Gần đây trên thị trường có nhiều loại bánh, mứt kém chất lượng được bày bán khiến người tiêu dùng lo ngại. Vì vậy, nhiều người ưu tiên lựa chọn sản phẩm bánh, mứt “nhà làm”.
Đến hẹn lại lên, trước Tết Nguyên đán tầm 1 tháng là chị Ánh Minh (xã Bình An, Thăng Bình) lại bắt tay vào làm mứt cho khách quen. Là người kỹ tính nên tất tần tật các công đoạn được chị chọn lựa kỹ: từ chọn nguyên liệu, cắt gọt, sên, sấy mứt… phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Với nhiều năm kinh nghiệm và uy tín nên lượng khách đến với chị ngày càng nhiều hơn.
Chị Minh cho biết: “Mình bán sản phẩm chủ yếu trên trang facebook, zalo nên mới đầu là chỉ bạn bè, người quen biết đến, sau khách quen ăn ngon nên giới thiệu cho nhiều khách khác. Mình chủ yếu làm mứt dừa non, mứt dừa dày, mứt gừng đường phèn và mứt cà rốt.
Mùa này, thời tiết lạnh nên mứt gừng đường phèn được nhiều khách ưa thích, vừa ngon, vùa tốt cho sức khỏe của khách. Khó nhất là làm mứt dừa non, chỉ cần quá lửa một tí là hỏng cả mẻ mứt, sên phải mất 3 tiếng đồng hồ mới được một mẻ, mà gần tết thì nhiều người làm nên dừa non cũng khó tìm được”.
Để đảm bảo chất lượng mứt, chị Minh không nhận đơn nhiều, mỗi dịp tết chị chỉ nhận dưới 200kg. Mỗi ký mứt chị bán với giá từ 130 – 230 nghìn đồng (tùy loại).
Chị Minh cho biết thêm: “Làm mứt chủ yếu lấy công làm lời. Mỗi công đoạn làm rất lâu và phải tỉ mỉ, chẳng hạn như cắt lát dừa dày quá sợi mứt sẽ ướt, cắt mỏng thì sợi mứt sẽ bị khô cứng, cắt sao cho vừa mềm vừa dễ ráo nước.
Màu sắc thì từ nguyên liệu củ quả và lá như củ cà rốt, quả gấc, củ dền, thanh long, lá dứa hương nên việc chế biến cũng kỳ công hơn. Mình làm không phơi nắng như nhiều người mà sấy bằng củi và sấy bằng lò sấy, như vậy mới đảm bảo vệ sinh”.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Luyến (xã Bình An) cho biết: “Ngoài giờ lên lớp thì tôi cũng tranh thủ làm các loại bánh, mứt theo đơn đặt hàng. Khách của tôi chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Điều khách cần là sản phẩm phải hương vị tự nhiên, không chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh. Tất cả tiêu chí này tôi đều đảm bảo cho được.
Tôi bán mấy năm nay rồi, khách ăn ngon, chất lượng đảm bảo, giá rẻ nên đặt cũng khá nhiều nhưng tôi không dám nhận nữa vì sợ không đủ sức làm. Không chỉ làm bánh mứt, tôi còn nhận đơn bò khô, nêm, chả để phục vụ bà con ăn tết. Mặc dù lợi nhuận không cao nhưng cũng giúp tôi trang trải được phần nào”.
Năm nay, mứt dừa trên thị trường còn có một số màu tự nhiên như màu cam của gấc; màu tím của lá cẩm; màu xanh của lá dứa; màu nâu của cà phê…, giá bán từ 150 - 300 nghìn đồng/kg.
Phần lớn giá các sản phẩm được bán cao hơn giá bán ở chợ khoảng 30 - 50%. Tuy giá cao nhưng người tiêu dùng phần lớn vẫn lựa chọn các sản phẩm nhà làm từ những người bán quen biết, có uy tín lâu nay.
Bà Nguyễn Thị Thành (An Xuân, Tam Kỳ) nói: “Dù nay cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều món ngon món lạ rất hấp dẫn nhưng hương vị truyền thống trong những ngày tết thì không thể thiếu được. Bánh chưng, bánh tét, dưa món, mứt dừa, mứt gừng vẫn là lựa chọn của tôi, đây không chỉ là một món ăn mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp tết cổ truyền của dân tộc ta”.