xuất khẩu, nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng thì có thể xem đó là kết quả khả quan. Nhưng nếu tách riêng nhóm doanh nghiệp FDI khi chiếm đến 66% tổng giá trị xuất khẩu thì con số xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa sẽ rất thấp. Một cuộc khảo sát mới đây trên 130 doanh nghiệp tại Quảng Nam của Cục Thống kê cho thấy hiện chỉ có 17% doanh nghiệp ổn định và thực sự tăng trưởng. Số còn lại đều giảm sút và doanh thu đều thấp hơn rất nhiều so với năm 2012. 100% doanh nghiệp được khảo sát, điều tra này cho biết với mức lãi suất tín dụng như hiện nay, chỉ có khoảng 33% doanh nghiệp có mức lãi tương đối, 25% doanh nghiệp hòa vốn… nên khó có khả năng mở rộng sản xuất và đầu tư. “Mong muốn từ phía các doanh nghiệp này là chỉ khi được vay với mức lãi suất 8%/năm thì mới có cơ hội làm ăn có lãi. Nếu kiểm soát tốt các nguy cơ bất ổn vĩ mô, khôi phục sức mua của thị trường hoặc giúp doanh nghiệp giảm chi phí cùng các hỗ trợ khác, thì khả năng tăng trưởng của Quảng Nam sẽ tốt hơn rất nhiều” - ông Đào nói.
TRỊNH DŨNG