(QNO) - Họ là những thanh niên giàu ý chí và nghị lực. Những mô hình kinh tế của họ luôn được mở rộng và phát triển, theo kịp xu hướng thị trường.
Đi lên từ hoa cảnh
Cửa hàng hoa, cây cảnh trang trí của anh Trương Công Tiền (SN 1990, thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, Thăng Bình) nằm trên trục đường ĐT613 từ thị trấn Hà Lam đi xã Bình Minh (Thăng Bình) và thường xuyên đông khách. Từ việc lấy hoa, cây cảnh về bán lẻ, anh Tiền đã mạnh dạn nhận thêm nhiều công trình thi công trang trí sân vườn, nội thất. Ngoài ra, vào mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, anh còn thuê đất trồng hoa để cung ứng cho các đại lý.
“Tôi thích hoa, cây cảnh từ khi còn nhỏ. Đến khi lớn, tôi bắt đầu sưu tầm các loại cây về trồng, tự tìm hiểu và học cách uốn cành sao cho có thế, có dáng. Rồi số lượng hoa cảnh của tôi nhiều lên, có vài người bạn đến hỏi mua và thế là thành nghề. Tôi cũng bắt đầu nhập cây về bán rồi mở cửa hàng như hôm nay” - anh Tiền chia sẻ.
Vừa qua, anh Tiền tham gia Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Thăng Bình để tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Tại đây, anh được dự các buổi tập huấn và lắng nghe những người có kinh nghiệm chia sẻ, truyền cảm hứng khởi nghiệp. Từ đó, anh thay đổi tư duy và nghĩ cách phát triển mô hình của mình. Anh thuê thêm đất, đầu tư nhà lưới theo hướng tự động hóa để trồng thêm các loại hoa, cây cảnh khó thích nghi với khí hậu miền Trung.
“Lâu nay, dù biết những loại hoa ở xứ lạnh luôn được khách hàng tìm mua với giá cao, nhưng tôi chỉ dám nhập hàng về bán chứ chưa dám đầu tư trồng vì sợ thời tiết nắng nóng không phù hợp. Tuy nhiên, đến bây giờ thì tôi đã suy nghĩ khác, có thể là liều lĩnh hơn, nhưng không thử thì làm sao biết khó khăn. Hiện tại, ngoài cửa hàng hoa, cây cảnh thì tôi có 2 vườn: 1 vườn hoa tết và 1 vườn hoa, cây trong nhà lưới, mỗi vườn rộng 500m2. Nếu thành công, sắp tới tôi sẽ mở rộng thêm nữa” - anh Tiền nói.
Đa ngành, đa thu nhập
Nhắc đến tấm gương thanh niên khởi nghiệp ở Thăng Bình, nhiều người nghĩ ngay đến anh Trần Hữu Tịnh, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Thăng Bình. Năm 2014, với vai trò Bí thư Chi đoàn tổ 3 (thị trấn Hà Lam), anh Tịnh đã tập hợp nhiều thanh niên trên địa bàn thành lập Hợp tác xã (HTX) Thanh niên, chuyên sản xuất và phân phối nước uống đóng chai mang thương hiệu “Sức sống mới”.
Sau khi khá ổn định ở lĩnh vực này và kết nối với nhiều đại lý bán hàng tạp hóa, anh Tịnh ký kết hợp đồng phân phối hàng tiêu dùng cho các công ty lớn như nước giải khát và nhu yếu phẩm. Tiếp theo đó, HTX Thanh niên còn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như trồng gần 10ha măng tây, hơn 1.000m2 dưa lưới, 10ha lúa hữu cơ.
Với 8 thành viên HTX ban đầu, đến nay, anh Tịnh đã giải quyết việc làm ổn định cho gần 50 nhân viên và công việc thời vụ cho 10 người. Anh Tịnh chia sẻ, hướng đi của anh là bước từng bước vững chắc, khi thật sự vận hành ổn định một mô hình kinh tế thì nghĩ hướng mở rộng nếu có thể, nếu không hãy thử sức với lĩnh vực khác.
Theo anh Tịnh, đa ngành nghề thì sẽ đa thu nhập. Những khoản thu và chi sẽ bù trừ cho nhau và nguồn tiền sẽ luôn luôn có. Chính vì tư duy đó mà đến nay, khi đã thành công với nhiều mô hình nhưng anh vẫn tiếp tục đầu tư dự án mới, anh vừa xây dựng xong nhà nuôi yến sào với quy mô 600m2 và mở nhà hàng ở thị trấn Hà Lam.
“Nhiều bạn trẻ bây giờ thường ngại khó khăn khi làm kinh tế hoặc có tâm lý bằng lòng với thực tại ổn định, trong khi khả năng của họ có thể hơn thế. Khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, tôi xác định sẽ tiếp lửa cho những thanh niên khác, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Ở mỗi lĩnh vực đầu tư, tôi đã rút ra nhiều bài học. Đa ngành thì đa thu nhập nhưng cái giá phải trả cũng không hề rẻ, bởi phân tán nguồn lực thì đồng nghĩa với việc không chuyên sâu một lĩnh vực cụ thể. Tóm lại, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thì phải có và giữ được ý chí làm giàu” - anh Tịnh chia sẻ.