Sau hơn 12 năm, Bộ GD-ĐT ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm, thay thế quy định cũ đã có từ năm 2012. Thông tư 29 có hiệu lực ngày 14/2 vừa qua được xem như một quyết tâm của ngành này nhằm loại trừ những mặt trái, tiêu cực, đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào nền nếp, góp phần gìn giữ hình ảnh của nhà giáo.
Dạy thêm học thêm (DTHT) là câu chuyện được quan tâm lâu nay. Đối với Thông tư 29 cùng những điểm mới trong quy định lần này tác động rất lớn đến hoạt động DTHT, khi hiện nay hoạt động này trong nhà trường và một số cá nhân ngoài nhà trường đang phải tạm ngưng.
Những băn khoăn
Thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân khẳng định Thông tư 29 sẽ ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong DTHT, làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo. Ông cho biết, nhà trường đã tổ chức quán triệt, yêu cầu GV thực hiện nghiêm những quy định, không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường có thu tiền.
Cũng như nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh, lâu nay Trường THPT Trần Cao Vân tổ chức dạy tăng 1 - 2 tiết/tuần cho HS lớp 12. Theo thầy Tấn, đó là nhu cầu tích cực của HS, được đưa vào kế hoạch tại cuộc họp của phụ huynh đầu năm học với mức thu 50 nghìn đồng/tháng để hỗ trợ thêm cho GV.
“Trước đây nhà trường tổ chức dạy 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh nhưng năm nay chỉ còn 2 môn Toán, Văn do Tiếng Anh là môn học lựa chọn. Qua thực tế cho thấy chất lượng khá tốt, góp phần giúp HS dự thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học đạt kết quả cao. Tuy nhiên, thực hiện Thông tư 29 nhà trường đã dừng hoạt động này”, thầy Tấn chia sẻ.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ) - thầy Nguyễn Tự Lực cũng cho biết công tác triển khai Thông tư 29 đối với nhà trường không có gì vướng mắc vì lâu nay chỉ tổ chức bồi dưỡng HS giỏi để dự thi cấp thành phố, tỉnh. Riêng năm nay, lần đầu tiên thi tuyển sinh vào lớp 10 nên ngay từ đầu năm nhà trường có kế hoạch phụ đạo cho HS lớp 9.
Theo thầy Lực, việc đưa hoạt động DTHT vào nền nếp sẽ làm cho GV không có tư tưởng o ép học trò dù đây chỉ là những trường hợp cá biệt. Hiện nay, đã có một số GV của trường nhờ người thân đứng tên đăng ký mở lớp DTHT tại nhà theo quy định.
Thông tư 29 quy định DTHT trong nhà trường chỉ dành cho 3 đối tượng là phụ đạo HS có kết quả học tập chưa đạt, bồi dưỡng HS giỏi và ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp cho HS cuối cấp và không được thu tiền của HS (khác với quy định cũ có thu tiền theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh). Đối với DTHT ngoài nhà trường có thu tiền của HS, các tổ chức, cá nhân phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và một số quy định khác; mức thu tiền theo thỏa thuận với phụ huynh. Đặc biệt, lần này Thông tư 29 quy định GV đang dạy tại các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường và phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian dạy… Ngoài ra, GV đang dạy tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền HS đối với HS đang dạy ở nhà trường.
Vấn đề DTHT được nhiều người quan tâm khi hiện nay hầu hết tổ chức tại nhà riêng. Một GV dạy môn Tiếng Anh bậc THPT chia sẻ phần lớn HS học thêm tại nhà không phải do mình dạy trên lớp, nhưng vì theo quy định nên đã đăng ký với các trung tâm để chuyển lớp đến dạy. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất của trung tâm chưa thể sắp xếp được nên tạm thời lớp dạy thêm vẫn mở tại nhà để giúp học trò không gián đoạn việc học khi mà kỳ thi cuối cấp đang đến rất gần.
Ủng hộ chủ trương nhằm ngăn chặn tình trạng DTHT tràn lan, tiêu cực, nhưng theo anh Đức - một phụ huynh tại phường Hòa Hương (Tam Kỳ), số lượng trung tâm tổ chức DTHT hiện nay rất ít, không thể đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, dù không cấm DTHT nhưng không có giải pháp để đáp ứng nhu cầu chính đáng của HS sẽ làm cho nhiều em chịu thiệt thòi, nhất là con em gia đình nghèo.
Trong khi đó, một cô giáo Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ) cho rằng DTHT không phải là xấu và không phải thầy, cô giáo nào cũng dạy thêm. Ở góc nhìn của phụ huynh, cô ủng hộ cấm DTHT ở bậc tiểu học nhưng với THCS và THPT, nhu cầu học thêm là chính đáng nhằm giúp nâng cao kiến thức.
“Thời lượng trên lớp không đáp ứng để GV truyền đạt kiến thức cho học trò, nhất là trong lớp có nhiều đối tượng giỏi, khá, trung bình. Vì vậy, cần giảm lượng kiến thức trong sách giáo khoa, thay đổi cách tổ chức thi, ra đề. Tôi cũng như nhiều phụ huynh hiện nay rất lo lắng vì sắp tới đây thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT nhưng con em không được học thêm”, cô nói.
Tăng cường quản lý
Thông tư 29 quy định rất rõ trách nhiệm quản lý DTHT của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý giáo dục địa phương, hiệu trưởng. Ông Nguyễn Văn Lộc – Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ chia sẻ, quy định GV tham gia DTHT ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng là cơ sở thuận lợi để phòng GD-ĐT nắm thông tin, phối hợp với địa phương cấp xã, phường, trường học tổ chức kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, đặc thù trên địa bàn Tam Kỳ có nhiều GV của các địa phương khác sinh sống nên phần nào khó khăn trong quản lý hoạt động DTHT cũng như xử lý vi phạm nếu phát hiện.
Năm 2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018 cũng là năm đầu tiên Quảng Nam tổ chức thi tuyển sinh 10. Do đó, theo ông Thái Viết Tường, cần tập trung dạy và học đảm bảo chất lượng, nhất là HS cuối cấp. Phải xác định không còn chuyện DTHT nữa, người dạy phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm trên lớp; các em phải lo tự học, nghiên cứu, bồi dưỡng. Các địa phương, trường học cũng phải khảo sát để có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng cho HS. Tất nhiên, phía trước là kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh nên phụ huynh, HS lo lắng. GV làm gia sư, dạy kèm; GV nghỉ hưu, người ngoài ngành muốn DTHT cũng phải gửi đơn đến ngành chức năng xin cấp phép và đăng ký kinh doanh theo quy định.
Ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định Thông tư 29 quy định rất rõ DTHT trong nhà trường, ngoài trường, công tác quản lý và đây là tiếp tục tinh thần của Thông tư 17 trước đây nên việc triển khai thực hiện không có gì khó khăn. Sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định DTHT trên địa bàn tỉnh để thực hiện; đồng thời trước đó đã có văn bản chỉ đạo toàn ngành nghiêm túc triển khai, lưu ý nhà trường tổ chức DTHT cho 3 đối tượng theo quy định không được thu tiền, cân đối ngân sách của trường hoặc những nguồn thu hợp pháp khác để chi.
Ông Tường cho biết, lâu nay các trường có tổ chức phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi, thi chuyển cấp, tốt nghiệp; cũng có nơi thu tiền nhưng từ 14/2 không được thu tiền. Tổ chức dạy học không thu tiền nhưng phải đúng quy định về thời lượng tiết học, đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất.
Lần này, Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT “nặng tay” hơn đối với bậc tiểu học khi đưa ra nội dung gần như cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống.
Nói rằng gần như cấm, bởi tuyệt đại đa số học sinh tiểu học đi học thêm các môn Toán, Tiếng Việt chứ hiếm khi bỏ thời gian đi học thêm các môn thể mỹ. Ở góc độ từng là giáo viên tiểu học và hiện là Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn khối Tiểu học với gần 1.600 em học sinh, nhiều năm nay, tôi trăn trở với vấn đề dạy - học thêm đối với các em.
Phương án có lợi cho học sinh
Việc dạy thêm ở bậc tiểu học là vấn đề không mới của nhiều năm nay. Đầu tiên là để hỗ trợ học sinh có khó khăn trong học tập. Một số học sinh có khả năng tiếp thu chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, các em có thể gặp khó khăn trong việc theo kịp chương trình.
Ngoài ra, lớp dạy thêm còn giúp một số em có cơ hội nâng cao, nhất là học sinh có năng khiếu đặc biệt hoặc mong muốn tham gia các kỳ thi đầu vào lớp 6 ở các trường chuyên có thể cần đến các lớp bồi dưỡng chuyên sâu.
Cá biệt, có những phụ huynh gửi con vào lớp học thêm chỉ vì có nhu cầu gửi con. Trong một số gia đình, cha mẹ bận rộn không có thời gian hỗ trợ con học ở nhà hoặc cho rằng kiến thức của mình dạy không giống cô trên trường, vì vậy họ muốn tìm đến các lớp học thêm để giúp con củng cố kiến thức. Hoặc chỉ đơn giản là cha mẹ đi làm về trễ mà con tan trường sớm, cô giáo dẫn học sinh về nhà dạy thêm, cha mẹ ghé nhà cô để đón con cho tiện.
Sau nhiều năm có trải nghiệm thực tế khi đứng lớp dạy học sinh tiểu học và sau này là quản lý chuyên môn ở trường, tôi cho rằng, chúng ta cần nhìn Thông tư 29 ở góc độ lợi ích đối với học sinh. Quyết sách nào cũng có hai mặt, không thể đúng tuyệt đối, cũng chẳng thể sai tuyệt đối. Chúng ta sẽ chọn phương án có lợi nhất cho học sinh.
Trẻ cần được hướng dẫn tự học
Dạy học không phải là nhồi nhét kiến thức mà là dạy cách học. Nếu giáo viên thực sự tâm huyết và tận dụng thời gian hiệu quả, mỗi học sinh bình thường đều có thể đáp ứng yêu cầu chương trình của Bộ mà không cần học thêm. Trẻ cần được hướng dẫn cách tự học, thay vì phụ thuộc các lớp bổ sung ngoài giờ.
Bên cạnh đó, nếu nhìn nhận khách quan, sẽ dễ dàng nhận thấy việc không dạy thêm sẽ tạo sự công bằng trong giáo dục. Nhưng sẽ có những em học sinh yếu trên lớp, bị đuối, không theo kịp bạn bè thì phải làm sao nếu không được đi học thêm? Nhà trường cần có giải pháp hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong học tập. Ở trường tôi, giáo viên sẽ dành thời gian quan tâm nhiều hơn trong tiết học và hỗ trợ cuối giờ học đối với học sinh có khó khăn trong học tập mà không thu tiền. Điều này đảm bảo rằng học sinh không bị bỏ lại phía sau và không gây thêm gánh nặng tài chính cho cha mẹ học sinh.
Đặc biệt, phụ huynh và thầy cô cũng cần lưu ý rằng, với độ tuổi bậc tiểu học, các em cần thời gian để phát triển kỹ năng sống và năng khiếu cá nhân. Thay vì học thêm Toán, Tiếng Việt, trẻ nên có cơ hội phát triển năng khiếu như âm nhạc, hội họa, thể thao hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển toàn diện dựa vào sở trường của trẻ.
Bên cạnh đó, gia đình đóng vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ. Thay vì cho con đi học thêm, cha mẹ nên dành thời gian hiệu quả cho con, trò chuyện, giáo dục con về đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống và cùng con khám phá thế giới xung quanh.
Trong một số trường hợp đặc biệt, cha mẹ học sinh cần chấp nhận sự thật rằng, khả năng tiếp thu của mỗi học sinh là khác nhau. Nếu dành nhiều sự hỗ trợ ở lớp mà em vẫn có khó khăn thì việc đi học thêm chỉ tăng thêm áp lực cho em, có nguy cơ dẫn đến em sợ học. Gia đình nên quan sát để biết thế mạnh của con là gì, tính cách của con như thế nào để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả thay vì giao con đến lớp học thêm để cảm thấy “an tâm” hơn.
Như vậy, có thể thấy rõ, nếu ưu tiên lợi ích của trẻ thì sẽ ủng hộ phương án cấm dạy thêm ở bậc tiểu học.
Quan trọng hơn, giáo dục tiểu học không chỉ dừng lại ở kiến thức sách vở mà còn phải giúp trẻ phát triển toàn diện, có thời gian vui chơi, sáng tạo và rèn luyện kỹ năng sống. Vì vậy, thay vì chạy theo phong trào học thêm, hãy để trẻ có tuổi thơ đúng nghĩa, nơi mà việc học là niềm vui, chứ không phải là áp lực.
Tuy nhiên, giáo viên tiểu học hiện có thu nhập không cao. Nếu được, Nhà nước tập trung đầu tư cho giáo dục, nâng cao thu nhập của giáo viên để các thầy cô an tâm trong công việc, dành nhiều thời gian cho để nâng cao chất lượng học sinh.
Học thêm dường như trở thành một phần không thể thiếu của học sinh. Nhưng học như thế nào để phát huy được năng lực của học sinh, thay vì học thêm bởi những áp lực vô hình?
Mô hình lớp học đảo ngược
Ở cấp tiểu học, rõ ràng phương án cấm học thêm là phù hợp. Vấn đề còn lại là làm sao đảm bảo chất lượng giáo dục mà không cần dạy thêm?
Có nhiều phương án khả dĩ. Như có thể áp dụng việc quản lý chất lượng giáo viên thông qua kiểm tra đánh giá định kỳ và đột xuất để đánh giá chất lượng giảng dạy của từng giáo viên, xác định lớp nào cần được quan tâm hơn.
Bên cạnh đó, việc củng cố phương pháp giảng dạy cũng rất cần thiết. Giáo viên cần áp dụng phương pháp dạy học tích cực, sử dụng công nghệ để hỗ trợ giảng dạy và sử dụng hiệu quả thời gian trên lớp. Áp dụng mô hình lớp học đảo ngược để cá nhân hóa việc học của từng học sinh.
Cụ thể, hãy giao nhiệm vụ (bài mới) để học sinh chuẩn bị ở nhà trước bằng các hình thức nhiệm vụ trên giấy, trên các nhóm trao đổi với cha mẹ học sinh hoặc giáo viên làm các clip giao nhiệm vụ, giáo viên giảng nội dung bài mới để học sinh xem trước ở nhà, khi lên lớp các em sẽ được cô hỗ trợ những chỗ chưa hiểu và thực hành.
Đối với học sinh khó khăn trong học tập, thay vì xem 1 lần như các bạn giỏi hơn, các em xem lại clip nhiều lần hơn. Như vậy, cá nhân hóa học tập trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sẽ giải quyết được vấn đề chất lượng, tránh việc học sinh phải đi học thêm. Qua đây cũng hình thành được cho các em thói quen tự học, một kỹ năng rất cần thiết cho mỗi người ở giai đoạn hiện tại cũng như tương lai.
Ngoài ra, giáo viên cần tăng cường kèm cặp học sinh yếu ngay trong tiết học và sau giờ học. Với giải pháp lớp học đảo ngược, giáo viên dễ dàng hỗ trợ cá nhân đối với các học sinh khó khăn trong học tập, đối với các học sinh đã hiểu kiến thức cơ bản, các em được giao các nhiệm vụ khác với yêu cầu cao hơn. Lọc các học sinh có khó khăn trong học tập và dành thời gian hỗ trợ các em sau tiết học chính khóa, là phương thức đã thực hiện, mang lại hiệu quả.
Việc cấm dạy thêm ở bậc tiểu học là bước đi đáng ghi nhận của Bộ GD-ĐT trong cải cách giáo dục, bởi việc dạy thêm - học thêm không phải là giải pháp duy nhất để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Nếu giáo viên tận tâm, phương pháp dạy học hiệu quả và nhà trường có cơ chế hỗ trợ học sinh yếu, trẻ hoàn toàn có thể học tốt ngay trong giờ học chính khóa.
Quan trọng hơn, giáo dục tiểu học không chỉ dừng lại ở kiến thức sách vở mà còn phải giúp trẻ phát triển toàn diện, có thời gian vui chơi, sáng tạo và rèn luyện kỹ năng sống.
Công bằng với trung tâm
Giám đốc một Trung tâm Anh ngữ trên địa bàn TP.Tam Kỳ chia sẻ, Thông tư 29 góp phần “siết” lại việc quản lý tổ chức dạy thêm các môn học, đặc biệt với bộ môn đặc thù như ngoại ngữ.
