Thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh đang diễn ra sôi động, tạo thuận lợi lớn cho người tiêu dùng.
Siêu thị điện máy - nội thất Chợ Lớn ở TP.Tam Kỳ chú trọng chăm sóc khách hàng để tăng cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: QUANG VIỆT |
Phong phú, đa dạng
Sau siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, hàng loạt địa chỉ bán lẻ như Điện máy xanh, Thế giới di động, Siêu thị điện máy - nội thất Chợ Lớn đã có mặt ở TP.Tam Kỳ sau đó lan rộng ra khắp các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ chiếm lĩnh thị trường phù hợp với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin. Số khách hàng mua bán thông qua giao dịch điện tử và các hình thức thanh toán thông minh tăng rất mạnh trong thời gian gần đây. Sự bùng nổ các cửa hàng, siêu thị bán lẻ phù hợp với khuynh hướng tiêu dùng mới là tiện ích, nhanh nhạy, đa dạng, phong phú. Từ đó, xu hướng tiêu dùng mới dần hình thành, bắt đầu từ tầng lớp thị dân, lan ra khu vực nông thôn. “Về phía nhà sản xuất, với sự bùng nổ của các địa chỉ bán lẻ, họ phải đầu tư lớn hơn cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để có thể được ký kết hợp đồng, đưa hàng hóa vào buôn bán. Người tiêu dùng sẽ có nhiều hơn lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, nhất là hàng hóa, dịch vụ mới, tiện ích, để so sánh giá cả mà lựa chọn tiêu dùng. Mỗi nhà bán lẻ cũng phải cạnh tranh để thu hút khách hàng, kích thích tiêu dùng” - ông Lâm nói.
Mới đây, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương để Công ty CP Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam đầu tư dự án Trung tâm thương mại VinaStartuy tại số 189 Huỳnh Thúc Kháng, TP.Tam Kỳ. Hay Trung tâm thương mại Panko Plaza đã đầu tư xong khu mua sắm ở phường An Phú (TP.Tam Kỳ) và đang cho thuê mặt bằng để các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ, kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Có thể thấy, làn sóng mới về thương mại xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp bán lẻ đang đua nhau mở các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại. Chắc chắn, doanh nghiệp nào ở vị trí đắc địa, chăm sóc khách hàng tốt hơn, hàng hóa, dịch vụ đảm bảo sẽ giành ưu thế nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng tốt hơn về phía mình. Ngược lại, doanh nghiệp nào chậm thích ứng, không sớm thì muộn cũng bị bỏ lại phía sau.
Sức ép cạnh tranh
Chợ truyền thống cần thích nghi Theo Sở Công Thương, trước sức ép cạnh tranh mua sắm ngày càng lớn hơn do người tiêu dùng chuộng mua hàng ở siêu thị, cửa hàng bán lẻ; tiểu thương ở các chợ truyền thống cần thay đổi phương thức mua bán phù hợp. Hàng hóa cần minh bạch, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ. Hàng hóa phải được niêm yết giá rõ ràng và bán theo giá niêm yết, tránh mặc cả, chèo kéo khách hàng. Ban quản lý các chợ cần quản lý tốt hơn môi trường, cảnh quan, thẩm mỹ, hạn chế nhếch nhác để người tiêu dùng không quay lưng. |
Siêu thị điện máy - nội thất Chợ Lớn tại TP.Tam Kỳ đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi, quà tặng để thu hút khách hàng. Nhiều sản phẩm máy giặt, lò vi sóng, máy lạnh, máy xay sinh tố được giảm giá đến 66%. Lễ hội giảm giá máy điện lạnh đang được siêu thị này mở ra với nhiều khuyến mãi lớn. Máy lạnh của tất cả các hãng như Sharp, Aqua, Panasonic, Toshiba, LG đều được giảm giá 40% và được tặng thêm các phần quà có giá trị cao. Lễ hội giảm giá “không thể rẻ hơn” đang được Siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn áp dụng cho các sản phẩm bếp điện từ, bàn ủi đứng, nồi cơm điện, lẩu điện, bình đun nước, máy sấy tóc, lò nướng, lò vi sóng, máy hút bụi... với ưu đãi đến 50%.
Ông Phan Văn Hoàn Vĩnh - quản lý của Siêu thị điện máy - nội thất Tam Kỳ cho biết, do sức ép cạnh tranh nên đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút khách hàng. Hiện tại, thời gian ra tết chưa lâu nên người tiêu dùng vẫn còn chưa chú trọng mua sắm; vì thế cần khuyến mãi sâu để kích thích tiêu dùng. Khách hàng trên địa bàn TP.Tam Kỳ và các huyện lân cận được miễn phí vận chuyển hàng hóa đến tận nhà. Với chương trình “không đồng, không lãi suất”, khách hàng có thể mua hàng hóa trả góp hàng tháng với mức 0 đồng và không chịu lãi suất. “Chúng tôi tung ra thị trường các mặt hàng cao cấp, trung bình và bình dân để lôi cuốn mọi tầng lớp khách hàng. Hàng hóa bán ra phải đảm bảo chất lượng” - ông Vĩnh nói.
Ông Nguyễn Quang Lâm cho rằng, sức ép đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thị trường bán lẻ là rất lớn. Ngoài các doanh nghiệp trong nước với nhau còn có doanh nghiệp ngoài nước chen vào, ví như Panko Plaza là của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở Quảng Nam. Doanh nghiệp ngoại với quy mô toàn cầu, tiềm lực kinh tế lớn, uy tín, thương hiệu nổi trội sẽ có ưu thế lớn so với doanh nghiệp trong nước. Theo Sở Công Thương, xu hướng định hình tương lai bán lẻ sẽ tuân theo những đặc điểm chính đang chi phối thị trường bán lẻ ở các thành thị lớn trong cả nước cũng như quốc tế là sự tiện lợi, hàng hóa, dịch vụ cao cấp và bán lẻ qua mạng internet. Người tiêu dùng đang hướng tới mua sắm đa kênh nên các nhà bán lẻ cần chuẩn bị cho phương án mua sắm này cũng như xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.
VIỆT NGUYỄN