Nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững - Bài cuối: Tạo động lực phát triển mới

LÊ VŨ - THANH MINH 14/05/2021 10:17

Phát triển đột phá và bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII là mục tiêu nhiều chương trình hành động hướng đến.

Một số ứng cử viên cho biết sẽ quan tâm đề xuất đẩy nhanh tiến độ nạo vét sông Cổ Cò. TRONG ẢNH: Khơi thông sông Cổ Cò đoạn phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn). Ảnh: H.P
Một số ứng cử viên cho biết sẽ quan tâm đề xuất đẩy nhanh tiến độ nạo vét sông Cổ Cò. TRONG ẢNH: Khơi thông sông Cổ Cò đoạn phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn). Ảnh: H.P

Tạo động lực mới cho vùng đông

Để vùng đông của tỉnh tạo được những bước đột phá mới, gắn liền với địa phương nơi ứng cử, nhiều ứng cử viên đề xuất tăng cường xây dựng các cơ chế chính thu hút đầu tư và huy động nguồn lực vào khu, cụm công nghiệp, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, nhất là vùng khó khăn về điều kiện tự nhiên.

Đặc biệt đề xuất cơ chế tích tụ ruộng đất, hình thành vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và tăng thu nhập, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị gắn liền với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một số ứng cử viên cho biết sẽ quan tâm đề xuất đẩy nhanh tiến độ nạo vét sông Cổ Cò, xây dựng các cầu qua sông, hệ thống đường ven sông và các công trình tiện ích công cộng khác để hình thành một trục cảnh quan phát triển vùng đông Điện Bàn, kết nối với Đà Nẵng và Hội An để phát triển du lịch, dịch vụ.

Tháo gỡ những tồn tài kéo dài của các dự án ven biển theo hướng sẽ thu hồi hoặc điều chỉnh để tăng không gian cảnh quan ven biển; hình thành tuyến đường hành lang biển để phát triển dịch vụ. Giải quyết vướng mắc của vệt cây xanh dọc tuyến ĐT603A và nghiên cứu mở rộng tuyến đường này để đảm bảo giao thông về lâu dài.

Trong bối cảnh vùng đông huyện Duy Xuyên đang chuyển mình với nhiều vận hội mới, ứng cử viên đặc biệt quan tâm đến vấn đề sinh kế bền vững của nhân dân. Một ứng cử viên chia sẻ, vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm bền vững cho từng đối tượng, từng lứa tuổi là trăn trở lớn của bản thân, nhất là đối với học sinh sau THCS không tiếp tục học THPT; việc tăng thu nhập cho người dân để được công nhận và duy trì huyện đạt chuẩn nông thôn mới là một trong những tiêu chí quan trọng, cần các cơ chế chính sách của tỉnh hỗ trợ, tiếp sức cho nhân dân khai thác tối đa lợi thế vốn có từ chính quê hương mình.

Đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của mình khi tham gia quyết định đầu tư một số chương trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược du lịch bền vững và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu; đường nối quốc lộ 1 đi vùng đông Duy Xuyên và đường ven biển; xây dựng mới các cầu trên quốc lộ 14H nối Cẩm Kim (Hội An) với Duy Phước, cầu Para mới và cầu Trường Giang 2; chương trình đô thị Duy Nghĩa, Duy Hải...

Với địa bàn huyện Thăng Bình, ứng cử viên cho biết sẽ kiến nghị HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện tốt các kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Thăng Bình nói riêng; tăng cường thực hiện quy chế dân chủ, các dự án cần phải được công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để bảo đảm hài hòa giữa các lợi ích, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, tiếp dân để giải quyết các vấn đề nổi cộm; thực hiện tốt việc giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân...

Đảm bảo an sinh ở vùng tây

Các huyện miền núi của Quảng Nam thời gian qua đã chuyển mình thay đổi, đời sống đồng bào được nâng lên, tuy nhiên để miền núi phát triển bền vững, các ứng cử viên bày tỏ nhiều vấn đề trăn trở như: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền núi được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, thiếu bền vững.

Cùng với đó, diễn biến thời tiết, dịch bệnh ngày càng phức tạp, đầu ra của một số sản phẩm chủ lực ở miền núi thiếu ổn định đã tác động nhất định đến sản xuất, đời sống, tâm lý của người dân, song việc xúc tiến thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị còn hạn chế.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn bất cập, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao đất, giao rừng, phân chia lâm phận còn nhiều hạn chế, chưa đạt mục tiêu là động lực thúc đẩy người dân cải thiện sinh kế bằng nghề rừng, thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng...

Kiến nghị ưu tiên đầu tư nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho miền núi là điều thể hiện trong chương trình hành động của nhiều ứng cử viên. Ảnh: T.CÔNG
Kiến nghị ưu tiên đầu tư nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho miền núi là điều thể hiện trong chương trình hành động của nhiều ứng cử viên. Ảnh: T.CÔNG

Trước các thực trạng trên, các ứng cử viên mong muốn góp phần là cầu nối giữa nhân dân miền núi với chính quyền các cấp và đưa nghị quyết vào đời sống một cách hiệu quả.

Các ứng cử viên khẳng định nếu trúng cử sẽ thực hiện tốt công tác giám sát về tình hình và kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc; chú trọng theo dõi thực hiện các kết luận giám sát các nội dung đã được cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chậm chuyển biến hoặc chưa giải quyết như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đồng bào miền núi; thu hút doanh nghiệp đầu tư và giải quyết đầu ra của nông sản; đưa các dự án đường giao thông huyết mạch vào kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Ứng cử viên cam kết tích cực tham mưu đề xuất với HĐND tỉnh những chính sách ưu tiên hợp lý, giải quyết tốt và hiệu quả hơn chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng căn cứ địa cách mạng, nâng cao giải pháp công tác giảm nghèo các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi triển khai các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh, sẽ chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi mô hình trồng cây lâm nghiệp ở miền núi theo hướng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển các giống cây, con đặc hữu của địa phương...

Đột phá liên kết vùng miền núi

Các ứng cử viên còn đưa ra cách giải bài toán khó đối với thanh niên miền núi trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, như: tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp rộng rãi trong cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề lập nghiệp; tổ chức nhiều hình thức, hoạt động tuyên truyền thích hợp để thay đổi tư duy cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu sổ để họ thường xuyên giáo dục con em tại thôn, bản mình có động cơ học nghề lập nghiệp; động viên, khuyến khích con em mình mạnh dạn tham gia học nghề, vào làm việc tại các doanh nghiệp để tạo thu nhập ổn định cho bản thân, góp phần ổn định cuộc sống gia đình; liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nhu cầu lao động tuyển dụng để ký kết, hợp tác đào tạo những ngành nghề phù hợp và giải quyết việc làm cho học viên...

Nhiều ứng cử viên cho biết sẽ tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh, UBND tỉnh ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên xã, giao thông kết nối vùng, liên vùng, hạ tầng kỹ thuật điện, dịch vụ viễn thông, nước sinh hoạt..., tạo những đột phá nhằm nâng cao hiệu quả chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi. Đồng thời tham gia ý kiến cùng HĐND tỉnh đề ra những chính sách phù hợp về y tế, giáo dục cũng như các chính sách an sinh xã hội khác để nâng cao đời sống của người dân; kiến nghị và tập trung giám sát việc giải quyết những vấn đề tồn tại, bức xúc mà cử tri quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững - Bài cuối: Tạo động lực phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO