Nhiều người dân Cẩm Thanh (Hội An) đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng những khu dịch vụ lưu trú homestay, phục vụ khách du lịch với hy vọng biến Cẩm Thanh trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Dịch vụ lưu trú homestay không phải là mô hình quá mới mẻ ở Hội An, nhưng riêng tại Cẩm Thanh thì chỉ mới phát triển mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây. Toàn xã có 36 có sở dịch vụ, trong đó có 17 homestay với thiết kế không gian đẹp mắt, chủ yếu là khai thác vẻ hoang sơ của địa phương kết hợp với phòng ở đầy đủ tiện nghi, tạo thành một không gian nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách. Bà Nguyễn Thị Trang - chủ homestay Luna (thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh) cho biết: “Homestay của tôi đầu tư tổng cộng 4,5 tỷ đồng, tiền để cải tạo môi trường sinh thái cũng tốn kém lắm. Vì đất mặn và phèn nên một số cây khó trồng. Tuy nhiên, chúng tôi đầu tư với hy vọng tạo được công ăn việc làm cho gia đình mình, thúc đẩy du lịch địa phương, khách du lịch có thể khám phá vẻ đẹp của quê hương mình”.
Một homestay đang được xây dựng. Ảnh: Phương Loan |
Từ ngày những homestay mở ra, khách du lịch đến với Cẩm Thanh ngày càng nhiều. Cẩm Thanh bây giờ lúc nào cũng có bóng dáng khách nước ngoài. Dịch vụ ăn uống, cho thuê xe máy, giặt ủi được mở ra và tăng lên đáng kể. Nhiều homestay mở ra giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, vừa khai thác được vẻ đẹp của địa phương để phát triển kinh tế, vừa để quảng bá hình ảnh Cẩm Thanh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, quá nhiều homestay mở ra kéo theo nhiều vấn đề đáng để những người đầu tư và chính quyền quan tâm và giải quyết. Bản chất ban đầu của homestay đã bị thay đổi đi ít nhiều. Nhiều chủ hộ đầu tư kinh phí quá lớn, biến các homestay trở thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp chứ không còn là những khu lưu trú cộng đồng. Một chủ homestay chia sẻ: “Homestay bây giờ đã biến tướng đi ít nhiều, những homestay thật sự thì cách bài trí và cơ sở vật chất rất đơn giản, chủ yếu là giúp khách du lịch khám phá và trải nghiệm văn hóa địa phương. Tuy nhiên, thay vì đầu tư vào những cái đó, nhiều chủ đầu tư bây giờ chú trọng vào phòng nghỉ, còn việc để cho du khách khám phá và trải nghiệm thì không nhiều lắm”. Bà Nguyễn Thị Trang cho biết thêm: “Nếu mở cách đây 3 năm hoặc sớm hơn, có thể chúng tôi sẽ dễ thu hồi vốn nhưng trong vòng 1 năm trở lại đây, quá nhiều homestay xây dựng cạnh tranh nhau. Nhiều cơ sở phải liên tục đầu tư và nâng cấp dịch vụ để có thể phục vụ cho nhiều đối tượng hơn và cạnh tranh được với những homestay khác”.
Đầu tư để phát triển du lịch địa phương là điều hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, để giữ được những tính chất ưu việt của mô hình này và tạo ra một dịch vụ lưu trú phát triển thật sự chất lượng và hiệu quả thì cần rất nhiều yếu tố chứ không đơn thuần chỉ là bê tông, cốt thép.
PHƯƠNG LOAN