Nỗ lực vươn khơi bám biển

VIỆT NGUYỄN 17/11/2021 06:31

Dịch bệnh ảnh hưởng, đầu ra hải sản giảm giá, chi phí đầu vào cao do giá xăng dầu tăng, mùa biển động thời tiết thất thường..., trong muôn vàn khó khăn đó, nhiều ngư dân Quảng Nam vẫn nỗ lực vươn khơi.

Tàu cá QNa-90244 sắp sửa ra khơi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tàu cá QNa-90244 sắp sửa ra khơi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Yên tâm sản xuất

Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An) - chủ tàu cá QNa-93070 hành nghề câu cho biết, tranh thủ thời tiết ổn định là vươn khơi đi biển.

“Mùa này biển cả thất thường, có chuyến biển 10 ngày, cũng có chuyến biển chỉ 2 - 3 ngày. Sợ nhất là dịch bệnh khiến cho đầu ra hải sản bấp bênh. Trước đây, cá hố, cá cam, cá chim, cá nhám bán rất nhanh lại được giá nhờ xuất khẩu thì nay đầu ra thất thường, giảm đến 5 - 6 giá. Chỉ mong chuyến biển này thu được sản lượng khá, các bạn biển và chủ tàu có thu nhập là vui rồi” - ông Tuấn nói.

Thiếu nguyên liệu chế biến hải sản

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến cuối tháng 10.2021, sản lượng khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 61.000 tấn (bằng 67,4% kế hoạch), khiến nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh thiếu nguyên liệu, nhất là phục vụ thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân được xác định do tác động xấu của dịch bệnh Covid-19, thiếu bạn biển, nên nhiều tàu cá hạn chế ra khơi.

Ông Nguyễn Minh Chức - đại diện Công ty TNHH Thương mại Thuận Nhân Phát (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết: “Lượng hải sản mua được trên địa bàn Quảng Nam chỉ mới đáp ứng 10% nhu cầu nên phải thường xuyên mua thêm ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa. Hải sản ngư dân Quảng Nam đánh bắt được không nhiều lại bảo quản không tốt. Điểm yếu này cần được cải thiện để nâng cao giá trị”.

Cũng hành nghề câu, ngư dân Nguyễn Thanh Quang (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) - chủ tàu cá QNa-92744 chia sẻ, xăng dầu tăng giá mạnh khiến giá lương thực, thực phẩm, đá cây, gas, nước uống,... cũng leo thang khiến chi phí chuyến biển tăng hơn 1/3 so với trước.

Dù vậy, ngư dân địa phương vẫn bám biển, bởi mùa biển động khó sản xuất nhưng hễ ra khơi là câu được nhiều cá hố, cá chim, cá thu, cá cờ. Các thiết bị liên lạc gồm máy tầm xa, tầm trung, tầm ngắn, máy Movimar hoạt động tốt nên ngư dân cũng yên tâm vì luôn nhận được các bản tin dự báo thời tiết trên biển trong ngày để ứng phó.

Tại huyện Núi Thành, xã biển Tam Quang có nhiều ca Covid-19 nên tàu cá xuất, nhập cảng cá Tam Quang phải thực hiện đảm bảo chặt chẽ các quy định phòng chống dịch.

Ngư dân Huỳnh Ngọc Vũ (thôn Sâm Linh Đông) - chủ tàu cá QNa-90244 cho biết, tàu luôn thực hiện đảm bảo thủ tục khi cập cảng cá Tam Quang, nhất là khai báo lịch trình sản xuất trên biển để ngành chức năng nắm bắt.

Do hạn chế tiếp xúc nên khi đưa cá lên bờ bán cho tư thương phải thực hiện nhanh gọn. Các hoạt động đo thân nhiệt, sát khuẩn được thực hiện liên tục.

“Đã cuối năm rồi, tranh thủ thời gian biển lặng là đi đánh bắt hải sản. May nhờ sản xuất theo tổ, đội đoàn kết nên chúng tôi kịp thời giúp đỡ nhau khi có tình huống phát sinh. Mong chuyến biển cuối năm đạt sản lượng, an toàn cho người và phương tiện” - ông Vũ nói. Tàu cá của ông Vũ hành nghề lưới vây, chuyến biển vừa qua thu được 20 tấn cá ngừ, cá nục, chủ tàu thu được 100 triệu đồng, các lao động được chia 10 triệu đồng/người. 

Hỗ trợ ngư dân

Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho biết, dù mùa biển động nhưng nhiều ngư dân trên địa bàn vẫn miệt mài vươn khơi. Sản xuất ở ngư trường Trường Sa, ngư dân được khuyến cáo đưa tàu cá vào neo đậu ở âu thuyền Song Tử Tây nếu thời tiết biến động mạnh.

Mùa biển động, ngư dân đưa tàu cá vào neo đậu ở âu thuyền Song Tử Tây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Mùa biển động, ngư dân đưa tàu cá vào neo đậu ở âu thuyền Song Tử Tây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Còn ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân sẽ về bờ nếu nhận được thông tin bão lớn; đưa tàu ra khỏi khu vực có gió mạnh nếu nhận thông tin áp thấp nhiệt đới.  Cùng với sự cần cù, năng động sản xuất của ngư dân, địa phương tiếp sức bằng cách giúp hoàn thiện giấy tờ, thủ tục đi biển cũng như trợ giúp về y tế, phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, sản lượng hải sản của Tam Quang thu được đạt gần 20 nghìn tấn, sắp hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2021.

Trước khó khăn của ngư dân gặp phải trong mùa biển động, các ngành chức năng đã khẩn trương thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân. Theo đó, các chủ tàu cá sản xuất xa bờ chưa trang bị máy liên lạc gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS sẽ được miễn phí lắp đặt.

Sở NN&PTNT phối hợp với ngành chức năng của tỉnh khẩn trương rà soát, xét duyệt hồ sơ, thủ tục sản xuất của ngư dân để hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển (trong quý I đã giải ngân hơn 34 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, trong quý II dự kiến sẽ giải ngân hơn 100 tỷ đồng)...

Theo ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong quá trình  khai thác hải sản, ngư dân không nên đưa tàu cá đến các địa phương đang có diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp để khỏi phải cách ly tập trung khi về cảng. Các ngành chức năng cũng cần quan tâm phân bổ nguồn vắc xin để tiêm phòng cho ngư dân, giúp họ chủ động trong những chuyến khai thác hải sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực vươn khơi bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO