Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài đã trở thành phong trào nở rộ rộng khắp và mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, góp phần rất lớn vào việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển sự nghiệp GDĐT, đào tạo nguồn nhân lực.
Quỹ Ươm mầm tài năng của Báo Quảng Nam góp phần tôn vinh các em học sinh, sinh viên học tập và nghiên cứu xuất sắc trên các lĩnh vực. |
Chủ động, tích cực
Có một điều đáng chú ý là trước khi có Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị khóa X (13.4.2007) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã “đi trước một bước” khi ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU (8.12.2006) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học trên địa bàn tỉnh. Điều đó cho thấy sự chủ động, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với công tác khuyến học, khuyến tài. Trong 10 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đưa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị vào chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy, chính quyền. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở GDĐT, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 11 tại các địa phương trong tỉnh.
Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành một số chính sách, cơ chế thu hút nhân tài về làm việc tại địa phương. Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3101 về Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, sau đại học về làm việc tại Quảng Nam giai đoạn 2014-2020 với tổng kinh phí thực hiện hơn 32 tỷ đồng. Những người được thu hút ngoài việc hưởng lương và các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành còn được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí một lần khi làm nhiệm vụ. Đối với học sinh tốt nghiệp THPT được đi đào tạo đại học ở nước ngoài cũng được tỉnh ưu tiên hỗ trợ đào tạo theo Quyết định số 13 (12.5.2014) của UBND tỉnh. Với những chính sách nêu trên, bước đầu đã thu hút được một số cán bộ có phẩm chất và năng lực tốt về làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2011-2015, cả tỉnh đã cử hơn 55.400 lượt cán bộ công chức, viên chức đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước; tuyển dụng 522 sinh viên tốt nghiệp đại học theo Đề án 500 của tỉnh để đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho xã, phường, thị trấn của tỉnh giai đoạn 2011-2016. Năm 2013, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh được thành lập để góp phần chăm lo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. |
Thời gian qua, mạng lưới các trường học, cơ sở GDĐT trên địa bàn cả tỉnh được tập trung chỉ đạo củng cố, phát triển góp phần xây dựng xã hội học tập. Đến nay, toàn tỉnh có 814 trường với 328.662 học sinh các bậc học; 2 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 8 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề trực thuộc huyện, thị xã, thành phố; 197 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn; 2 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề với quy mô hơn 19.000 học sinh, sinh viên. Các hình thức đào tạo chính quy, không chính quy, theo hướng đào tạo đa cấp học, đa ngành, đa lĩnh vực đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Cả xã hội làm khuyến học
Tổ chức hội khuyến học các cấp được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và không ngừng lớn mạnh. Theo Hội Khuyến học tỉnh, đến nay 18 huyện, thị, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức hội. Cạnh đó còn có 1.718 chi hội khuyến học thôn, khối phố (100%), 829 chi hội khuyến học trường học (100%), 2.384 ban khuyến học tổ đoàn kết, 2.561 ban khuyến học dòng họ, 126 ban khuyến học đơn vị lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, 141 ban khuyến học tôn giáo, 481 ban khuyến học cơ quan, 146 ban khuyến học đồng hương, 801 phân hội khuyến học với tổng số 198.891 hội viên. So với năm 2007, tăng 1 huyện hội, 5 chi hội cấp xã, 700 chi hội thôn, 1.606 ban khuyến học tổ đoàn kết, 1.626 ban khuyến học dòng họ, 136 ban khuyến học tôn giáo, 146 ban khuyến học đồng hương. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được thực hiện trở thành phong trào quần chúng sâu rộng với nhiều hoạt động thiết thực nhất là vào dịp “Tháng khuyến học” (từ 5.9 đến 5.10), Ngày Khuyến học 2.10, “Tết khuyến học” (vào dịp tết Nguyên đán), tộc họ khuyến học vào dịp giỗ tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch), khuyến học trong nhà trường vào dịp tổng kết năm học.
Nhờ hệ thống mạng lưới tổ chức hội khuyến học rộng khắp nên trong 10 năm qua, các cấp hội khuyến học toàn tỉnh đã cấp hơn 1.102.000 suất học bổng, khen thưởng và hỗ trợ khó khăn cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học tập xuất sắc với tổng số tiền hơn 240 tỷ đồng. Cạnh đó, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng và phát triển nhiều quỹ khuyến học như Quỹ học bổng Đất Quảng (đã xét cấp 968 suất cho sinh viên nghèo học giỏi với tổng số tiền cấp 2,936 tỷ đồng); Quỹ ươm mầm tài năng Đất Quảng (đã xét cấp hơn 250 suất với tổng số tiền hơn 0,5 tỷ đồng); Quỹ học bổng tiếp sức đến trường (dành cho các tân sinh viên nghèo với tổng trị giá trị 0,7 tỷ đồng/năm); Quỹ học bổng Chanchu (dành cho con ngư dân bị tử nạn trong cơn bão số 1 năm 2006 đã xét cấp 1.362 suất với số tiền 1,685 tỷ đồng), Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đã hỗ trợ điều kiện học tập và xây dựng nhà tình thương cho sinh viên, học sinh… Nguồn quỹ khuyến học các cấp được huy động ngày càng tăng. Các cấp hội đã kịp thời phối hợp tổ chức xét, trao học bổng, khen thưởng và cấp hỗ trợ cho nhiều lượt học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, góp phần hạn chế bỏ học, duy trì số lượng, nâng cao chất lượng GDĐT.
Một điều khá đặc biệt mà hiếm địa phương nào trên cả nước như Quảng Nam là đến nay, có đến 9 huyện, thị xã, thành phố xây dựng, ban hành giải thưởng khuyến học của địa phương và hàng năm xét trao thưởng cho các em học sinh, sinh viên và cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác như Giải thưởng Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ và huyện Phú Ninh); Giải thưởng Võ Chí Công (Núi Thành), Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước), Quỹ Ươm mầm tài năng (Tây Giang), Học bổng Thăng Bình (huyện Thăng Bình), Vinh danh tài năng Điện Bàn (thị xã Điện Bàn), Nâng tầm trí thức Đại Lộc (huyện Đại Lộc), Học bổng Lê Thiện Trị (huyện Duy Xuyên). Chính những giải thưởng này đã khuyến khích, tạo động lực rất lớn cho con em trong việc nỗ lực vươn lên học tập xuất sắc.
Quảng Nam trong quá khứ từng là đất học, quê hương của “ngũ phụng tề phi”. Hiện nay, với những kết quả đạt được, nơi đây còn là vùng đất của phong trào khuyến học, khuyến tài.
XUÂN PHÚ