Theo đó, nếu trước đây, rất nhiều người tổ chức dạy tiếng Anh tại nhà nhưng không đăng ký với địa phương hoặc cấp quản lý về giáo dục, do vậy, các trung tâm này hoàn toàn không làm nghĩa vụ về thuế hoặc các đợt kiểm định chất lượng. Đặc biệt, nhiều phụ huynh cho rằng, việc học Anh ngữ không cần thiết phải đến các trung tâm cho tốn phí, chỉ cần học ở các nhóm tự phát như vậy cũng giống như chương trình dạy của Trung tâm. Nếu trước đây Thông tư 17 không quy định cụ thể về điều kiện dạy học cũng như các chế tài xử lý thì nay, Thông tư 29 sẽ góp phần giảm các tình trạng dạy chui như vậy.
Hiện tại, theo quy định của Thông tư 29, người dạy tiếng Anh buộc phải đăng ký kinh doanh, phải có giấy phép được cấp bởi các sở ngành liên quan, từ cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy, chương trình học được duyệt, hồ sơ của giáo viên... thì mới được cấp phép hoạt động. Đặc biệt, trung tâm Anh ngữ không được dạy chương trình học của sách giáo khoa. Như vậy, các nhóm mở tự phát lâu nay theo quy định của Thông tư 29 hiện nay là những nhóm mở chui.
Thông tư 29 cũng quy định, nếu tiếng Anh là môn học chính khóa trong trường, giáo viên đang dạy trong trường không được phép mở lớp dạy thêm. Tuy nhiên, học sinh vẫn có thể học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ hoặc với giáo viên không giảng dạy tại trường. Đối với học sinh tiểu học, thông tư quy định các trường tiểu học không được tổ chức dạy thêm tiếng Anh ngoài giờ nếu môn này đã có trong chương trình chính khóa; giáo viên tiểu học đang giảng dạy tại trường không được tổ chức dạy thêm ngoài giờ học chính khóa.
Đối với các môn học khác, đặc biệt từ cấp THCS, THPT, quy định quản lý việc dạy thêm bằng cách buộc người dạy phải đăng ký kinh doanh và đóng thuế. Theo đó, tổ chức và cá nhân đứng ra tổ chức hoặc tham gia dạy thêm có trách nhiệm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính và chính sách thuế. Tuy nhiên, người dạy không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Điều này đồng nghĩa với việc nếu đăng ký kinh doanh thì giáo viên trường công lập không được đứng tên hộ kinh doanh, doanh nghiệp tổ chức hoạt động dạy thêm. Nhiều giáo viên áp dụng cách nhờ người thân đứng tên hoặc “đầu quân” vào các trung tâm dạy thêm.
Nếu đã tổ chức dạy thêm cần phải chịu sự quản lý của pháp luật, từ an toàn an ninh cho đến chất lượng dạy học. Việc yêu cầu đăng ký kinh doanh phần nào hướng đến việc siết lại tình trạng dạy thêm tràn lan như đã thấy.
Nhiều học sinh lớp 9, lớp 12 lo lắng trước quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT, nhất là khi đây là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và học sinh lớp 9 của Quảng Nam thi tuyển vào lớp 10.
Lo lắng
Nguyễn Như Quỳnh, học sinh (HS) lớp 12 ở một trường THPT tại Tam Kỳ kể: Em dự định thi tổ hợp Toán, Tiếng Anh, Lịch sử. Cùng với học online, ngay từ đầu năm lớp 10, Quỳnh đã chọn học thêm môn Tiếng Anh ở một giáo viên (GV) trong trường (cô giáo này không dạy lớp Quỳnh năm lớp 10 và 11) nhưng đến năm học này, thì cô dạy chính khóa ở lớp em.
Với quy định tại Thông tư 29, từ ngày 14/2 này, Quỳnh buộc phải chuyển sang học tiếng Anh ở GV khác. Cô giáo dạy thêm tiếng Anh này cũng tích cực hỗ trợ HS tìm học thêm với GV phù hợp nhưng vì đã quen với phương pháp dạy của cô nên Quỳnh và các bạn cùng nhóm học thêm rất lo lắng. “Em không hiểu vì sao Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT lại có hiệu lực vào thời điểm chỉ còn mấy tháng nữa là đến kỳ thi quan trọng, khiến chúng em “trở tay không kịp”. Giá như thông tư có hiệu lực từ đầu năm học hoặc cuối năm học thì chúng em sẽ chủ động trong việc tìm thầy cô để học thêm hơn” - Như Quỳnh nói.
Cũng giống trường hợp của Như Quỳnh, rất nhiều HS lớp 9, lớp 12 tại các địa phương trong tỉnh cũng buộc phải tìm GV khác để học thêm khi Thông tư 29 quy định “GV không được dạy thêm đối với HS mà GV đó dạy chính khóa ở trường”.
Một phụ huynh ở Đại Lộc, có con đang học lớp 9 nói: “Từ năm học lớp 6, tôi đã gửi con tôi học thêm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh ở một số thầy cô và dự định để cháu học suốt 4 năm THCS. Nhưng đến năm học lớp 9 này, thầy giáo dạy thêm Toán cũng là GV dạy chính khóa cho con tôi. Mấy ngày nay, tôi phải lo tìm GV khác cho con học thêm để việc học của con mình không bị gián đoạn. Con tôi dự định thi vô trường chuyên, dù học tốt nhưng cháu cũng rất lo lắng khi phải làm quen với cách dạy của GV mới chỉ trong thời gian ngắn”.
Một HS THPT ở Tiên Phước nói, quy định cấm dạy thêm hiện hành có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều HS, ngay cả đối với những HS giỏi, có khả năng tự học. HS này cho biết, nhiều bạn lựa chọn học thêm để nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến chứ không hẳn học thêm vì bị ép buộc hay sợ điểm thấp, sợ ba mẹ thất vọng.
Xoay xở
Tuy nhiên, không phải tất cả HS cuối cấp nào cũng quá lo lắng và bị ảnh hưởng quá nhiều bởi quy định của Thông tư 29. Nguyễn Võ Thanh An, HS lớp 12A2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) chia sẻ, bản thân em cũng có ảnh hưởng bởi quy định này nhưng không nhiều. Bởi vì từ năm lớp 12, An chỉ học thêm một môn, còn lại là tự học, tự ôn ở nhà, để tự mình đáp ứng kỳ vọng của bản thân. Cũng như An, có HS cho rằng, quy định về dạy thêm không ảnh hưởng nhiều đến việc học và thi cuối cấp sắp tới, vì lâu nay các em đã tự học hoặc mua khóa học online.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29, nhiều trường THCS, THPT trong tỉnh đã lập kế hoạch để kịp thời hỗ trợ HS khi kỳ thi quan trọng của các em đang đến gần. Thầy Phan Thanh Nhuận - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ) cho biết, khi Thông tư ban hành nhà trường đã triển khai và quán triệt các quy định về dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, Thông tư có hiệu lực ở thời điểm giữa năm học nên Trường THPT Lê Quý Đôn cũng như các trường học khác có một số khó khăn nhất định, đặc biệt là việc ôn tập thi tốt nghiệp cho HS không thực hiện được như kế hoạch ban đầu.
Sắp tới đây, Trường THPT Lê Quý Đôn sẽ lọc danh sách HS có nguyện vọng ôn tập các môn thi tốt nghiệp sắp xếp lớp riêng để tổ chức bồi dưỡng cho các em. Sau khi kết thúc chương trình, nhà trường sẽ sắp xếp các lớp ôn tập và vận động thầy cô dạy miễn phí cho HS. Tuy nhiên, việc thực hiện Thông tư 29 cũng gặp một số khó khăn nhất định, như đối với HS rất yếu, có nguy cơ hỏng tốt nghiệp THPT, các năm học trước đây nhà trường làm việc với cha mẹ HS và thống nhất tổ chức các lớp phụ đạo bắt buộc cho các em (không thu tiền); tuy nhiên Thông tư 29 quy định HS phải đăng ký, nhưng những em này lại thường không tự giác đăng ký.
Từ giữa học kỳ 2 này, nhiều trường học khác trong tỉnh cũng triển khai phụ đạo miễn phí cho HS học yếu. Đối với lớp 12, trước mắt là phụ đạo 2 môn Toán và Ngữ văn; lớp 9 là phụ đạo 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Dù Thông tư 29 về cơ bản không khác nhiều so với quy định về dạy thêm, học thêm trước đây nhưng lần này, việc thực hiện bước đầu có vẻ nghiêm ngặt hơn. Biết đâu, sự “siết chặt” này lại là cơ hội cho HS phát huy tính tự chủ và tinh thần tự học, tự tìm tòi.
Nội dung: XUÂN PHÚ - PHẠM THỊ TẤN NGUYỆT - NGUYỆT PHẠM - LÊ QUÂN - CHÂU NỮ
Trình bày: MINH TẠO